Tục ngữ ta có câu: Sống nhờ nhà, chết nhờ mồ.
Sống phải có nhà ở cũng như chết phải có mồ chôn. Vấn đề nhà ở là một vấn đề quan trọng đối với dân ta. Một gia đình phải có ít nhất một ngôi nhà để ông bà, cha mẹ, anh em, con cái ở. Sống vô gia cư, sống không có nhà ở, là một điều bất hạnh cũng giống như tử vô địa táng. Những cặp vợ chồng trẻ, ngay từ khi mới lấy nhau, tuy ở chung với cha mẹ, nếu không là con trưởng, cặp nào cũng nghĩ đến một ngôi nhà riêng của mình.
Một ngôi nhà với một tấm lòng vàng, bất cứ ai bắt đầu xây tổ uyên ương mà không mong ước như vậy.
Ngôi nhà liên quan mật thiết tới đời sống con người. Người bạ đâu là nhà, ngả đâu là giường, sống không có một thước đất cắm dùi là người rất đáng thương hại trong xã hội ta.
Nghèo đến đâu, người bần cùng lắm cũng phải có một túp lều để ở, dù đấy chỉ là túp lều tranh vách đất. Ban ngày đi xa về gần, muốn làm lụng công việc gì thì làm, tối cũng phải có nơi để trở về quây quần với gia đình, để nghỉ ngơi lúc đêm hôm.
Có một ngôi nhà, nhưng một ngôi nhà thường được kén chọn, xây cất qua biết bao tục lệ.
Kén Đất Chọn Hướng
Tục lệ ta tin về phong thủy không những chỉ chi phối việc để mồ mả mà còn chi phối cả về việc xây cất nhà cửa nữa.
Trong việc xây cất nhà cửa, cần kén một miếng đất, và miếng đất này gọi là dương cơ.
Thứ nhất dương cơ, thứ nhì mồ mả.
Ta vẫn thận trọng trong việc để mồ mả, trong việc xây cất nhà cửa, việc kén đất ta càng thận trọng hơn, các cụ thường đặt dương cơ trên mồ mả, các cụ vẫn nói nhất dương thắng thập âm, nghĩa là một ngôi nhà đúng đất, đúng hướng bằng mười ngôi mộ phát. Các cụ thường nhắc lại chuyện những người thất cơ lỡ vận chỉ vì ở một ngôi nhà không hợp với mình, cũng như chuyện bao nhiêu người làm ăn phát đạt vì ở một ngôi nhà đúng đất, đúng hướng.
Chọn đất, chọn hướng là cần thiết, nhưng trước khi làm nhà, người ta còn xem tuổi để biết tuổi có hợp với việc xây cất và có hợp với hướng đã kén không, nếu không được tuổi làm nhà phải đợi năm khác.
Đất thường chọn nơi cao ráo có thể lợi dụng dược cái khí của trời đất, núi sông, nhưng cùng với một dương cơ tốt, hướng nhà phải hợp với lẽ âm dương thuận nghịch.
Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam, hướng Nam đối với ngôi nhà là một sự cần thiết dĩ nhiên, cũng như khi lấy vợ tất nhiên phải lấy một người đàn bà. Hướng Nam được coi là tốt vì đón gió Nam mát mẻ, tuy vậy nhiều khi cũng còn tùy địa thế ngôi nhà.
Hướng nhà, dương cơ và tuổi người phải sao cho hợp với lý tam tài phối hợp của người xưa, tức là sự hòa hợp giữa Đất, Trời và Người vậy.
Phải tránh góc ao đao đình, nếu góc ao đao đình chiếu thẳng vào nhà sẽ có sự bất lợi. Cũng lại phải tránh những con đường đâm thẳng vào nhà. Người xưa, trong trường hợp không tránh được những điều kiêng kỵ trên, thường chôn một con chó đá trước cửa, hoặc treo trên nhà một tấm gương, chôn bốn góc nhà bốn lọ thủy tinh hoặc vẽ bùa treo trước nhà hay trước cửa ngõ để yểm trừ ma quỉ tà khí.
Bài viết được tổng hợp và biên tập bởi cơ sở chổi và dụng cụ vệ sinh Bông May, trong chuyên mục Văn Hóa Việt Nam của chúng tôi. Bông May là đơn vị sản xuất và bán sỉ chổi đót quét nhà giá rẻ nhất trên thị trường, cung cấp cho trường học, công ty văn phòng phẩm, công ty vệ sinh, và mọi khách hàng có nhu cầu. Quý khách cần mua chổi xin hãy liên hệ Bông May.
Vật Liệu Xây Cất
Đất đã chọn xong, hướng nhà đã định, tuổi đã hợp, việc làm nhà không còn điều gì trở ngại nữa. Giờ đây việc đầu tiên là phải sắm sửa vật liệu.
Vật liệu mua sắm tùy theo lối kiến trúc và cũng tùy theo sự xây cất. Nhà tranh vách đất, nhà tre, nhà gỗ, nhà gỗ lợp ngói, tường gạch mỗi lối nhà đều dùng vật liệu riêng.
Và vật liệu mua sắm cũng tùy thuộc kiểu nhà, kiểu nhà thay đổi tùy địa phương và tùy địa vị chủ nhân.
Chủ nhân có địa vị khá trong xã hội lại có tài chính dồi dào, lẽ tất nhiên ngôi nhà không giống ngôi nhà của một người Thạc Nhân, Xã hội Việt Nam với vấn đề Gia tộc. Xã hội Nguyệt san số 10, tháng 8-1966.
tuy cũng có danh vọng nhưng tiền của ít, và do đó khác xa những ngôi nhà của người nghèo.
Một ngôi nhà xưa, khi cất nên lại cần phải hợp với luật lệ và tránh phạm vào những điều cấm kỵ bị trừng phạt:
Còn như việc cửa việc nhà, Gỗ, tre, tranh, lá gọi là có thôi. Nếu làm nhà ngói phải coi, Đốc, đao, cấm ngặt, góc chòi cũng không.
Chữ môn cho chí chữ công,
Phạm vào phép nước tất không dung hoài.
Ở vùng quê, vật liệu xây dựng nhà thường là tre và gỗ, cũng có đôi khi dùng tới gạch ngói. Mái nhà lợp tranh, rơm rạ hay lá gồi nhiều hơn là lợp ngói. Tường nhà thường là vách đất, đất vừa trộn với rơm rạ trét vào những sườn bằng tre hay nứa. Nền nhà là đất nện, đôi khi cũng có lát gạch, loại gạch rẻ tiền.
Những nhà gạch lợp ngói thường nền lát gạch, có khi lát loại gạch hoa. Trong những năm gần đây, ở vùng quê nhiều nhà làm nền xi măng, tường vách bằng gỗ hoặc bằng đất trét hay đất đắp lên.
Dù nhà gạch hay nhà đất, xưa đều có cột, cột nhà bằng tre hoặc bằng gỗ. Người ta thường dùng tre đực làm cột, và gỗ thường là gỗ xoan ở ngoài Bắc và trong Nam là gỗ dầu. Nhiều nơi trong Nam thay tre bằng những cây tràm rất bền. Mái nhà dựng lên trên tường và cột, có rui mè để giữ cho chắc, lại có những xà ngang bắc vào cột bằng những chiếc mộng, có đòn tay nâng đỡ.
Nhà tranh, vách đất thường không có móng.
Cột nhà, nhà tranh cũng như nhà ngói được kê trên những tản đá vuông hoặc tròn để tránh cho chân cột khỏi bị mục hoặc mối. Không có những tảng đá, người ta dùng những viên gạch xây chồng lên nhau.
Ngày nay, những vật liệu làm nhà, ngoài những thứ cổ điển xưa còn có tôn hay fibrociment để lợp mái thay ngói, lá, tranh và rơm rạ, có xi măng cốt sắt để làm cột. Những nhà xây cất theo kiểu mới chỉ dùng xi măng, gạch, không có đòn tay, xà như xưa.
Đọc thêm về phong tục Việt Nam:
Tìm hiểu nguồn gốc làng xã Việt Nam
Truyền thống đặt tên và dạy con của người Việt
Kiến trúc nhà cửa
Khoa kiến trúc ngày nay, tại các nước Âu Tây cũng như tại các đô thị của ta, dựa trên khoa học, vật lý, hóa học và mỹ thuật để tạo nên những tiện nghi vật chất và tinh thần cho con người; Trái lại khoa tạo tác của ta xưa muốn đem lại sự yên ổn cho tâm hồn con người, nên các kiến trúc sư Viễn đông thời trước thường tìm cách lợi dụng cái khí của trời đất, núi sông hòa hợp với con người để hợp theo lý tam tài phối hợp như đã nói trên.
Thực vậy lối kiến trúc nhà cửa phương Đông, tức là có cả Việt Nam ta, không phải chỉ là công việc cấu tạo nên một ngôi nhà để lấy chỗ trú mưa, tránh nắng, dù ngôi nhà chỉ là một ngôi nhà lá, vách đất.
Cấu tạo nên một ngôi nhà, nhưng phải cấu tạo làm sao để ngôi nhà được nằm trong một khung cảnh thanh lịch, với cây cỏ dịu dàng biểu lộ được sự yên tĩnh tâm hồn con người. Khung cảnh có khi tạo nên thi vị để tăng sự thư thái cho tâm hồn.
Ở đây, tưởng cần nói thêm, dân chúng phương Đông, cả Việt Nam ta nữa, tin ở thần quyền, tin ở tài lực vạn năng của
Đấng Tạo hóa, không bao giờ dám ganh đua với tạo hóa, mà chỉ uốn mình dựa theo hoàn cảnh mà kiến trúc để tỏ sự phục tùng với Đấng Tối cao.
Ở đây có cái gì trái ngược với phương Tây. Ở phương Tây, con người muốn ganh đua cùng Tạo hóa, một công trình về kiến trúc, con người tự coi là một chiến thắng của mình đối với thiên nhiên. Con người phương Tây xây cao để vươn lên, còn con người phương Đông chỉ dựng nhà cửa của mình không lên bề cao, mà chỉ cốt làm sao cho nhà cửa hòa hợp với khung cảnh thiên nhiên, tạo nên sự êm dịu cho cuộc sống. Nếu người phương Tây muốn mỗi công trình kiến trúc của mình đều nổi bật trên khung cảnh của tạo hóa, thì người Đông phương lại mong những nhà cửa mình thuận với khung cảnh, những cây cỏ núi sông che chở cho ngôi nhà thêm ấm cúng, và như vậy tạo hóa sẽ phù trợ cho cuộc sống của mọi người trong gia đình.
Nhiều người ngoại quốc cho rằng Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, nên trong lĩnh vực kiến trúc, người ta cũng nhìn thấy có cái gì đó là Trung Quốc tại Việt Nam. Nhận xét trên có thể là đúng và cũng có thể là sai. Đúng vì Việt Nam đã du nhập văn hóa Trung Hoa, nhưng chúng ta đã Việt Nam hóa những cái gì chúng ta thu nhận.
Bề ngoài, nhà Việt Nam, nhất là những ngôi nhà sang trọng, có vẻ tương tự như nhà của người Trung Quốc, nhưng nhìn kỹ qua cái vẻ tương tự vẫn phảng phất cái gì khác biệt: sự khác biệt này chính ở chỗ ngôi nhà Trung Quốc đã bị Việt Nam hóa qua bàn tay kiến trúc của người Việt Nam, với cách xây cất, với vị trí định hướng cũng như với cách xếp đặt từ ngoài vào trong.
Nhà Việt Nam xưa có nhiều gian, nằm thành dãy, chia thành nhà trên, nhà ngang và nhà bếp. Những dãy nhà này vây chung quanh một sân rộng. Dãy nhà trên nằm ở giữa và có nhà thờ tổ tiên. Hai bên, chầu mặt vào nhau là hai dãy nhà ngang và nhà bếp.
Đằng sau nhà thường là vườn, đằng trước sân là ao: cổng đi vào nhà thường đi ở bên, cạnh dãy nhà ngang hoặc dãy nhà bếp, phía ngoài sân. Người ta tránh cổng ngõ đi thẳng vào nhà giữa, nhất là vào gian nhà thờ, trung tâm của gia đình. Cũng có khi có những cửa mạch đi lối sau, hoặc thông sang những nhà bên cạnh của cha mẹ, anh em hoặc con cái.
Nếu nhà có bụi tre, bụi tre ở góc vườn hoặc ở bờ ao.
Đống rơm cũng ở đằng sau vườn, cũng có nhiều nhà đánh đống rơm ở cạnh hai chái nhà ở hai bên. Rơm này vừa dùng để đun, vừa để cho trâu bò ăn.
Trong công việc kiến trúc, người xưa trước hết dựng lên bốn cột cái của gian giữa cùng với đòn nóc, rồi mới đến cột cái và kèo các gian bên. Sau cùng là những cột phụ và cột hiên. Những cột kèo này, dù chỉ bằng gỗ hay bằng tre, được chằng chịt lấy nhau, hoặc bằng lạt hoặc bằng các mộng kèo, mộng cột thành một sườn nhà rất vững chãi.
Dựng xong sườn nhà mới đặt mái. Mái nhà có rui mè để giữ ngói, rơm, rạ hay lá lợp lên trên. Người ta dùng lạt để buộc những con tranh, con rạ, tàu lá vào các mè của mái nhà. Rui mè làm bằng gỗ hoặc bằng tre, phần nhiều là tre ngâm, những cây tre đã được ngâm xuống nước một thời gian khá lâu để đủ tránh mối, mọt.
Sau khi đặt mái nhà là công việc lợp nhà. Nhà lợp ngói, rơm, rạ hay lá tùy khả năng tài chính của gia đình và cũng tùy hoàn cảnh địa phương, nơi nào tiện rơm thì dùng rơm, nơi nào nhiều lá gồi, lá dừa thì dùng lá.
Như trên đã trình bày, ngày nay ngoài ngói, rơm, rạ… người ta còn dùng tôn hay fibro-ximăng để lợp nhà.
Về ngói, xưa có nhiều loại: ngói âm dương, ngói mấu…
Nhà lợp bằng ngói, lớp mè thường dày, và người ta thường dùng dây kẽm để cột ngói vào mè, mặc dầu ngói đã có mấu để giữ nhau.
Cùng với việc đặt mái lợp nhà, là việc xây tường, dựng vách. Tường vách chỉ làm ba mặt còn mặt trước để trống vì khí hậu nóng nực Việt Nam.
Ở hai bên đầu hồi, cũng như ở những gian bên cạnh, tường, vách có thể có cửa sổ. Gian chính giữa không bao giờ có cửa sổ ở đằng sau, nơi đây là nơi kê bàn thờ tổ tiên.
Mặt trước tuy không có tường vách, nhưng để che nắng, đỡ mưa, có kê những tấm dại, bằng gỗ hoặc tre, tùy theo nhà ngói lợp gỗ hay nhà tre lợp rơm rạ.
Những nhà gỗ có xây tường gạch, chỗ kê những tấm dại này là những cửa lùa, cửa xếp, mỗi lần mở thì treo mành mành. Có khi có cửa liếp, ban ngày chống cao lên, tối hạ xuống. Hoặc nếu có che bằng dại, tấm dại này ban ngày cũng đẩy sang bên, tối mới đóng vào.
Gian giữa nhà là nơi tiếp khách, có kê một bộ trường kỷ ngay trước bàn thờ, có khi giữa bộ trường kỷ và bàn thờ có thêm chiếc sập.
Nhà ít nhất có ba gian, số gian nhà bao giờ cũng là số lẻ, tục ta tin nếu gian nhà số chẵn sẽ có một gian ở không tốt. Nhà ba gian thường có thêm hai chái.
Ở hai bên bàn thờ tổ tiên, có khi có kê những bàn thờ khác: bàn thờ Thổ Công, Thánh Sư, Bà Cô, Ông Mãnh v.v… Trước những bàn thờ này thường có những bộ phản hoặc ghế ngựa, nơi ban ngày người nhà ngồi chơi, trò chuyện, ban đêm dùng làm chỗ ngủ cho đàn ông, và đấy cũng là nơi họ hàng ngồi ăn uống những khi giỗ chạp.
Ba gian nhà giữa, khi là nhà năm gian, thường có vách tường ngăn cách với hai gian đầu thường là buồng ngủ hoặc là nơi chứa đồ đạc thóc lúa.
Ở hai chái hai đầu, thường dùng đặt cối xay lúa, cối giã gạo hoặc là nơi để cất những nông cụ ban đêm.
Trước nhà có một mái hiên, có khi chạy suốt cả mấy gian, có khi chỉ che ba gian nhà chính. Nhiều nhà thay mái hiên bằng một giàn hoa, thường là hoa lý vừa thơm vừa mát, cũng có khi là giàn hoa ớt, màu đỏ vàng rực rỡ.
Những nhà gạch, hoặc những nhà tre khi xây hoặc đắp tường thường có đào móng để giữ cho vững. Tục ngữ có câu:
Nhà không móng như bóng không người
Nhà phải có móng thì tường mới chắc.
Cũng nên nói thêm, nhiều nhà thường có vườn hoa ở đằng trước, còn vườn đằng sau thường trồng cây ăn quả hoặc trồng rau:
Nhà anh có dãy vườn hoa,
Có thêm dãy nhãn với ba dãy dừa.
Sản phẩm mà Bông May cung cấp:
Chổi nhựa quét nhà
Chổi dừa Bến Tre
Cổng Ngõ khi làm nhà trong văn hóa Việt Nam
Nhà phải có cổng ngõ ra vào. Nhà không cổng thông thống trông vào.
Cổng có kiến trúc riêng và thay đổi tùy theo nhà ngói hay nhà tranh. Người xưa rất chú trọng tới việc xây cổng ngõ như mặt của ngôi nhà.
Lối làm nhà của ta chịu ảnh hưởng của người Trung Quốc, và khi ta làm nhà, ta thường theo phương pháp của vị tổ sư nghề thợ mộc xưa là Lỗ Ban. Phương pháp này có mấy điểm đặc biệt về cổng ngõ.
1. Ván cửa nhiều kẽ hoặc bị thủng bất lợi: tiền của trong nhà ra đi. Phải sửa chữa lại cho kín đáo để tránh sự bần hàn;
2. Vách thủng hư, ngói rơi rớt, trong nhà thường không vui;
3. Vách bên phải mỏng, vách bên trái dày, thay đổi vợ chồng, nhà gặp kiện tụng. Bên phải dày, bên trái mỏng, con cái sẽ mồ côi bần khổ. Hai bên vách cổng phải đều nhau;
4. Cửa ngõ cao hơn nhà chính, đời sau tuyệt tự; cửa cao hơn vách, người hay có việc buồn.
Qua mấy điểm đặc biệt về cổng ngõ của phương pháp Lỗ Ban, ta thấy vị tổ sư của nghề thợ mộc đã áp dụng thuyết tam vật đồng thể của phương Đông.
Cổng ngõ hư thủng do người bên trong không để tâm săn sóc gìn giữ, như vậy trộm cướp có thể dòm ngó. Người bên trong đây gồm cả cha mẹ lẫn con cái, đều chỉ lo ăn chơi, không nghĩ gì đến nhà cửa, như vậy của cải trong nhà chẳng ra đi sao được?
Vách cửa lệch lạc tức là tâm người không chỉnh, dễ có sự đổi thay, và dễ sinh tà ác để phải đi tới chốn tụng đình.
Cửa cao hơn nhà, con người có tâm kiêu ngạo, hay khoe khoang, coi thường bên trong. Ăn ở như vậy, ai có thể sống chung nổi, nạn tuyệt hậu do đó mà ra.
Cửa cao hơn vách là chuộng xa hoa, kiêu sa thường đưa tới hậu quả đau buồn.
Làm nhà, cẩn thận nơi nhà chính đã đành, nhưng cũng không nên cẩu thả trong việc xây cất cổng ngõ. Cổng phải xứng với nhà, cũng như bộ mặt xứng với con người.
Người xưa kiêng cổng đi thẳng vào trong nhà như trên đã nói, và trong khi kén đất chọn hướng trước khi xây cất nên ngôi nhà, người ta đã nghĩ đến việc đặt cổng ngõ. Trong những trường hợp vì địa thế miếng đất, không thể tránh cổng soi thẳng vào nhà, người ta thường xây tường hoa với bình phong để che cánh cổng với nhà, và để đường đi phải vòng theo tường hoa, không ăn thông thống hẳn vào nhà chính.
Nhân nói về cổng, ta nhận thấy cổng ngõ tại Việt nam có sự thay đổi từ miền Bắc, qua miền Trung vào miền Nam.
Ở miền Bắc, nhà nào cũng có cổng. Cổng có khi xây, có khi chỉ là một tấm liếp dựng lên ban ngày và đóng xuống ban đêm gọi là cổng tán. Có khi cổng là hai cánh cửa ăn vào tường để đóng mở cho dễ.
Bên trong cổng có mái lợp ngói. Có cổng có gác, và ban đêm có nhà có người ngủ trên gác cổng để canh phòng trộm cắp. Miền Trung từ Huế trở ra cũng có cổng. Tại Huế nhiều nhà xây cổng rất đẹp, tuân theo mấy nguyên tắc của Lỗ Ban nói trên. Đi dần từ Huế vào miền Nam, cổng nhà không còn nữa.
Ở miền Nam, nhất là ở đồng quê, nhiều nhà chỉ làm một cái chà gai vững chãi để đêm kéo ngang đủ ngăn ngõ ra vào!
Trong chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam làm nhà dọc theo các con đường lớn, dọc theo các dòng kênh, phần nhiều nhà không những không có cổng, mà cũng không có cả ngõ nữa. Cửa nhà ăn liền ra bờ đường hoặc bờ kênh.
Theo lối kiến trúc phương Tây, các nhà ở đô thị, ở những phố buôn bán cũng không có cổng, duy chỉ những nhà ở khu cư trú, xây theo lối biệt thự mới có cổng, và cổng thường bằng hai cánh sắt hoặc gỗ, gắn vào hai bên trụ tường. Người ta cũng làm cổng ở bên cạnh, không để cổng soi thẳng vào nhà. Những ngôi nhà chung cư có một cổng chung thường bằng hai cánh sắt, hoặc cũng có khi không có cổng mà chỉ có một lối đi chung cho tất cả mọi người cư trú trong chung cư.
Mé trước ngõ
Theo phương pháp tạo tác của ta xưa, làm nhà không những chỉ chú ý tới cổng ngõ, mà khi dựng cổng ngõ thường chú ý tới cả phía trước cổng ngõ. Những địa hình, địa vật ở trước cổng ngõ, theo như quan niệm của Lỗ Ban mà các cụ xưa vẫn áp dụng, đều có ảnh hưởng tốt xấu tới gia chủ.
– Trước cửa ngõ nếu có đá chồng chất lên nhau như lớp lâu đài, chủ nhân sẽ giàu sang và sự mong ước sẽ thỏa mãn.
– Trước cửa ngõ nếu có con đường nhỏ đi qua cong queo lại có lối rẽ ngang, và nếu có chen các khóm đá thì tốt lắm. Phong thủy gọi là trong xứ có ao hồ, và trường hợp này chủ nhân chẳng phát quan to thì cũng giàu có lấn át cả châu huyện.
– Nhà cất cao hơn những nhà chung quanh, đường lối ngõ như đè lên những nhà khác, trong nhà sẽ sinh quý tử, vào hạng phi thường xuất chúng. Nếu chung quanh nhà có núi non càng tốt, quý tử sẽ là quý nhân.
– Trước cửa ngõ nếu có khối đá tròn bằng phẳng như cái bàn, nhà có thanh danh. Nếu hai bên nhà có núi non xinh đẹp, nhà ít nhất cũng đủ ăn và thanh nhàn.
Sơ lược, đó là mấy điều có ảnh hưởng tốt tới gia chủ, nói về mé trước cổng ngõ. Bên những điều gây ảnh hưởng tốt, tất nhiên cũng có những điều gây ảnh hưởng xấu:
– Con đường đâm thẳng vào ngõ soi tới trong nhà sẽ gây cho gia chủ những điều lôi thôi rắc rối.
– Trước cửa ngõ có đền miếu án ngữ, người trong nhà hay ốm đau.
– Độc một ngôi nhà khác mé đằng trước đâm thẳng vào cổng ngõ, soi tới trong nhà, sẽ làm cho gia chủ khó tiến thân và gặp phiền lụy.
– Ngay trước cổng ngõ là một bãi tha ma, người trong nhà hay bệnh tật.
Mấy điều trên cũng chỉ là mấy điều tóm tắt sơ lược. Thực ra, khi người xưa nêu lên những điềm xấu tốt, đó chỉ là qua những kinh nghiệm của nhiều đời, nhưng ta có thể lấy lý mà suy xét sự linh nghiệm đó được.
Thí dụ, như khi làm nhà ở trước bãi tha ma, lẽ tất nhiên độc khí ở các ngôi mộ, dù có đào sâu chôn chặt, cũng có thể xông lên ít nhiều, gây bệnh tật cho những người ở chung quanh được.
Một thí dụ nữa, trước nhà có núi non, nhà đủ ăn và thanh nhàn. Cảnh tưởng phóng khoáng của núi non, mang lại cho con người một tâm hồn thư thái, khi tâm hồn thư thái, con người trở nên khoáng đạt và như vậy, dù ở hoàn cảnh nào mà chẳng tự thấy thanh nhàn và đủ ăn. Hơn nữa sự cao rộng của núi non cũng giúp con người thêm sáng suốt và do đó sự kiếm ăn với đầu óc sáng suốt sẽ dễ có kết quả hơn.
Ở đây chỉ nêu ra vài thí dụ, chính ra ở mỗi điểm, khi ta suy xét ta đều thấy cái lý của người xưa.
Những kiểu nhà trong văn hóa Việt Nam
Nếu căn cứ vào những nhà ngày nay ở tỉnh thành để nói đến những nhà ngày xưa, ta sẽ có rất nhiều sự sai lầm, vì hai lối kiến trúc khác hẳn nhau, vì hoàn cảnh địa thế cũng như vì nếp sống xã hội.
Cho tới trước đại chiến thứ hai, năm 1939, các kiểu nhà của ta ở vùng quê vẫn giữ nguyên nếp cũ của những thế kỷ trước. Và, cho tới ngày nay, ở những vùng không có ngọn lửa chiến tranh tàn phá, những ngôi nhà vẫn là những ngôi nhà kiểu xưa.
Kiểu nhà cổ nhất của Việt Nam có bốn mái: hai mái chính và hai mái đầu hồi, che hai chái.
Cũng vào loại kiểu cổ, là nhà xây dựng theo kiểu hai mái bịt đốc không chái.
Nhà bốn mái và hai mái đều là những kiểu nhà có từ lâu lắm, theo các nhà khảo cổ thì từ thế kỷ thứ ba, thứ tư ở miền Bắc, căn cứ theo những nhà nhỏ bằng đất nung đào được tại các ngôi mộ cổ Vĩnh Yên (làng Lạc Ý), ở Bắc Ninh (làng Nghi Vệ) và ở Thanh Hóa (Đông Sơn).
Kiểu nhà thay đổi tùy theo địa phương và cũng tùy địa vị xã hội của chủ nhân.
Tại miền Bắc nhà làm ba gian hoặc năm gian theo kiểu chữ Đinh. Ở miền Trung, nhà cũng theo kiểu chữ Đinh, lại còn có nhà Vuông, nhà Rương.
Nhà Vuông – tức là nhà có ba gian chính thông nhau, hai gian nhà chái cũng thông nhau bằng một ngăn rộng sau bàn thờ chính của những gian giữa.
Nhà Rương – tức là nhà ba gian hoặc năm gian không chái, trông tương tự như chiếc rương.
Tại miền Nam, nhà cũng làm ba gian, hoặc năm gian. Loại nhà đặc biệt nhất ở nơi này là loại nhà bánh ít, bốn mái đều nhau, nóc cao, mái dốc. Loại nhà bánh ít này, thỉnh thoảng ta còn thấy tồn tại ở một vài nơi.
Nhà các quan cất theo kiểu chữ Công hoặc chữ Môn và có gác. Dân giã thời xưa không được làm hai kiểu nhà này, cũng không được làm quá to lớn, dựng trên một bệ đôi, phải làm sát mặt đất hoặc nền chỉ được tôn cao thành một lớp. Cũng không được lợp mái đôi và làm gác.
Thời thế đổi thay, nếp sống con người cũng khác theo luật lệ, ngày nay nhà cửa, ai muốn làm sao cũng được miễn là đừng phạm tới tự do của người khác và cũng đừng phạm tới chỉ giới công cộng.
Nhà Cửa Ngày Nay
Nhà cửa ngày nay làm cao rộng, có gác, có cầu thang, muốn làm chữ Công, chữ Môn hay chữ Đinh tùy ý. Thường nhà ngày nay làm theo lối chữ Nhị thành hai lớp, hoặc làm một lớp theo kiểu chữ Nhất. Mấy năm gần đây, tại Sài Gòn cũng như các đô thị lớn nhiều nhà kiểu chung cư được xây nên và các biệt thự khang trang mọc lên ở khắp nơi.
Ai có tiền muốn xây cất nhà cửa ra sao thì xây, không có sự cấm đoán hay bắt buộc gì. Dân chủ và tự do bắt đầu ngay từ nơi ăn chốn ở.
Lễ cất nóc
Các kiểu nhà xưa của ta đều có nóc, và nóc nhà tượng trưng cho tất cả ngôi nhà, bởi vậy, trong việc xây cất nhà của ta có lễ cất nóc, chữ gọi là lễ thượng lương.
Lễ cất nóc đối với phương Đông, cũng như lễ đặt viên đá hoặc viên gạch đầu tiên của phương Tây. Ngày nay trong việc xây cất nhà cửa hoặc các trường sở công cộng, ta cũng bắt chước theo lối Âu Mỹ làm lễ đặt viên gạch hoặc viên đá đầu tiên thay cho lễ cất nóc, và thường những người có chức vụ danh vọng được vinh dự mời đặt viên đá hoặc viên gạch này. Đá hoặc gạch xây xuống dưới đất, trái hẳn lễ cất nóc của ta. Khi làm lễ cất nóc, chủ nhà nhờ người xem ngày, kén giờ,
và chọn được ngày giờ tốt lễ mới cử hành.
Trước lễ cất nóc, sườn nhà đã được dựng và có khi tường cũng đã được xây rồi.
Đúng ngày giờ kén chọn, người ta bắc đòn chính của nóc nhà lên đỉnh sườn nhà. Một miếng vải đỏ có đề ngày tháng cử lễ và mấy chữ Khương Thái Công tại thử, nghĩa là Ông Khương Thái Công ở đây, được treo vào chiếc đòn chính này. Cũng có nhà thay vì miếng vải đỏ này, người ta dán vào đòn chính một lá bùa bát quái hoặc treo vào đó một quyển lịch Trung Quốc, hoặc quyển lịch của triều đình càng tốt. Miếng vải, lá bùa hoặc quyển lịch đều cốt để trừ ma quỷ.
Lễ cất nóc có thầy pháp tới cúng. Chủ nhân cũng làm lễ cáo gia tiên. Lễ xong có đốt pháo. Tiếng pháo biểu lộ sự vui mừng và cũng đuổi được tà ma.
Lễ xong là bữa ăn uống, có mời bà con họ hàng.
Lễ cất nóc chỉ cử hành cho ngôi nhà chính, mà ít ai làm lễ này cho những ngôi nhà phụ.
Ngày nay, người ta vẫn làm lễ cất nóc, nhưng người ta cũng cử hành cả lễ đặt viên đá đầu tiên nữa. Phải chăng vì có nhiều nhà mái bằng không có nóc. Ở vùng quê lễ cất nóc vẫn được tôn trọng.
Cách xếp đặt trong nhà
Bàn thờ gia tiên kê ở giữa nhà. Hai bên, tại nhiều gia đình là bàn thờ Thổ Công, bàn thờ Thánh Sư, v.v…
Trước bàn thờ gia tiên là nơi gia trưởng tiếp khách, hoặc hàng ngày uống trà, ngâm thơ.
Ở nơi hai bên có kê các bộ ghế ngựa hoặc phản. Con cháu tiếp khách ở hai bên này.
Ở căn nhà chính này, trừ ngày giỗ tết, đàn bà con gái không được bén mảng tới. Đàn bà tiếp khách ở nhà ngang hoặc ở buồng riêng.
Ngày nay ở chốn quê, việc gìn giữ vẫn được bảo tồn, và các bà thường tránh tiếp khách ở trước giường thờ. Tục này do ở việc phụ nữ không được phép có mặt ở nơi tế tự, từ xưa. Nam nữ, dù ở trong nhà cũng có sự cách biệt, bởi vậy, buồng trai gái ở riêng. Nhà chính thường hướng Nam, các buồng con trai ở phía Tây gọi là Tây phòng, các buồng con gái ở phía Đông gọi là Đông phòng. Nếu nhà không làm theo hướng Nam thì phòng các con trai ở bên tay phải bàn thờ gọi là Hữu phòng, phòng các con gái ở bên tay trái là Tả phòng. Nếu nhà đông người, con gái phải ở những căn nhà phụ, nhưng trai gái vẫn riêng phòng.
Việc phân biệt tả hữu phòng ngày nay không còn nữa, nhưng dù sao trai gái cũng tránh sự chung đụng. Nếu vì quá chật chội, không có phòng riêng cho các con, trường hợp ở đô thị ngày nay, ít ra trai gái cũng phải có giường riêng biệt. Ngoài ra, cũng cần nói thêm, bất cứ gia đình nào, không kể ngôi nhà trên cũng có các nhà phụ gồm nhà ngang, nhà bếp. Những gia đình giàu có còn có thêm vựa thóc, chuồng trâu, chuồng bò, chuồng gà, vịt … xây riêng biệt, cách xa nhà trên.
Lễ mừng tân gia của người Việt
Lễ này tức là lễ ăn mừng nhà mới.
Có nhà mới là điều đáng mừng. Dọn tới nhà mới, chủ nhân phải làm lễ khánh thành ngôi nhà.
Lễ khánh thành cũng được cử hành vào một ngày tốt, có cáo gia tiên và có làm cỗ mời bà con, bè bạn.
Lễ ăn mừng tân gia thường long trọng hơn lễ cất nóc, tuy về phương diện tín ngưỡng, ý nghĩa lễ cất nóc thiêng liêng hơn.
Trong dịp ăn mừng tân gia, chủ nhân được bạn bè mang lễ vật tới mừng. Có những bức thêu, có những bức đại tự, có những đôi câu đối, có chè cau hoặc tranh ảnh để trang hoàng nhà cửa.
Lúc làm lễ cáo gia tiên lại có đốt pháo để biểu hiện sự vui mừng.
Trang trí trong nhà
Dù sang hay hèn, đã có một ngôi nhà, ai cũng muốn trang trí để tăng vẻ đẹp ngôi nhà của mình. Một vài chậu cảnh, mấy cây hoa hồng trước cửa nhà, mấy bức tranh treo trên tường, những lọ hoa bày bàn, những rèm treo cửa sổ, một vài bức tường nhỏ đặt trên kệ ở góc nhà, đều có mục đích làm cho ngôi nhà thêm khang trang, thêm mỹ thuật.
Xưa và nay, sự trang trí nhà cửa không giống nhau.
Xưa có những luật lệ ràng buộc và ngăn cấm để phân biệt tôn ti trật tự xã hội, nay ai có tiền muốn trang trí nhà cửa ra sao tùy ý.
Luật lệ xưa ấn định việc trang trí nhà cửa tùy theo địa vị xã hội của chủ nhân, vua quan có cách thức riêng và dân giã có cách thức riêng, dân giã không dược trang hoàng một cách tiếm vị.
Việc trang trí bắt đầu ngay từ lúc làm nhà, nghĩa là ngay từ khi dựng cột, bắc kèo. Thợ mộc bắc chỉ, tô điểm thêm những đường cong, đường lượn khi làm cột, kèo, rui hoặc xà nhà, giống như những đường chỉ ở các nơi đình chùa.
Lúc xây tường, đối với ngôi nhà gạch, thợ nề cũng xây ngay những đường lượn, những bông hoa tại các cửa sổ, đầu hồi, và tô điểm bằng những nét vẽ mé tường trong nhà.
Mọi sự trang hoàng đều có sự quy định bởi luật lệ. Luật Gia Long, điều 156, có nói rằng tất cả nhà cửa, xe cộ, quần áo và tất cả mọi vật dụng của quan chức và thường dân phải phân biệt rõ rệt. Ai dùng trái phép thì bị tội. Nhà cửa thường dân không dựng trên một bệ đôi, lợp mái đôi và làm gác.
Trong nhà không được sơn phết trang hoàng. Mọi sự tô điểm đòn thượng lương, nóc nhà, sườn nhà và trong nhà đều có sắc lệnh quy định.
Các quan đại thần nhất, nhị phẩm trang hoàng đòn thượng lương, nóc nhà, sườn nhà bằng hoa lá hoặc đầu thú loại bốn chân như cọp, rùa, sư tử.
Từ tam phẩm đến ngũ phẩm chỉ được trang hoàng đề tài thú vật bốn chân. Từ lục phẩm trở xuống không được phép trang hoàng gì cả.
Dân gian, lẽ tất nhiên, không ai dám phạm vào những điều cấm, nhưng người ta vẫn trang hoàng được nhà cửa một cách rất có mỹ thuật mà không phạm luật Triều đình.
Người ta dùng chữ để trang hoàng: chữ Thọ, chữ Phúc, chữ Hỷ thường được dùng tới luôn. Ngoài ra lại có đề tài bát bửu, tượng trưng cho sự bất tử cũng được dùng nhiều: cái quạt, thanh gươm, giỏ hoa, bầu rượu, cái phách, cây và cành tre, cái sáo và hoa sen…
Từ vua đến dân, tùy theo địa vị, các đề tài trang hoàng xưa gồm:
Tứ linh: long, ly, quy, phượng.
Tứ hữu hoặc tứ thời: mai, lan, cúc, trúc hoặc tùng, cúc, trúc, mai.
Tam đa: Phúc, Lộc, Thọ được tượng trưng bằng con Dơi, con Hươu và cây Tùng.
Lại còn các đề tài khác: Cọp, Sư tử, Mây, Nước, Lửa.
Đề tài thảo mộc cũng được dùng tới với Hoa, Lá, Cây, Quả.
Mỗi loại cây có tính cách tượng trưng riêng:
– Cây trúc tượng trưng cho người quân tử, sự tiết độ khôn ngoan.
– Cây tùng tượng trưng cho sự trường thọ.
– Hoa cúc tượng trưng cho hạnh phúc.
– Hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết.
Để đem lại vẻ linh hoạt cho sự trang hoàng, những cây cảnh được bào chuốt sửa chữa, chạm trổ cho biến thành những giống vật:
Trúc thành Công, Mai thành Phượng,
Hoa Sen thành con Rùa,
Hoa Cúc thành con Kỳ Lân…
Cả đến những Phúc, Lộc, Thọ cũng được gọt giũa biến thành hình mặt rồng, đầu phượng. Tại các ngôi nhà thờ, còn có những bức hoành phi, câu đối. Những hàng chữ thờ này thường nói lên những đức tính tốt của tổ tiên, lòng sùng kính của con cái, sự nghiệp của ông cha và sự mong mỏi cầu muốn của chủ nhân để theo gương các người về trước.
Đằng trước nhà khách, nhiều nhà còn có hòn non bộ. Hòn non bộ đặt trong bể cạn với những cảnh giúp cho chủ nhân tìm thấy sự thư thái trong tâm hồn, vì ở đây là tất cả cái gì nhẹ nhàng, êm ái, thanh tao và dịu dàng…
Việc trang trí nhà cửa ngụ rất nhiều ý nghĩa vừa về tôn giáo, vừa về đạo đức. Thực ra đây cũng là một nghệ thuật, mà tất cả các nghệ thuật phương Đông bao giờ cũng có tính cách tượng trưng.
Ba chữ đại tự trên một bức hoành phi nói lên cả quá khứ của một chi họ, đọc một đôi câu đối ta có thể thấy cả công trạng của một người đã khuất trong gia đình với các đức tính cao quý:
Tiên tổ phương danh lưu quốc sử, Tử tôn tích học kế gia phong.
Lược dịch:
Tiên tổ danh thơm ghi sử nước, Cháu con tích học nối cơ nhà.
Một cảnh chùa trên hòn non bộ, không phải đây chỉ là một ngôi chùa không vô tri vô giác. Nhưng ngôi chùa này đã gợi cho ta nghĩ tới sự thư thái trong tâm hồn của những người sống nơi am thanh cảnh vắng, cho ta phải tưởng tượng ra tiếng chuông chùa văng vẳng, ra cảnh chiều hôm bảng lảng, cho ta phải nhớ lại tiếng tụng kinh gõ mõ đều đều của các vị hòa thượng ở một ngôi chùa nơi thâm sơn cùng cốc… một ngư ông ngồi câu cá bên bờ suối cũng không phải chỉ là một sinh hoạt tầm thường khi thấy cảnh đó ta phải nghĩ tới sự tiêu khiển của một kẻ đợi thời, ta phải nhớ lại sự tích của Khương Tử Nha ngồi câu trên bờ sông Vị ở Tây Kỳ, rồi sau này đã điều khiển tám trăm trấn chư hầu lật đổ vua Trụ của nhà Thương…
Sự trang trí nhà cửa lối xưa nay vẫn còn tồn tại ở phần lớn các gia đình Việt Nam, nhưng cũng có nhiều người bắt chước phương Tây để trang hoàng nhà cửa của mình.