Chuyện thi cử của học trò Việt Nam xưa

chuyen-thi-cu-viet-nam-xua-1148x800

Có học thì phải có thi, và việc thi cử đánh dấu mức học sinh đã qua. Người ta thường chê tinh thần khoa cử cũng như sự quá lưu ý về văn bằng của nước ta, nhưng thật ra nếu không có thi cử thì lấy gì để kiểm soát sự học của các em học sinh, và nếu không có văn bằng thì lấy gì để chứng thực trình độ các em đã học qua, có điều là ta không nên lấy thi cử để cản bước tiến của các em học sinh và cũng không nên quá chú trọng đến văn bằng đến nỗi lấy văn bằng để phân giai cấp trong xã hội.

Tóm lại, xưa cũng như nay, đã có học thì phải có thi, dù thi tại các trường thi hay thi kiểm soát trong lớp học như ngày nay các người có trách nhiệm về giáo dục bắt các em thi để lấy điểm căn cứ vào đó cấp các chứng chỉ tương đương với các văn bằng.

Thi Cử Xưa

Ngày xưa có các khoa thi tại trường thi, và cũng có cả những kỳ thi kiểm soát như ngày nay, đó là các kỳ thi sát hạch, các kỳ thi khảo hạch.

Các kỳ thi bắt đầu được tổ chức tại Việt Nam từ năm Ất Mão 1075 với khoa thi Tam Trường đầu tiên dưới triều vua Lý Nhân Tôn. Thi bằng chữ Hán việc thi cử trải qua các triều đại có nhiều sự thay đổi. Hai khoa thi cuối cùng về Hán học tại Việt Nam là khoa thi năm Ất Mão 1915 tại trường Hà Nam, ở miền Bắc và khoa thi năm Mậu Ngọ tại các trường Bình Định và Nghệ An ở miền Trung.

Sau hai kỳ thi cuối cùng này, việc học bị chính phủ Pháp sửa đổi, do đó thể lệ về thi cử cũng chịu sự đổi thay và cho đến ngày nay, năm Mậu Thân, nền móng tổ chức học hành và thi cử của Pháp do Nghị định ngày 21 tháng 12 năm 1917 cũng vẫn còn lại nhiều cội rễ trong nền giáo dục Việt Nam. Về khoa thi, xưa ta có ba kỳ thi chính là thi Hương, thi Hội và thi Đình, những kỳ thi này ba năm mở một lần, trừ trường hợp có nhà vua mới lên ngôi mở các ân khoa.

Muốn dự thi Đình, phải đậu thi Hội, mà muốn dự thi Hội thì phải đậu cử nhân tại kỳ thi Hương, hoặc ít ra cũng phải đậu tú tài, với chân tú tài nếu được nhà vua cho phép có thể được thi Hội.

Không phải ai cũng có thể là thí sinh kỳ thi Hương được. Muốn đi thi Hương phải qua các kỳ thi khảo hạch tại hàng tỉnh, tức là sơ khảo và phúc khảo.

Sơ khảo là khảo hạch ở phủ, ở huyện do các Huấn Đạo và Giáo Thụ phụ trách; Phúc khảo là khảo hạch ở tỉnh do các Đốc Học phụ trách.

Trúng tuyển kỳ thi sơ khảo, các thí sinh được cấp bằng Tuyển sinh, trúng tuyển kỳ thi phúc khảo, được cấp bằng Khóa sinh. Các khóa sinh được phép dự thi Hương, nhưng trước kỳ thi còn phải trải qua một kỳ sát hạch. Kỳ thi này được tổ chức tại mỗi tỉnh những năm trước năm có kỳ thi Hương để loại bớt một số thí sinh học lực còn kém. Chương trình kỳ sát hạch này giống như chương trình thi Hương rút ngắn. Người nào qua được kỳ sát hạch này được gọi là Thí sinh và người đỗ đầu gọi là Đầu xứ.

Kỳ hạch này rất quan trọng, và học quan hàng tỉnh, Đốc Học, Huấn Đạo, Giáo Thụ, phải chịu trách nhiệm trong việc tuyển thí sinh dự các kỳ thi Hương. Những khóa sinh vì một lý do gì vắng mặt trong kỳ thi sát hạch này, có thể được tham dự một kỳ sát hạch thứ hai dành riêng cho họ, tổ chức vài tháng trước khi thi Hương.

Thi Hương

Qua các kỳ hạch, các thí sinh còn lại được dự kỳ thi Hương đều là những thí sinh đã có căn bản. Nếu để lọt một thí sinh nào quá kém dự kỳ thi Hương, các học quan hàng tỉnh sẽ có lỗi. Thi Hương về đời Nguyễn mở ba năm một khoa vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu và các thí sinh phải qua bốn kỳ thi:

1. Kinh nghĩa;

2. Thơ, phú;

3. Văn sách;

4. Phúc hạch.

Các thí sinh dự thi ở các trường sau đây:

– Trường Hà Nam cho tất cả thí sinh Bắc Việt;

– Các trường Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên và Bình Định cho các thí sinh Trung Việt.

Từ năm 1884 về trước, nghĩa là trước Hiệp định Patenôtre, trường thi Gia Định cho các thí sinh Nam Việt.

Về các bài thi, ngoài bốn môn kể trên, mấy khoa thi sau cùng, các thí sinh có thể thi thêm bài tình nguyện chữ Pháp, dịch Pháp văn ra quốc ngữ. Điểm thừa ở bài chữ Pháp có thể dùng bù cho điểm thiếu ở các bài kia.

Các thí sinh khoa thi Hương, điểm cao thì đậu Cử nhân, còn điểm trung bình thì đậu Tú tài, kém nữa thì hỏng.

Thi Hội

Đậu Cử nhân tại kỳ thi Hương, các thí sinh được dự kỳ thi Hội mở tại kinh đô Huế.

Theo chỉ dụ năm Minh Mệnh thứ sáu, các khoa thi Hội được ấn định vào tháng 3 những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, tức là sau năm có kỳ thi Hương.

Cũng được dự khoa thi này, ngoài các chân Cử nhân, những Giám sinh, Giáo thụ và Huấn đạo. Các chân Tú tài và Ấm sinh cũng có thể được dự thi nếu được triều đình cho phép.

Khoa thi Hội gồm 4 kỳ:

Kỳ nhất: Kinh nghĩa, ít nhất 3 đề; Kỳ nhì: Chiếu, Biểu, Luận;

Kỳ ba: Thơ, Phú; Kỳ tư: Văn sách.

Điểm các kỳ thi này tính theo phân, bài nào không được một phân thì bị loại. Muốn trúng cách phải có tất cả 8 phân cho bốn kỳ.

Tìm hiểu về lịch sử Việt Nam:
Đời sống người dân Văn Lang
Lạc Long Quân và sự ra đời của nước Văn Lang

Thi đình

Đậu kỳ thi Hội, các thí sinh được vào thi Đình.

Trong kỳ thi Đình, các quyển đều do toàn thể Hội đồng Giám khảo chấm và đệ nhà Vua duyệt lại.

Thi Đình chỉ có một bài Đối sách rất dài, nghĩa là trả lời một câu hỏi về luân lý, chính trị, hành chính…

Đề thi Đình do nhà Vua tự chọn.

Những thí sinh có điểm cao đậu Tiến sĩ, còn điểm thấp đậu Phó bảng.

Dưới triều Nguyễn không có Trạng Nguyên, Thám Hoa, Bảng Nhỡn và Hoàng Giáp.

Xin nói thêm là về đời vua Quang Trung, thi Đình có dùng chữ Nôm, nhưng tiếc thay lệ này không được nhà Nguyễn giữ lại.

Việc Học Dưới Thời Pháp Thuộc

Việc thi cử với các văn bằng trên tồn tại cho đến năm Khải Định tam niên, 1918, và từ đó, nền học mới của người Pháp ấn định được đem thi hành.

Lúc đầu, chính quyền Pháp Việt chia việc học ra làm ba bậc: Ấu học, Tiểu học và Trung học.

– Ấu học: Thực hiện tại các làng xã với các trường do chính quyền lập nên. Các trường này vẫn dạy Hán tự, song có dạy kèm thêm quốc ngữ. Học hết bậc Ấu học, học sinh phải đi thi và bằng của bậc Ấu học vẫn gọi là bằng Tuyển sinh như cũ. Cần nói thêm là song song với các trường của chính quyền vẫn còn các ông đồ dạy Hán tự cho các trẻ em ở các làng xã. Tại các trường Phủ, Huyện dạy chương trình bậc Tiểu học.

Các học sinh có bằng Tuyển sinh được theo học các trường này. Chương trình vẫn dạy Hán tự kèm thêm quốc ngữ nhưng học rộng hơn. Ngoài Tứ thư, Ngũ kinh có dạy thêm Nam sử, và những giờ dạy chữ Pháp tình nguyện.

Học hết bậc tiểu học, học sinh được thi bằng Tiểu học vẫn gọi là bằng Khóa sinh.

Các khóa sinh theo học lên bậc Trung học tại các trường Tỉnh do các Đốc học điều khiển. Vẫn dạy chữ Hán và chữ quốc ngữ nhưng có Pháp văn bắt buộc. Học hết bậc này các khóa sinh thi kỳ thi Thí sinh.

Ngoài ba bậc học trên, người Pháp có mở thêm các trường khác sau đây:

– Trường Hậu bổ ở Huế và trường Sĩ hoạn ở Hà Nội để đào tạo các quan lại hành chính và học chính. Các Thí sinh được tuyển theo học các trường này.

– Trường Quốc học ở Huế và trường Bảo hộ ở Hà Nội để dạy chữ Pháp và để đào tạo các công chức cho các công sở Pháp. Lại phải kể thêm các trường Tiểu học Pháp Việt được mở tại các tỉnh song song với các trường dạy chữ Hán để học sinh học chữ Pháp và chữ Việt bắt buộc có dạy thêm chữ Hán. Học hết chương trình Tiểu học Pháp Việt, các học sinh qua kỳ thi bằng Cơ thủy, sau gọi là bằng Tiểu học Pháp Việt. Đậu bằng Cơ Thủy, học sinh được dự tuyển vào trường Quốc Học hoặc Bảo Hộ cùng các Thí sinh chương trình Hán học. Hán học và Pháp Việt đi đôi như vậy trong một thời gian, rồi vì sự ứng dụng với đời, nền Pháp Việt học tồn tại mà loại hẳn nền Hán học.

Lúc này người Pháp mới áp dụng chính thức nghị định tổ chức việc giáo dục của toàn quyền Đông Dương ký ngày 21 tháng 12 năm 1917.

Việc học được phân chia rõ rệt:

– Bậc Tiểu Học với ba cấp Sơ học, Tiểu học và Cao đẳng

Tiểu học.

– Bậc Trung học.

– Bậc Đại học.

– Công nghệ học.

Bắt đầu bậc tiểu học là cấp Sơ học, với văn bằng Sơ học yếu lược, rồi đến cấp Tiểu học với bằng Sơ học Pháp Việt hoặc Cơ Thủy. Cao nhất bậc Tiểu học là cấp Cao đẳng tiểu học với bằng Thành chung còn gọi là bằng Cao đẳng Tiểu học. Trên cấp Cao đẳng tiểu học là bậc Trung học, hạn học là ba năm, thi bằng Tú tài bản xứ (Brevet de capacité épuivalent au Baccalauéat métropolitain) để phân biệt với bằng Tú Tài

Pháp của chương trình học Pháp.

Bằng Tú Tài bản xứ có 2 phần, Tú Tài I và Tú Tài II, chương trình dạy bằng Pháp ngữ, có Việt ngữ kể là một ngoại ngữ.

Các học sinh đậu xong cả hai phần Tú Tài được vào Đại Học. Đại học mở tại Việt Nam từ năm 1919, lúc đầu chỉ là những trường Cao đẳng để đào tạo các nhân viên chuyên môn cho chính quyền thống trị. Về sau mới mở các trường Luật Khoa,

Y Khoa và Dược Khoa.

Mãi tới năm 1938 mới có mở thêm các trường Nông Lâm và Công Chính. Sau đó mới có trường Khoa Học.

Cùng với việc học chữ, người Pháp có mở các trường Công nghệ thực hành tại các thủ phủ, hoặc ở một vài tỉnh lớn gọi là trường Bách Nghệ nhằm đào tạo một số thợ thuyền chuyên môn.

Trong lúc nền học bản xứ được tổ chức như vậy, người Pháp vẫn có một nền học Pháp riêng cho trẻ Pháp học, nhưng một số các trẻ Việt cũng xin được vào học các trường này, có đủ các bậc từ Tiểu học đến hết bậc Trung học với bằng Tú Tài. Các trường Pháp này, mặc dầu người Pháp đã rút khỏi Việt Nam từ năm 1954, nhưng vẫn còn tồn tại hoàn toàn cho tới năm 1967, là năm bắt đầu các lớp tiểu học Pháp bị bãi bỏ đối với trẻ con Việt Nam, và dần dần từ năm 1968 các lớp trên sẽ được bãi dần bắt đầu từ năm đầu tiên của bậc Trung học tương đương với lớp Đệ thất của các trường Việt Nam.

Xưa cũng như nay, bậc làm cha mẹ, ai cũng muốn cho con hay và gây dựng cho con nên người, nhất là mong cho con trở thành những người có địa vị, có học thức, bởi vậy ai cũng phá ngang chỉ vì chúng quá dốt kém, hoặc vì hoàn cảnh gia đình bắt buộc, nhưng dù có phá ngang thì bố mẹ cũng cho đứa trẻ đi học nghề hoặc tập tành làm ăn buôn bán.

Gửi phản hồi