Tìm hiểu Tết Đoan Ngọ của người Việt (Tết mồng năm tháng Năm)

tết đoan ngọ

Ca dao ta có câu:

“Tháng Tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”

Chứng tỏ rằng Tết Đoan Ngọ là Tết cũng được sự chú ý của người Việt Nam ta xưa, tuy rằng tục ăn tết này đã chịu ảnh hưởng của Tàu, cũng như nhiều tiết lễ khác.

Vậy Tết Đoan Ngọ là tết gì? Và ta ăn Tết Đoan Ngọ vào ngày nào tháng Năm?

Tìm hiểu thêm: Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực

Đoan Ngọ là gì?

Theo sách Phong thổ ký thì Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương.

Đoan nghĩa là mở đầu. Ngọ là giữa trưa, Đoan Ngọ là bắt

đầu lúc giữa trưa; còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Tết Đoan Ngọ ăn vào ngày mồng năm tháng Năm âm lịch. Sở dĩ tết này được gọi là Tết Đoan Ngọ, chính vì tháng Năm là lúc bắt đầu trời nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa.

Theo quan niệm Đông phương thì phương Nam là chính Ngọ là ngôi dương, cho nên tết này gọi là Tết Đoan Dương. Và tháng Năm cũng là tháng Ngọ trong một năm.

Người Trung Hoa còn gọi Tết Đoan Ngọ là “Tết Trùng Ngũ” hay “Đoan Ngũ” nữa.

Theo sách Tuế Thời tạp ký thì Trùng Ngũ là hai số 5 gặp nhau, mồng năm tháng Năm. Ngoài ra xưa kia ở kinh kỳ, người ta gọi ngày mồng một tháng Năm là Đoan Nhất, ngày mồng hai là Đoan Nhị, ngày mồng ba là Đoan Tam, ngày mồng bốn là Đoan Tứ và ngày mồng năm là Đoan Ngũ.

Sự tích Tết Đoan Ngọ

Xưa kia, thực ra ban đầu, ngày Đoan Ngọ chỉ là ngày người dân cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng quang đãng. Hơn nữa giữa tiết hạ oi bức này bệnh tật thường hay có, nên người ta cúng vái để cầu được bình yên, tránh mọi bệnh thời khí.

Nhưng về sau để cho ngày này có một ý nghĩa, người ta liền lấy ngày đó làm ngày kỷ niệm Khuất Nguyên và các ông thầy thuốc cũng nhân ngày này kỷ niệm hai chàng Nguyễn Triệu và Lưu Thần vào núi Thiên Thai tìm thuốc.

Sự tích Khuất Nguyên

Khuất Nguyên, họ Tam Lư làm chức Tả Đồ nước Sở dưới triều vua Hoài Vương vào thời Thất Quốc bên Tàu, có tài lo liệu và liêm chính. Mỗi khi vào triều bàn bạc quốc sự, ông đều bị vua Hoài Vương bài bác vì những nịnh thần xúi giục.

Về sau ông bị nhà vua truất bỏ. Để tự tả nỗi oán than ông viết bài thơ Ly Tao.

Khi vua Sở Hoài Vương sang Tần, ông hết lời can ngăn nhưng Hoài Vương không nghe, rồi bị chết ở đất Tần. Vua Tương Vương kế nghiệp vua Hoài Vương không những không chịu nghe lời ông lại còn bắt ông đi đày.

Ông làm bài thơ Hoài Sa rồi buộc đá vào mình nhảy xuống sông Mịch La tự tận. Hôm đó là ngày mồng năm tháng Năm. Được tin đó, nhà vua rất hối hận và thương tiếc, sức dân làm cỗ đem ra tận bờ sông cúng ông và ném cỗ xuống sông cho ông hưởng, nhưng cỗ bị cá tôm ăn hết.

Ông báo mộng cho nhà vua hay, và xin với nhà vua nếu nghĩ tình thương ông thì khi ném cỗ xuống cho ông phải lấy lá bọc lại, buộc bằng chỉ ngũ sắc, cá tôm sẽ không ăn được.

Theo lời báo mộng của ông, vua ra lệnh cho nhân dân làm theo.

Từ đó vào ngày mồng năm tháng Năm bên Tàu, dân chúng làm cỗ cúng linh đình trên các bờ sông rồi lấy lá bọc lại, buộc chỉ ngũ sắc ném xuống dòng nước để kỷ niệm ông Khuất Nguyên.

Riêng tại sông Mịch La, người nước Sở mở hội rất vui, ngoài việc cúng lễ Khuất Nguyên còn tổ chức các cuộc đua thuyền, tượng trưng cho ý muốn vớt thây Khuất Nguyên.

Bài viết được cung cấp bởi cơ sở chổi và dụng cụ vệ sinh giá sỉ Bông May.

Sự tích Lưu Thần và Nguyễn Triệu

Lưu Thần và Nguyễn Triệu là hai người đời nhà Hán, nhân ngày Tết Đoan Dương cùng rủ nhau vào núi hái thuốc, gặp hai tiên nữ kết duyên. Sau thời gian nửa năm sống nơi tiên cảnh với vợ tiên, hai người nhớ nhà đòi về. Giữ lại không được, hai tiên nữ đưa tiễn chồng về. Trở về làng, Lưu, Nguyễn thấy phong cảnh đã khác xưa, nửa năm trên cõi tiên là mấy trăm năm dưới cõi trần. Hai chàng bèn đi tìm trở lại cõi tiên, nhưng không thấy nữa. Hai chàng rủ nhau vào trong rừng rồi không thấy trở về.

Các nhà thơ đã ngâm vịnh rất nhiều về sự tích đầy thi vị của hai chàng, và riêng thi sĩ Tản Đà đã có cả một tập chèo Thiên Thai là kiệt tác văn học.

Dưới đây là đoạn hai nàng tiên tiễn biệt Lưu, Nguyễn về trần:

“Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,

Ước cũ duyên thề có thế thôi!
Đá mòn rêu nhạt.
Nước chảy hoa trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động, 
Đầu non,
Đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi”

Bài viết được tổng hợp và giới thiệu bởi cơ sở chổi và dụng cụ Bông May. Chúng tôi là đơn vị sản xuất và bán chổi quét nhà giá sỉ rẻ nhất trên thị trường với chất lượng tốt nhất. Quý khách có nhu cầu có thể xem các sản phẩm chổi mà chúng tôi cung cấp để chọn mua.

Lễ bái trong ngày Đoan Ngọ

Có tiết lễ, phải có cúng bái. Cũng như các Tết khác, ta cũng ăn tết Đoan Ngọ bằng sự cúng lễ.

Xưa tại các làng xã có tế thần tại đình, đền; ở các thôn xóm có cúng tại miếu. Ở nhà, các tư nhân sửa lễ cúng tại miền Bắc về dịp này thế nào cũng có trái dưa hấu vì lúc này đang mùa. Cỗ cúng xong thì ta ăn, không ai mang đổ xuống sông như tục bên Tàu, và ta cũng không cúng Khuất Nguyên tuy là ngày kỷ niệm Khuất Nguyên.

Tục lệ trong ngày tết Đoan Ngọ

Ngoài việc cúng lễ trong ngày Tết Đoan Ngọ, xưa và cả nay ở một vài địa phương, người Việt ta có nhiều tục lệ được mọi người cùng theo. Những tục lệ có khi chịu ảnh hưởng theo người Trung Hoa, có khi chính là tục lệ riêng của nước ta, đến nay thì không còn, song tôi vẫn liệt kê để bạn đọc tham khảo:

Tục giết sâu bọ.

Tục nhuộm móng chân móng tay. Tục đeo bùa tui, bùa túi.

Tục tắm nước lá mùi. Tục khảo cây lấy quả.

Tục hái thuốc vào giờ Ngọ. Tục treo ngải cứu để trừ tà. Tục đi sêu…

Tục giết sâu bọ

Tết mồng năm tháng Năm, còn được ta gọi là “lễ Giết sâu bọ” vì trong ngày hôm ấy ta có tục giết sâu bọ. Theo quan niệm của ta xưa, trong người, nhất là bộ phận tiêu hóa, thường có sâu bọ. Sâu bọ này nếu không trừ đi sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tai hại cho người, nhưng giết sâu bọ không phải là một chuyện dễ dàng và không phải là bất cứ lúc nào giết chúng cũng được. Theo quan niệm cũ thì quanh năm chúng ăn sâu bên trong, duy chỉ có ngày mồng năm tháng Năm là chúng ngoi lên. Nhân dịp chúng ngoi lên, người ta cần giết chúng.

Giết sâu bọ bằng gì?

Chính bằng những thức ăn, nhất là bằng rượu nếp và hoa quả. Sáng sớm ngày mồng năm tháng Năm, ngay sau khi thức dậy, súc miệng xong là phải giết sâu bọ ngay. Ở miền Bắc, trong dịp này mỗi người đều ăn ít nhất một bát rượu nếp (cơm rượu) sau đó ăn một bát thạch, rồi đến ăn các trái cây như mận, muỗm, sấu, đào, roi v.v…

Đối với trẻ con, người ta bôi cho chúng một ít thần sa, chu sa vào hai bên thái dương và vào bụng. Có khi người ta hòa một chút với nước cho chúng uống.

Người xưa cắt nghĩa sự diệt sâu bọ như sau:

Sáng hôm mồng năm tháng Năm, bọn sâu bọ ở bụng dưới ngoi lên bụng trên. Ăn rượu nếp vào cho chúng say, sau đó những trái cây sẽ làm cho chúng chết. Mỗi trái cây đều là vị thuốc diệt sâu bọ. Trong đông y, thuốc Nam cũng như thuốc Bắc, các vị thuốc phần lớn đều lấy ở loài thảo mộc, các trái là kết tinh của loài thảo mộc cho nên có tính chất giết được sâu bọ.

Ngoài trái cây, người ta còn cho con trẻ bôi hoặc uống chút ít thần sa, chu sa, vì người ta cho rằng, lúc sâu bọ bị các trái cây giết có phản ứng gây sự bất an cho trẻ con nên dùng thần sa, chu sa để trấn an trước.

Đó là tục lệ và ý kiến người xưa!

Ngày nay, hàng năm khi mồng năm tháng Năm tới, ngoài việc cúng lễ, vẫn có người giết sâu bọ, vẫn ăn rượu nếp vào buổi sáng và vẫn dùng trái cây như xưa, nhất là ở ngoài Bắc.

Rượu nếp

Tiếng gọi là rượu, nhưng rượu nếp không phải hoàn toàn chất nước như các rượu khác mà có cả chất cái nữa.

Rượu nếp làm bằng xôi. Dùng gạo nếp thổi xôi rồi rắc men lên trên, ủ một thời gian từ ba tới năm ngày, xôi đã thành rượu nếp (cơm rượu).

Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu để hứng lấy nước. Nước này là chất rượu, còn cái là xôi ủ men nổi màu ngà. Khi ăn, ăn cả cái trộn lẫn với nước rượu đã hứng được lúc ủ men.

Rượu nếp ăn ngọt ngọt cay cay, đem cho người ta một cảm giác say say dễ chịu.

Mỗi lần Tết Đoan Ngọ các cô hàng rượu nếp xuất hiện len lỏi đi vào các xóm từ ngày mồng ba, mồng bốn để bán rượu. Khách mua rượu có thể để dành một vài bữa không sợ hư. Các cô treo vào gánh rượu nếp một chùm ớt cùng một ít lá cây có tính chất khử trùng để trừ sâu bọ không làm hư gánh rượu của các cô.

Các phụ nữ đồng quê ta xưa phần nhiều đều biết ngả rượu nếp.

Ngày nay có người không dùng rượu nếp để giết sâu bọ. Họ dùng rượu trắng tức là “ba xị đế” cho mạnh hơn, hoặc những người sang lại dùng rượu Tây như Martel, Cognac v.v…

Tục nhuộm móng chân móng tay

Mỗi khi muốn làm đẹp, các bà các cô ở tỉnh thường nhuộm móng chân, móng tay. Các bà các cô kén thuốc kén màu. Xưa ở nhà quê, mỗi khi ngày Tết Đoan Ngọ tới, người ta vẫn nhuộm móng chân, móng tay cho các trẻ em. Người ta không cần phải mua thuốc kén màu gì cả, chỉ cần hái một nắm lá gọi là lá nhuộm móng tay đem giã nhỏ rồi lấy lá võng bọc lên đầu ngón tay ngón chân cho các em từ tối hôm trước, sáng hôm sau lấy ra, các móng tay, móng chân đều được nhuộm đỏ.

Lá móng tay là một thứ lá nhỏ và hơi dài của một thứ cây mọc nhiều ở bờ, ở bụi.

Hàng năm, gần tới ngày tết mồng năm tháng Năm, có người đi hái rồi mang ra chợ bán. Nhuộm bằng lá này, móng chân móng tay có màu đỏ tươi như son, màu đỏ ăn loang ra cả đầu ngón tay.

Sở dĩ có tục nhuộm móng chân, móng tay cho các trẻ em là cốt để trừ tà ma, cũng như cho các em đeo bùa, cùng một tác dụng như khi các em đeo bùa tui bùa túi. Người xưa còn cho rằng tính chất của lá nhuộm móng tay, khi nhuộm vào, giúp các em không bị ảnh hưởng nếu sâu bọ quấy rầy.

Khi nhuộm móng chân, móng tay, ngón tay trỏ được chừa ra, ngón này là “thần chỉ” không đem nhuộm được.

Sản phẩm của Bông May:
Chổi chà giá rẻ
Chổi nhựa quét nhà giá sỉ

Tục “bùa tui bùa túi”

Đây là thứ “bùa ngũ sắc” đeo cho trẻ em trong ngày mồng năm tháng Năm để diệt trừ ma quỷ và rắn rết theo quan niệm cũ. Dùng vải và chỉ ngũ sắc để may bùa. “Bùa” khâu thành hình những trái cây rồi buộc túm với nhau bằng chỉ ngũ sắc cho các em đeo. Một túm “bùa” thường gồm:

– Một cục hồng hoàng có tính chất kỵ rắn rết;

– Một túi hạt mùi hình vuông, một góc buộc chỉ để đeo vào túm “bùa” còn ba góc kia có ba rua chỉ ngũ sắc và một hạt bóng màu. Hạt mùi rất thơm có tính chất kỵ gió;

– Một quả ớt màu xanh, đỏ, vàng…

– Một quả khế mỗi múi một màu;

– Một quả na;

– Một quả hồng v.v…

Có khi túm “bùa” được đeo vào một chiếc vòng cổ tết bằng chỉ ngũ sắc cùng với một chiếc khánh bằng giấy hoặc bằng chỉ ngũ sắc.

Theo sự tin tưởng cũ thì chỉ ngũ sắc kỵ được ma quỷ. “Bùa” được khâu thành hình trái cây, vì trái cây được dùng

để giết sâu bọ trong dịp tết Đoan Ngọ. Tục này bỏ đã lâu, nay nhắc lại để tìm hiểu thêm.

Tục tắm nước lá mùi

Cây mùi là loại cây nhỏ lá lăn tăn có hạt và lá có mùi thơm. Trong ngày tết Đoan Ngọ người ta lấy cây mùi đun nước tắm để trừ độc. Người ta cho rằng, tắm nước lá mùi trong ngày mồng năm tháng Năm sẽ tránh được gió máy, cảm mạo và sẽ được khỏe mạnh.

Sự thực tắm nước nóng giữa mùa nóng, mồ hôi toát ra, người được nhẹ nhàng thư thái, như khi bị cảm xông nước lá đun lên, lá mùi cũng lại là một vị thuốc nam dùng để trị cảm, nên tắm nước lá mùi thấy dễ chịu.

Tết mồng năm tháng Năm mỗi nhà đều nấu một nồi nước lá mùi. Ông già bà cả trong dịp này khi tắm xong đều tự lấy làm khoan khoái.

Ngày nay, tục tắm nước lá mùi ngày tết Đoan Ngọ không còn ở nơi thành thị, nhưng ở vùng quê một số nơi người ta vẫn chưa bỏ tục xưa.

Tục này xét ra có điều hay là các trẻ em ở nơi bùn lầy nước đọng thường bẩn thỉu, quanh năm tắm nước rạch nước ao thiếu vệ sinh, nhân dịp tết Đoan Ngọ tắm bằng nước đun lá mùi, người chúng trở nên sạch sẽ thơm tho, và cũng nhờ sự sạch sẽ này chúng đỡ đau yếu.

Tục khảo cây lấy quả

Có nhiều cây trồng được nhiều năm vẫn không có quả, tuy đúng ra những cây đó phải có quả từ một đôi năm rồi. Người xưa cho rằng đó là những “cây” phải “khảo” mới chịu có quả. “Khảo cây lấy quả” là một tục cử hành vào dịp tết Đoan

Ngọ: một người leo lên cây, một người đứng dưới gốc.

Người đứng dưới gốc “hỏi” cây tại sao không có quả và “dọa” nếu mùa tới không có quả sẽ chặt cây đi. Người trên cây van lạy xin đừng chặt và “hứa” đến mùa tới sẽ có quả!

Người đứng dưới gốc lại “hỏi” mùa tới sẽ cho bao nhiêu quả, người trên cây “trả lời” nói số quả là mấy thúng tùy theo sức vóc của cây. Sau đó người trên cây đi xuống.

Người ta bảo rằng sau kỳ “khảo” cây này, cây thường có quả! Không biết có phải cây sợ bị chặt đi mà có quả, hay tại năm đó cây mới đủ sức bói để ra quả! Điều này nay không còn, tuy nhiên ta cần biết thêm cách sống của người xưa.

Tục hái thuốc mồng năm

Theo Đông y mỗi cây đều là một vị thuốc, và trong các vị thuốc Nam người ta dùng lá rất nhiều.

Người Việt ta cũng như người Trung Hoa xưa tin rằng những củ, cành, lá hái và đào được trong ngày mồng năm tháng Năm đều là những vị thuốc tốt chữa được rất nhiều bệnh, nhưng phải hái vào khoảng giờ Ngọ nghĩa là vào khoảng giữa trưa. Y học Đông phương giải thích rằng vào một ngày nắng nhất của mùa hạ, vào một giờ nóng nhất, tức là giờ Ngọ, của ngày nóng nhất ấy, khí nóng đã cô đọng nhựa cây lên lá, khiến cho lá có một dược tính chữa được một số bệnh như nhức đầu, đau xương, xổ mũi, choáng váng, v.v…

Bí quyết của sự hái lá vào ngày Đoan Ngọ là theo người xưa. Những lá người ta thường hái là ngải cứu, đinh lăng, lá mùi, lá mua, v.v… Những lá này được đem phơi khô, rồi khi bị các chứng bệnh trên người ta đem sắc lên mà dùng.

Tục hái lá mồng năm là do sự tích Lưu Thần, Nguyễn Triệu truyền lại và được thi vị hóa cho rằng chư tiên đã “truyền phép” cho cây lá vào giờ Ngọ ngày Đoan Dương.

Có nhiều làng ở ven rừng núi, ngày Đoan Ngọ dân làng rủ nhau đi hái lá rất vui, vui như một ngày hội hàng năm vậy.

Tục treo ngải cứu trừ tà

Cây ngải cứu có dược tính khử phong giải độc, người bị nhức đầu lấy lá ngải cứu đắp lên hai bên thái dương có thể khỏi.

Ngày tết Đoan Ngọ, người ta lấy lá ngải cứu buộc treo ở trước cửa nhà để trừ tà, tránh sự đau ốm.

“Trừ tà” là một điều huyền bí, không chắc có hay không, nhưng lá ngải cứu treo ở trước cửa nhà chắc là có công dụng vì dược tính của lá này:

– Ngày đó mọi người giết sâu bọ, ăn nhiều trái cây có thể bị ấm ách khó chịu, mùi lá ngải cứu treo ở cửa nhà bốc xông vào có thể làm cho người ta dễ chịu như khi xông bằng lá này.

– Ngày mồng năm tháng Năm là một ngày nắng nhất, hơi nóng bốc gay gắt. Lá ngải cứu treo ở cửa nhà tỏa mùi thơm làm dịu bớt sức nóng của trời đất.

Treo lá ngải cứu ở trước cửa nhà không những chỉ tốt riêng cho ngày mồng năm tháng Năm mà còn có ích trong các ngày khác với công dụng trình bày trên. Chính vì vậy, tại nhiều nhà, bó ngải cứu được treo ở trước cửa cho đến khi khô héo sau ngày Đoan Ngọ.

Tục đi sêu

Xưa, những chàng trai đã dạm vợ hoặc hỏi vợ nhưng chưa cưới có bổn phận phải “sêu tết” trong những dịp lễ tết.

Ngoài Tết Nguyên Đán, một năm có hai lần Sêu vào dịp cơm mới tháng Năm và tháng Mười, nghĩa là vào dịp vụ gặt xong có lúa mới của hai vụ chiêm và mùa.

Về vụ chiêm, những chàng rể chưa cưới đi “sêu” bố mẹ vợ nhân dịp Tết Đoan Ngọ.

Lễ sêu trong dịp này bao giờ cũng gồm có đậu xanh mới hái vào tháng tư, gạo nếp của vụ chiêm. Ngoài ra tháng Năm cũng là mùa ngỗng và mùa chim ngói, cùng với gạo đậu bao giờ cũng có một đôi ngỗng và vài chục chim ngói. Kèm thêm vào có vài cân đường cát và mấy trái dưa hấu, nghĩa là toàn những sản phẩm trong mùa.

Chàng rể đi “sêu”, lẽ tất nhiên bố mẹ vợ nhận đồ lễ nhưng bao giờ cũng hoàn lại một phần, thường chỉ lấy một phần.

Lễ quý hồ thành, bất quý hồ đa, lễ trọng ở lòng thành chứ không trọng ở chỗ nhiều.

Bố mẹ vợ không nhận cả, phần vì sợ mang tiếng tham, phần theo tập quán ít ai nhận đồ biếu Tết mà không “lại quả” nghĩa là để lại cho người biếu một phần.

Có những trường hợp các chàng rể nài nỉ để bố mẹ vợ nhận hết, bố mẹ vợ sẽ nói:

– Thầy đẻ đã nhận cả, nhưng đây là thầy đẻ gửi biếu lại ông bà đằng nhà.

Thật là lịch sự vậy thay!

Chỉ có những chàng rể chưa cưới vợ mới phải đi “sêu”, còn những chàng rể cưới vợ rồi thì hết lệ “sêu”, nhưng trong các dịp lễ tết thường có lễ biếu ông nhạc bà nhạc. Dịp mồng năm tháng Năm cũng vậy, các chàng rể dù nghèo cũng cố kiếm chút lễ mọn để biếu cha mẹ vợ, lễ biếu này nhiều ít tùy tâm và không quan trọng bằng lễ “sêu”.

Tục tết thầy học

Các ông đồ xưa dạy học thường không lấy học phí. Hàng năm vào dịp mồng năm tháng Năm, mồng chín tháng Chín và dịp Tết, các học trò đều có đồ lễ tết thầy. Thúng gạo, đôi ngỗng, đường bánh hoặc hoa quả tùy sự giàu nghèo và tùy tâm bố mẹ học trò. Những gia đình khá giả thưởng phong bao kèm một số tiền.

Học trò cũ đã làm nên danh vọng cũng không quên thầy về dịp này.

Tục tết ông lang

Các con bệnh được ông lang chữa bệnh khỏi, mặc dầu đã trả tiền thuốc, nhưng cũng không quên ơn cứu bệnh cho mình, nên trong dịp Tết Đoan Ngọ, còn gọi là “tết hái thuốc” cũng mang tết ông lang. Đồ lễ cũng gồm đậu, gạo, ngỗng, chim v.v… như đồ lễ học trò tết thầy.

Tục tết lẫn nhau

Những người chịu ơn người khác, những kẻ dưới trong làng, để tỏ lòng biết ơn và kính trọng, trong dịp này cũng có quà biếu người trên và những người đã giúp mình.

Qua những điều biết về các cổ tục lễ Tết trên, ta thấy rằng dân tộc Việt Nam ta rất biết ơn biết nghĩa cho nên sự giao thiệp giữa mọi người bao giờ cũng tốt đẹp.

Một vài câu chuyện về tết Mồng Năm

Đã viết về Tết mồng năm tưởng không nên bỏ qua một vài câu chuyện thường được kể truyền khẩu trong dân chúng về Tết này để thấy phần nào quan niệm của cha ông xưa.

“Len lét như rắn mồng năm”

Ta hằng để ý, ngày mồng năm tháng Năm không ai gặp rắn, và trong ngày hôm đó loài rắn như sợ sệt len lét chỉ tìm cách đi trốn. Bởi vậy ta có câu “len lét như rắn mồng năm”. Theo quan niệm cũ, ngày mồng năm loài rắn sợ hãi, vì ngày hôm đó các em đều đeo “bùa tui bùa túi”, và những túm “bùa” này đều có viên hồng hoàng. Chất hồng hoàng thường rắn kỵ, nên rắn tìm đường ẩn trốn.

Rắn ẩn trốn không phải riêng gì ngày mồng năm tháng Năm mà từ trước bữa đó và cả sau bữa đó mấy ngày nữa, suốt trong thời gian trẻ em còn đeo “bùa hồng hoàng”. Rắn chỉ xuất hiện khi không ngửi thấy mùi vị hồng hoàng.

Sự tích con thằn lằn

Thằn lằn cũng là một loại bò sát, thường bò ở các bờ dậu, bờ tường. Thằn lằn hiền lành, thấy người thường sợ. Thằn lằn cũng sợ hồng hoàng như các loại rắn khác, ngày mồng năm tháng Năm cũng đi ẩn trốn.

Sự tích con thằn lằn như sau:

Xưa có một người con nhà giàu, tính tình hào phóng. Khi cha mẹ mất, sẵn tiền để lại, anh ta ăn tiêu thái quá đến nỗi khánh kiệt cả gia sản, phải vay mượn nhiều người nên mang công mắc nợ rất nhiều, không lấy tiền đâu trả cho được.

Các chủ nợ đòi, anh ta cứ hẹn lần khất lượt. Không có tiền trả, anh đành phải đi trốn. Anh ta rúc vào một bụi cây để ẩn, nhưng các chủ nợ vẫn nháo nhác đi tìm. Sợ hãi quá, anh ta không dám thò mặt ra, rồi chết luôn trong bụi cây, hóa thành con thằn lằn.

Con thằn lằn xuất hiện quanh năm, nhưng đến ngày mồng năm tháng Năm, chợt nhớ tới các chủ nợ, lại vội vàng lẩn trốn nên không ai bắt gặp con vật này trong ngày hôm đó.

Thực ra con thằn lằn trốn vì sợ hồng hoàng. Tục ngữ ta cũng có câu: “Trốn như thằn lằn mồng năm”.

Một câu chuyện Khuất Nguyên

Người ta lấy ngày Tết Đoan Ngọ làm ngày kỷ niệm Khuất Nguyên để ghi nhớ sự trung thành của một vị đại thần chỉ nghĩ đến việc nước.

Nhắc lại Tết Đoan Ngọ tưởng không nên bỏ qua một câu chuyện lý thú về Khuất Nguyên.

Truyện này theo các cụ Trần Lê Nhân và Nguyễn Văn Ngọc trong Cổ học tinh hoa thì do chính Khuất Nguyên viết ra để mượn lời một ông lão đánh cá tỏ bày tâm sự của mình:

Truyện như sau:

Sau khi Khuất Nguyên vì lời sàm báng của kẻ nịnh thần bị phóng khí, nghĩa là bị đuổi đi không dùng nữa, ngày ngày đi lang thang trên bờ đầm, mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo, vừa đi vừa hát.

Có ông lão đánh cá trông thấy hỏi rằng:

– Ông có phải là Tam Lư đại phu đó không? Sao lại nỗi khốn khổ như vậy?

Tam Lư chính là họ của Khuất Nguyên. Nghe ông lão hỏi, Khuất Nguyên nói:

– Cả đời đục, một mình ta trong; mọi người say cả, một mình ta tỉnh, bởi vậy cho nên ta phải phóng khí.

Ông lão đánh cá nói:

– Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tùy thời. Có phải cả đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể; mọi người say cả, sao ông không ăn cả nem, húp cả bã cho say một thể? Việc gì mà phải lo xa nghĩ sâu để đến nỗi phải phóng khí?

Khuất Nguyên nói:

– Tôi nghe: mới gội đầu tất phải chải mũ, mới tắm ra tất

phải thay áo; có đâu lại đem cái thân trong sạch cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Chẳng thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào trong bụng cá, chớ sao trắng lôm lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ.

Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay bơi chèo đi rồi hát rằng:

“Sông Tương nước chảy trong veo Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta.
Sông Tương nước đục phù sa, Thì ta lội xuống để mà rửa chân”.

Hát xong đi thẳng không nói gì nữa.

Bàn về truyện trên, hai cụ Trần Lê Nhân và Nguyễn Văn Ngọc đã viết:

“Mấy câu hát của lão đánh cá thì có ý khuyên Khuất Nguyên hòa quang đồng trần với đời, mấy câu Khuất Nguyên nói thì lại phản đối lại; chết thời thôi chứ không chịu theo thời, không chịu dày dạn, sống đục không bằng thác trong! Ôi! Không nỡ bỏ nước nhà mà lẩn lút bỏ đi ở nơi khác, lại cũng không chịu cùng tiểu nhân mà cẩu thả sống cho qua đời, sau quả nhiên vùi xác vào bụng cá trong sông Mịch La, lấy nước sông Mịch La tẩy uế sự nhơ bẩn, thật là nghìn thu trung nghĩa, dòng nước sông xanh, khiến cho ai xem truyện Khuất Nguyên cũng ngậm ngùi nhớ và sinh lòng phấn khởi”.

Nhân dịp Tết mồng năm tháng Năm trở lại, nhắc lại truyện xưa, thử hỏi ai là người không đồng ý xót thương cho một bậc trung nghĩa cam chịu thác để cảnh tỉnh nhà vua.

Sự hòa nhập của tết Đoan Ngọ với văn hóa Việt

Cũng như phần nhiều các lễ tiết, Tết mồng năm tháng Năm cũng từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam, nhưng sang đến nước ta, tết này cũng chịu sự biến đổi ý nghĩa và hình thức như các lễ tiết khác.

Dân tộc Việt Nam ta ăn Tết Đoan Ngọ để không quên lòng trung nghĩa của Khuất Nguyên và cả sự tích nên thơ của Lưu Thần, Nguyễn Triệu, nhưng cũng lại để mừng mùa lúa chiêm mới, ăn mừng cái công lao kết quả của vụ này, công Lưu Thần, Nguyễn Triệu, nhưng cũng lại để mừng mùa lúa mùa đông giá lạnh, cho đến khi gặt lúa giữa mùa nắng oi bức, nóng trên nóng dưới.

Ta có nhiều tục lệ cổ truyền về Tết, những tục lệ này đã bảo tồn được tính chất đặc biệt Việt Nam của nền văn hóa ta xây dựng trên căn bản nhân nghĩa và đạo đức truyền thống. Những tục lệ tết thầy đồ, tết thầy thuốc, biếu tặng những người đã thi ân cho mình chứng tỏ rằng lễ giáo của ta rất được tôn trọng, và những ân sâu nghĩa trọng ở Việt Nam không bao giờ chúng ta quên.

Đến như tục lệ đi Sêu lại nêu ra tinh thần biết ơn nhạc phụ nhạc mẫu đã sinh ra vị hôn thê của mình và cũng là một dịp để chàng trai tỏ lòng thương mến với cô gái qua lễ nghi phong tục.

Tết Đoan Ngọ ngày nay, qua mọi biến đổi của thời cuộc vẫn tồn tại trong dân chúng với ý nghĩa thiết thực thiêng liêng của nó.

Ngay ở trong Nam, ngoài Bắc hàng năm, tết Đoan Dương tới, người ta vẫn đón tết với những sự cúng bái, tuy có những tục khác không còn, nhưng có lẽ ở nhiều địa phương vẫn chưa mất hết những cổ tục còn ý nghĩa văn hóa và nhân bản. Ăn Tết Đoan Ngọ, chúng ta cần tìm hiểu giá trị và tinh thần.

Toan Ánh – trong Phong Tục Việt Nam

Gửi phản hồi