Truyền thống đặt tên và dạy con của người Việt

truyen-thong-day-con-cua-nguoi-viet

Bắt đầu từ lúc đặt tên, đứa trẻ thường được coi như đã qua thời kỳ trứng nước, và từ đó đã có một chính danh, thay cho cái tên nôm na thằng Tý, cái Tẹo thủa nhỏ, vì như trên đã nói, việc đặt tên chỉ thực hiện khi đứa trẻ đã lớn, và có khi đã bắt đầu đi học.

Lá Số Tử Vi

Ngày xưa việc lập hộ tịch không trở thành điều bắt buộc và mỗi đứa trẻ ra đời không phải làm giấy khai sinh.

Không có khai sinh, nhưng phần nhiều bố mẹ đều lấy cho con một lá số tử vi, trong đó ngày sinh, giờ đẻ ghi rất rõ ràng cẩn thận, và có thể nói rằng có phần đúng hơn tờ giấy khai sinh chính thức ngày nay.

Khai sinh, vì lý do này, lý do khác, người ta còn tìm cách khai man, trái lại trong lá số tử vi của đứa trẻ, không ai làm man, và người ta còn e không thật đúng với giờ sinh.

Theo tín ngưỡng, là số tử vi tóm tắt cả số phận của một người, lúc hay lúc dở, lúc vinh quang, lúc khốn đốn, năm tháng nào vận hạn, năm tháng nào suôn sẻ. Mọi việc hay dở, người ta đều chiếu theo ngày giờ năm tháng sinh đẻ mà tính, và qua lá số có thể đoán trước vận mệnh và niên hạn của mỗi người.

Lá số tử vi cần phải thật đúng. Ngày nay có khai sinh nhưng nếu so sánh ngày sinh tháng đẻ của nhiều người trong khai sinh với lá số tử vi sẽ có sự khác biệt.

Những nhà khá giả, mỗi khi sinh con, nhất là con trai, đều lấy một lá số tử vi để tiện theo dõi và săn sóc con cái, đoán trước để tránh mọi vận hạn, hoặc tìm cách cầu cúng giải hạn để vận hạn nhẹ bớt đi.

Đối với những nhà nghèo không có tiền để lấy cho con lá số vì lấy lá số phải trả tiền thầy số, bố mẹ cũng cố nhớ lấy ngày sinh tháng đẻ của con để trong những trường hợp con cái ốm đau, và trong những dịp con cái thi cử, người ta có thể cúng vái cầu xin thần thánh phù hộ.

Vào Họ

Đứa trẻ đã được đặt tên xong, bố mẹ làm lễ cáo với gia tiên để ghi tên con vào gia phả.

Kế đó, bố mẹ đứa trẻ mang đồ lễ tới nhà trưởng tộc để ghi tên con vào tộc bạ, tức là sổ họ, trong ghi rõ con cái từng ngành. Có nhiều họ, chỉ ghi tên con trai, con gái bị coi như là nữ nhân ngoại tộc, sau này nó sẽ theo họ nhà chồng.

Việc ghi tên con vào tộc bạ, người ta cũng thường kén ngày tốt. Người trưởng tộc đặt đồ lễ của bố mẹ đứa trẻ lên bàn thờ họ, làm lễ khấn tổ họ, rồi ghi tên đứa trẻ vào trong sổ họ.

Dù giàu nghèo, khi đặt tên con rồi, bố mẹ cũng làm lễ cáo gia tiên và xin vào họ cho con.

Từ ngày đứa trẻ vào họ nó phải chịu sự đóng góp vào những ngày giỗ, hoặc vào những công việc có ích chung và liên quan tới cả họ. Lẽ tất nhiên những sự đóng góp đó, do bố mẹ gánh vác. Những suất đóng góp cho đứa trẻ cho đến năm 18 tuổi, là những suất trẻ con, tức là chỉ phải đóng một nửa hoặc một phần suất người lớn.

Nhiều họ, con gái không phải đóng góp gì, nhưng với nhiều họ khác, gái cũng như trai, việc đóng góp là việc chung đều phải tham dự.

Ngày nay, trải qua nhiều sự biến đổi, con cái sinh ra trong hạn tám ngày phải khai sinh tại ủy ban phường, xã. Đã khai sinh là phải đặt tên con để ghi vào sổ nhưng dù đặt tên con để ghi vào sổ rồi, nhiều gia đình, nhất là những gia đình hiếm hoi, về nhà vẫn gọi con theo một tên xấu xí, cái Hĩm, thằng Cò, để dễ nuôi, và cái tên chính của đứa bé chỉ được dùng tới khi bắt đầu đi học. Tuy vậy, sau khi khai sinh cho đứa bé, nhiều gia đình vẫn giữ tục lệ làm lễ cáo gia tiên để ghi tên con vào gia phả, và mang đồ lễ tới nhà trưởng tộc để xin cho con vào họ.

Đối với những người tha hương, họ hàng không có ở nơi làm ăn, người ta thường nhờ người khác vào họ giúp tại quê nhà.

Vào Hàng Ngõ, Hàng Xóm, Hàng Giáp

Một làng xưa chia làm nhiều Giáp, có khi theo họ như ở làng Phù Đổng, nhưng phần nhiều theo địa lý, mỗi khu thành một Giáp.

Một Giáp lại có nhiều thôn hoặc xóm, và mỗi xóm có khi có nhiều ngõ. Những người cùng ngõ cùng xóm thường tương trợ lẫn nhau và cùng nhau chia vui cũng như sẻ buồn.

Ở một ngõ hoặc một xóm nào, người ta vào hàng ngõ, hàng xóm tại đó.

Một đứa trẻ sinh ra, nhưng chỉ riêng con trai, sau khi vào họ cho nó rồi, bố mẹ nó có cơi trầu tới ông trưởng ngõ hoặc trưởng xóm để xin cho con vào hàng ngõ hoặc hàng xóm. Ông trưởng ngõ hoặc trưởng xóm ghi tên đứa trẻ vào sổ hàng ngõ hay hàng xóm. Kể từ ngày đó, đứa bé phải chịu phần đóng góp vào hàng ngõ hay hàng xóm cũng như được hưởng những quyền lợi của một người trong ngõ hoặc trong xóm.

Có nhiều trường hợp, đã vào hàng ngõ ở ngõ mình cho con rồi, bố mẹ đứa trẻ lại vào cả hàng xóm cho nó nữa. Đây là những xóm lớn có nhiều ngõ.

Vào hàng ngõ, hàng xóm xong, bố mẹ lại phải vào cả hàng Giáp cho con. Bố mẹ phải sửa lễ tới ông Thủ chỉ Giáp nhờ ông làm lễ tại miếu Giáp. Sau đó, ông Thủ chỉ Giáp ghi tên đứa bé vào sổ hàng Giáp.

Cũng như ở hàng ngõ và hàng xóm, khi đã vào hàng Giáp đứa bé được hưởng quyền lợi của một người trong Giáp và phải chịu những sự đóng góp vào hàng Giáp.

Vào Làng

Sống ở làng, sang ở nước, đã sinh ra ở làng phải vào làng. Có nhiều người cư trú tại một nơi nào, có thể vào hàng ngõ, hàng xóm và cả hàng Giáp ở nơi đó được, nhưng không được nơi đây nhận vào làng, nếu không đủ một vài điều kiện, nhất là về điều kiện niên gian cư trú và tài sản.

Có làng, như làng Thị Cầu, Bắc Ninh, dân biệt xã cư trú tại làng, muốn nhập tịch dân làng, phải ít nhất có tổ tiên ba đời đẻ tại làng này và đã chịu đóng góp theo những điều lệ phu phen tạp dịch trong làng; Lại có làng như làng Hướng Dương Hà Đông muốn nhập tịch dân làng, không cần phải có tổ tiên cư ngụ tới ba đời, mà chỉ cần có tài sản ở trong làng, tài sản đây là ruộng đất.

Vào làng là một điều quan trọng trong cuộc sống nơi đồng quê.

Bởi vậy, mỗi đứa trẻ con trai sinh ra, sau khi đã vào họ, vào hàng ngõ, hàng xóm và hàng Giáp, bố mẹ phải xin cho con vào làng. Con gái không cần vào làng, nhưng có nhiều cha mẹ, khi sinh con dù trai hay gái đều có làm lễ cáo đức Thành Hoàng tại đình làng.

Muốn vào làng, bố mẹ đứa trẻ phải có trầu cau sửa lễ tại đình làng, rồi lại có trà lá riêng cho ông Tiên chỉ hoặc lý trưởng để ghi vào sổ làng.

Việc vào làng chỉ cốt ghi tên trong sổ làng để được hưởng quyền lợi của dân làng và cũng để chịu gánh vác những phận sự trong làng.

Tại nhiều nơi, trong những kỳ tế lễ, tất cả mọi dân làng đều được dự chia phần, và lẽ tất nhiên là phải chịu phần đóng góp. Nhiều làng, con trẻ tuy đã ghi trong sổ làng, nhưng đúng 18 tuổi mới thực sự hưởng quyền lợi và chịu phận sự của một trai làng.

Giáo Nhi

Sách Tam Tự Kinh có câu: Dưỡng bất giáo, phụ chi quá, nghĩa là nuôi con mà chẳng dạy là lỗi tại người cha. Việc dạy con cũng quan trọng như việc nuôi con, và dạy con phải bắt đầu ngay bằng sự thai giáo, nghĩa là dạy trẻ ngay từ lúc còn ở trong bụng mẹ.

Đứa trẻ, kể từ khi có thể hiểu biết, là cha mẹ đã săn sóc tới để nó tập giữ tính thành. Dạy con từ thuở còn thơ, con còn bé, đầu óc con trong trắng, cần phải cho con tập những điều hay, làm những điều tốt. Nhân chi sơ, tính bản thiện, người mới sinh ra tính vốn tốt, bố mẹ phải răn dạy con để giữ lấy tính tốt đó. Tục ngữ có câu Bé không vin, cả: gẫy ngành, có ý ví đứa bé như một cành non, phải uốn nắn từ lúc nhỏ, kẻo khi lớn lên, như một cành cây già, uốn nắn sẽ gẫy.

Trong vấn đề giáo nhi, người mẹ giữ một địa vị rất cần thiết. Người cha vì nghiêm khắc, thiếu sự mềm dẻo của người mẹ có thể làm cho đứa trẻ sợ hãi, cho nên sự dạy dỗ của người mẹ trong lúc đứa trẻ còn non dại, rất hợp với tinh thần ngây thơ của trẻ. Trách nhiệm của người mẹ trong việc này rất nặng nề. Nếu con hư là tại mẹ, cho nên người mẹ phải để mắt tới con từng ly từng tý. Dạy ăn, dạy nói, dạy gói, dạy mở.

Người mẹ bao giờ cũng thương con, nhiều khi hóa nhu nhược đối với con. Bởi vậy, người cha đối với con thường nghiêm khắc để ngăn cản con trong những khi người mẹ nhu nhược để cho con quá hư hỏng. Ta gọi người cha là nghiêm phụ hoặc nghiêm đường, là vì vậy.

Trong lúc dạy dỗ săn sóc con, người mẹ thường hay cho con đi theo mình trong những khi đi lễ bái đình chùa, đi hội đi hè, cũng như khi đi ăn giỗ, ăn chạp tại nhà ông bà cô bác trưởng chi họ hoặc trưởng tộc.

Những khi đi lễ, con gái thường theo mẹ nhiều hơn, con trai chỉ đi theo mẹ cho đến tuổi đi học, nghĩa là độ lên sáu lên bảy. Trái lại con gái càng lớn càng được mẹ cho đi theo, nhất là trong những khi đi lễ. Người mẹ muốn nhân những dịp này giảng giải cho con biết về sự lễ bái tín ngưỡng, cũng như nhân những dịp giỗ chạp tại nhà trưởng chi họ, nói cho con hay mối liên quan của gia đình với những người trong họ.

Lẽ tất nhiên, khi lớn lên, đứa bé sẽ hiểu biết mọi điều cần thiết về họ hàng, về lễ bái qua cha mẹ.

Những điều gì mẹ không dạy bảo đã có cha.

Đứa bé bao giờ cũng sợ cha hơn sợ mẹ, có những điều mẹ bảo không nghe, cha bảo thì đứa bé tuân theo răm rắp. Kỷ luật trong gia đình nhờ có người cha mà nghiêm minh.

Nếu con không vâng lời, người cha thường dùng roi vọt và già đòn, bao giờ cũng non nhẽ, với chiếc roi đánh đau, đứa con hư phải vào khuôn phép.

Chiếc roi, đối với đứa trẻ tượng trưng cho uy tín của người cha, tuy nhiều khi sự nghiêm khắc của người cha thường làm cho đứa trẻ trở nên nhút nhát.

Ở những gia đình không may người cha mất sớm, người anh cả sẽ thay người cha để trông nom dạy dỗ các em. Ở đây là quyền huynh thế phụ.

Tóm lại, trong việc giáo nhi, người mẹ nắm phần quan trọng với sự dịu dàng, với tình âu yếm mẫu tử, nhưng sự nghiêm khắc của người cha cũng rất cần để gìn giữ người con khỏi hư hỏng.

Xem thêm: Phong tục Việt Nam về chuyện sinh con đẻ cái
Tết Nguyên Đán của người Việt

Chọn Bạn Cho Con

Người xưa trong lúc giáo nhi rất thận trọng. Người mẹ, những khi dắt con đi theo mình, ngoài việc dạy cho con biết về tín ngưỡng lễ giáo và cho con hiểu sự liên lạc trong gia tộc, lại còn có ý để cho con đánh bạn chơi với các trẻ khác cùng theo mẹ đi lễ bái, hoặc cùng đi đến một nơi giỗ chạp. Cha mẹ thường chọn bạn cho con, ngăn cản con không được giao du chơi bời với những đứa trẻ thiếu giáo dục, và khuyên con nên gần những bạn hữu có lễ phép, chịu khó học hành.

Ta có câu Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, đứa trẻ chơi với bạn tốt sẽ trở nên tốt, chơi với bạn xấu sẽ thành xấu.

Ngoài việc kén bạn cho con, các cụ còn kén cả láng giềng, như truyện bà mẹ thầy Mạnh Tử đã dọn nhà mấy lần để tìm láng giềng tốt, tránh cho con mọi ảnh hưởng xấu xa.

Vấn đề giáo nhi của ta xưa thật cẩn thận, và đứa trẻ thường lớn lên trong vòng lễ độ, mọi việc đều tuân theo cha mẹ. Đi đâu đứa trẻ phải xin phép, lúc trở về phải trình diện. Gọi, con phải dạ, bảo, con phải vâng.

Ca dao có câu:

Bảo vâng gọi dạ con ơi
Vâng lời sau trước con thời chớ quên
,
Công cha nghĩa mẹ khôn đền,
Vào thưa ra gửi mới nên con người.

Đứa trẻ không vâng lời cha mẹ là đứa trẻ hư, tương lai của nó sẽ không tốt đẹp vì Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

Săn sóc con, bố mẹ không để cho con lêu lổng, không để cho con được tự ý làm gì kể cả việc chọn bạn hữu. Kể ra việc giáo dục như vậy, hay thì có hay, nhưng thường làm cho đứa trẻ hóa nhút nhát và không có sáng kiến.

Việc Giáo Nhi Ngày Nay

Mọi việc ở đời đều biến chuyển, việc giáo nhi ngày nay tuy vẫn giữ theo nếp sống xưa nhưng không khỏi có sự thay đổi. Khi đứa trẻ còn quá nhỏ bé, lẽ tất nhiên sự săn sóc con cái, người mẹ chú ý nhiều hơn.

Ở thôn quê trong công việc giáo nhi, người mẹ vẫn còn nắm vai trò quan trọng, còn người cha, vì bận nhiều công việc bên ngoài, nên chỉ trông nom đến con trong những trường hợp con không vâng lời mẹ.

Ta phải nhận thêm rằng, do đời sống vật chất khó khăn nên nhiều khi cả bố lẫn mẹ đều bận việc đồng áng, việc trông nom con cái đành phó thác cho đứa lớn coi đứa bé, và sự dạy dỗ cũng bê trễ. Tại nhiều gia đình, may mắn còn ông bà thì việc săn sóc cháu nhỏ bà đảm nhiệm, kể luôn cả việc răn dạy nữa. Tại các nơi đô thị, việc giáo nhi, ngày nay khác hẳn ngày xưa. Đàn ông lo việc ngoài, vì kế mưu sinh đã đành ở nhiều gia đình đàn bà cũng đi kiếm ăn, buôn bán hoặc làm việc trong công sở. Con cái mướn người nuôi, chỉ chiều chiều bố mẹ mới để mắt tới dược.

Khi con được độ ba tuổi, những gia đình dư dật gửi con vào các trường mẫu giáo, những gia đình lao động thì cứ phó mặc con ở nhà, đứa lớn trông đứa bé, hoặc có khi gửi hàng xóm. Tại một vài khu có những nhà giữ trẻ, mất tiền hoặc làm phúc, nhưng số nhà này chẳng được bao nhiêu và cũng không rộng rãi, nên số trẻ nhận được cũng chỉ có hạn, chỉ những người ở gần hoặc tiện đường qua lại mới gửi trẻ trước khi đi làm, và đón chúng khi chiều về.

Nhiều gia đình còn bà nội hoặc bà ngoại thì bà trông cháu. Những đứa trẻ này được sung sướng về tinh thần hơn vì bao giờ bà cũng thương cháu, và chiều chuộng cháu. Ta có câu Cháu hư tại bà, chính là có ý nói bà thường nuông chiều cháu nên cháu sinh hư nũng nịu bà.

Việc Học Hành

Đứa trẻ được cha mẹ dạy bảo ở nhà cho đến khi đi học. Đứa trẻ lớn, thời kỳ giáo nhi đã qua, không thể để cho chơi bời lêu lổng hư thân mất nết, phải cho nó đi học, ăn mày cửa thánh kiếm dăm ba chữ để học thông văn tự.

Tuổi đi học ở nước ta xưa kia không nhất định là tuổi nào, nhưng thường đứa bé độ sáu bảy tuổi bố mẹ mới bắt đầu cho đi học.

Dưới tuổi này, chúng còn chưa biết gì, ngoài việc ăn và chơi. Nhiều đứa còn mặc quần thủng đít nếu không cởi truồng. Kể từ ngày bắt đầu đi học, chúng được coi là đã khôn lớn, được mặc quần kín đũng.

Việc đi học bắt đầu một quãng đời mới của đứa trẻ, và buổi học đầu tiên, gọi là buổi học khai tâm rất quan trọng theo quan niệm của ta xưa.

Ngày xưa con trai mới được bố mẹ cho đi học chữ, con gái cần học ăn học làm, nên khi đã hơi lớn là phải bắt đầu giúp đỡ cha mẹ trong những công việc nhỏ. Chỉ những gia đình khá giả lắm mới cho con gái đi học, nhưng sau buổi học về, bao giờ con gái cũng phải lo giúp đỡ cha mẹ trong việc nhà. Việc học thời xưa thực ra không tốn gì. Chỉ cần một quyển sách, một cái bút và một thoi mực là đủ, và những thứ đó chẳng đáng giá bao nhiêu.

Tiền học cũng không đáng kể. Học khai tâm không có trường của nhà nước, nhưng tại làng xã nào cũng có một vài ông đồ dạy trẻ. Tiền học không phải trả, mà hàng năm bố mẹ đứa trẻ chỉ cần mang biếu thầy đồ vào những dịp ngày lễ ngày Tết khi thúng gạo, khi cân mứt v.v…

Những gia đình giàu có khá giả đoạn thầy đồ dạy học cho con, nhưng nhân thể, ông nhận những đứa trẻ khác trong làng tới học. Việc chi phí về ông đồ, do chủ nhà gánh vác hết, còn các học trò khác cũng chỉ biếu ông đồ một năm vài lần là đủ. Học trò thường học sách viết, sách in rất đắt, ông đồ nào cũng có một tủ sách, các học trò chép lại bài học qua những sách của ông đồ. Con nhà giàu đôi khi cũng mua sách in dùng.

Lễ Khai Tâm

Buổi học đầu tiên đánh dấu quãng đời mới của đứa trẻ, rất được chú trọng. Cho con đi học người ta kén ngày, sửa lễ và tắm rửa cạo đầu1 sạch sẽ cho đứa bé, làm lễ cáo gia tiên cho đứa bé đi học. Sau khi cha đứa nhỏ khấn lễ tại bàn thờ, chính đứa bé cũng phải lễ bốn lễ ba vái, ý nghĩa của lễ này là có ý để đứa bé xin tổ tiên phù hộ cho được thông minh sáng láng học hành tấn tới giỏi giang.

Sau khi lễ ở nhà rồi, người cha ăn mặc chỉnh tề dẫn đứa bé cũng ăn mặc quần áo mới tới nhà ông đồ xin nhập môn, có người nhà đội mâm đồ lễ gồm trà rượu, cau trầu và cũng có khi con gà đĩa xôi tùy theo gia cảnh của học sinh.

Đạo thánh là đạo rộng, ông đồ không bao giờ từ chối học trò. Ông làm lễ thánh, đây tức là đức Khổng Tử, tại bàn thờ riêng ở nhà, rồi ông cũng cáo với gia tiên việc nhận thêm một môn sinh mới.

Xưa đứa trẻ nhỏ thường cạo đầu chỉ để lại một mớ tóc ở đỉnh đầu, hoặc hai mớ tóc như hai trái đào ở hai bên.

Sau đó đứa trẻ mới được học bài đầu tiên.

Có nhiều ông đồ cẩn thận, trong buổi khai tâm của đứa trẻ, các ông đã dẫn đứa trẻ ra văn chỉ, tức là miếu thờ đức Khổng Tử ở trong làng để làm lễ, rồi ông mới nhận cho đứa trẻ nhập môn.

Quãng Đời Mới Của Đứa Trẻ

Kể từ buổi lễ nhập môn, đứa trẻ đã là một môn sinh của ông đồ, và đã là một cậu học trò, phải sống theo đời học trò, bị bó buộc theo một khuôn khổ mới.

Từ đây cậu phải biết lễ phép để giữ với nghiêm sư cũng như đối với anh trưởng tràng, người được ông chỉ định thay thế mình, đứng đầu lớp học để dạy bảo các trò khác đỡ ông đồ và trông coi lớp học khi ông đồ đi vắng.

Tiên học lễ, hậu học văn, học lễ phép trước rồi mới học văn bài. Lễ phép không phải riêng ở lớp học, còn ở ngoài đường và ở nhà mình nữa.

Đứa trẻ hư, ông đồ mang tiếng.

Đứa trẻ cũng phải chăm chỉ học hành. Nếu nó lười biếng dốt nát cũng lại tiếng tại ông đồ.

Để giữ cho đứa trẻ cũng phải chăm chỉ học hành. Nếu nó lười biếng dốt nát cũng lại tiếng tại ông đồ.

Để giữ cho đứa trẻ khỏi hư thân lười biếng, luôn luôn ông đồ có ngọn roi mây ở lớp học.

Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn! Ông đồ khỏe đánh học trò cũng là một ông đồ giỏi.

Đứa trẻ trước ngọn roi mây cũng phải ngoan ngoãn chăm chỉ.

Để giữ cho dược sáng láng, có những điều đứa trẻ cần kiêng kỵ:

– Không nên ăn quá no e lấp mề không học được.

– Không nên ăn chân gà e run tay không viết được.

– Không nên ăn cơm cháy hoặc những thịt thà của các con vật chết e u tối trí tuệ.

– Không được vứt giấy có chữ viết xuống đất, trông thấy người khác vứt phải nhặt đốt đi hoặc đem thả theo dòng sông.

– Không được gối đầu lên sách.

– Phải kính trọng sách vở và chữ nghĩa.

Gửi phản hồi