Sinh con đẻ cái là chuyện hệ trong của mọi gia đình Việt Nam, không chỉ hệ trọng với bản thân hai người vợ chồng, mà còn là chuyện lớn của dòng tộc, họ hàng. Vì hệ trọng như vậy, và một con người ra đời là đã mang sẵn nhiều đặc tính về gia tộc và nòi giống, nên truyền thống Việt Nam có nhiều phép tắc đối với việc sinh con an toàn và đề cao ý nghĩa của việc này.
Qua thành phần về gia đình, ta thấy rằng muốn trở thành cha mẹ phải có con. Con cái là mầm để nối dõi tông đường, bảo tồn huyết thống. Chính con cái sẽ giữ việc khói hương phụng thờ tiên tổ, cúng giỗ, cúng Tết.
Có tổ tiên rồi đến ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình, đến lượt mình cũng phải sinh con để di truyền nòi giống.
Trong bảy điều theo luật xưa, người chồng có thể bỏ vợ, xin liệt kê ra đây để bạn đọc cùng biết:
1. Không con.
2. Dâm dật.
3. Không thờ cha mẹ chồng.
4. Nhiều lời.
5. Trộm cắp.
6. Ghen tuông.
7. Có ác tật.
Việc sinh con ở Việt Nam rất quan trọng. Những cặp vợ chồng hiếm con tìm đủ mọi cách để cho có thể có con, đi cầu tự, đi tìm ngải, trừ tà, chữa thuốc v.v…
Hiếm hoi
Không có con là hiếm hoi.
Theo quan niệm khoa học, hiếm hoi do cơ quan sinh dục bất thường, có khi của chồng, có khi của vợ và cũng có khi do bệnh tật của một trong hai người, nhưng qua sự tin tưởng và thói tục của ta, sự hiếm hoi có nhiều duyên cớ về số phận cũng như về phúc đức của vợ hoặc chồng.
Để tránh sự hiếm hoi trong trường hợp này, thường khi theo số phải nuôi con nuôi, rồi mới sinh con đẻ. Cũng có khi số dạy người vợ cả phải cưới vợ lẽ cho chồng rồi mới có thể sinh con được, hoặc giả nếu không, người vợ lẽ sẽ sinh con thay thế cho mình. Nhiều người vợ cả mong mỏi có con đã không nghĩ gì đến sự ghen tuông và chính tự mình đã cưới thiếp cho chồng.
Qua mấy lý do trên nêu ra, ta không thấy nói gì đến sự bệnh tật của chồng hay của vợ, cũng như không nói gì đến sự thất thường của cơ quan sinh dục của hai người. Tất cả lý do nêu ra đều dựa vào lẽ thần bí và một cặp vợ chồng nào hiếm hoi, bao giờ cũng là lỗi ở vợ, tuy đôi khi cũng có lỗi ở chồng:
– Hoặc người vợ vì lẽ quả báo mà không con.
– Hoặc người vợ vì lẽ tiền oan nghiệp chướng mà không con.
– Hoặc người vợ bị tà ma ám ảnh, tiền phu quấy rối.
– Hoặc người vợ xung khắc với chồng.
Bởi các lẽ trên, nên người đàn bà nào lấy chồng cũng mong mỏi có con, và muốn có con, nhiều người vợ đã chịu hy sinh mọi mặt, kể cả tình yêu của chồng, trường hợp cưới vợ lẽ cho chồng, kể cả tai tiếng của mình, trường hợp kiếm con bằng lối thả cò.
Lễ cầu tự
Lễ cầu tự tức là lễ cầu thần thánh ban cho mình đứa con lập tự về sau.
Người ta thường cầu tự ở đình, chùa hoặc đền miếu, nhất là tại những nơi có tiếng là linh thiêng như đền Và ở Sơn Tây thờ Tản Viên Sơn thần, đền Kiếp Bạc ở Hải Dương thờ Hưng Đạo Vương, đền Phủ Giầy ở Nam Định thờ Công chúa Liễu Hạnh, và nhất là chùa Hương ở làng Yến Vĩ, huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tây, nơi thờ Phật Bà Quan Âm.
Trong những ngày đi trẩy hội ở các đền chùa này, ta thường gặp giữa đám khách đi lễ, một số các bà nạ dòng đi cầu tự. Các bà mang lễ vật tới đền hoặc chùa với một tấm lòng hết sức thành kính.
Muốn đi cầu tự, trước hết phải giữ mình cho thanh khiết, phải ăn chay niệm Phật để tâm thành động tới quỷ thần. Phải tắm nước ngũ vị để tẩy mùi xú uế trần tục. Phải kiêng ăn hành tỏi.
Tới đền chùa với đủ lễ vật gồm vàng hương, hoa quả, trầu rượu, xôi gà. Trường hợp đi chùa, không dùng đồ mặn, các bà đi cầu tự lễ trước bàn thờ thần linh hoặc trước Phật đài chỉ cầu xin một điều: xin Trời Phật Thần Thánh ban cho một mụn con trai.
Tại chùa Hương, nơi chùa Hang thiết lập trong động, có nhiều tảng đá nổi lên, trông hình như các em bé. Khách trẩy hội cầu tự tới xoa đầu các em bé đó, rủ về với mình. Nhiều tảng đá trông nhẵn thín như đầu trọc của các em bé vì trải nhiều bàn tay của các bà xoa cầu con từ bao đời nay.
Những người đi cầu tự, lúc trở về, phải tự coi mình như đã có một em bé đi kèm theo. Trong suốt hành trình từ nơi cầu tự về nhà, những người này, có những hành động như một người mẹ dắt con theo, mua quà bánh, mua đồ chơi, lúc đi đò trả hai suất tiền đò, lúc ăn cơm có thêm thức ăn dành cho em bé.
Khi về tới cửa, những người này gọi người nhà ra đón chú hay đón cậu. Từ buổi đó, đến bữa ăn phải dọn thêm bát đũa cho chú hoặc cho cậu. Người ta sắm sẵn cả nôi để chờ ngày thấy tin lành, nghĩa là ngày người đàn bà thấy những triệu chứng sắp thành mẹ.
Trong những câu chuyện truyền khẩu về cầu tự, người ta thường kể lại rằng những con cầu tự rất khó nuôi, và thường hay chết yểu khi mới lên năm, bên ba. Đó không phải là con của Thần Thánh Phật ban cho, mà là con của lũ mẹ Ranh1, đầu thai vào, vì khi người mẹ đi cầu tự lũ mẹ Ranh ở đền chùa nhận với Thần Thánh Phật để xin cho con mình đi đầu thai, nhưng chỉ sau mấy năm chúng lại bắt về, nên đứa trẻ sinh ra bị chết yểu.
Còn nếu đúng con của Thần Thánh Tiên Phật cho thì đứa trẻ sẽ ở với cha mẹ trọn đời, và suốt đời cha mẹ sẽ luôn luôn chiều chuộng đứa trẻ cho dẫu khi lớn cũng vậy.
Ta thường dùng ba tiếng con cầu tự để chỉ những đứa trẻ nào được cha mẹ nuông chiều.
Có tin mừng
Người đàn bà sau khi lấy chồng chờ đợi ngày có tin mừng nghĩa là ngày bắt đầu có chửa. Ba tiếng có tin mừng đủ nói hết sự hân hoan của người ta khi chắc chắn biết mình sắp được làm mẹ để báo với người chồng sẽ sắp được làm cha.
Con hầu đầy tớ của các vị Thần Thánh.
Mặc dầu, có chửa là có tin mừng, nhiều bà vợ trẻ vẫn lấy làm thẹn thùng và các bà cố giấu càng được lâu càng hay sự có tin mừng của mình bằng cách đánh đai bụng để giữ cho bụng được nhỏ lâu. Tục này, ngày nay với sự hiểu biết về khoa sản phụ, các bà mẹ đã đều bỏ hẳn.
Đối với các bà vợ có chửa là có tin mừng, trái lại đối với các cô không chồng mà chửa, thì điều đó thật là một tai vạ, vì sẽ bị làng nước bắt tội và sự hứng gió nồm nam, để chỉ việc ăn vụng bụng chóng no này, xưa nay vẫn là một điều xấu trong xã hội Việt Nam. Các cô chửa hoang thường tìm cách phá thai, gây ra nhiều điều tai hại cho chính bản thân các cô, cũng như cho đứa trẻ sau này ra đời, một khi sự phá thai không có kết quả.
Thai giáo
Việt Nam là một nước văn hiến tôn trọng lễ giáo. Con người muốn được quý trọng phải giữ lễ nghi làm đầu. Lễ nghĩa chi phối đời sống của ta từ nhỏ tới lớn.
Và ngay từ lúc còn là bào thai trong bụng mẹ, con người cũng đã phải chịu một sự giáo dục qua người mẹ. Đó là thai giáo.
Vấn đề thai giáo đối với ta cũng rất quan trọng, một phần vì sức khỏe của người mẹ, một phần vì mọi tư tưởng và hành động của người mẹ trong lúc có thai đều có thể ảnh hưởng tới bào thai trong bụng.
Chính vì vậy, trong lúc mang thai, người đàn bà phải bó buộc làm nhiều việc xưa nay không làm, và phải kiêng nhiều điều xưa nay không cần kiêng.
Mọi người cho rằng sự ăn không ngồi rồi hại cho sức khỏe của người mang thai, và do đó ảnh hưởng tới cả bào thai. Trong lúc có thai người đàn bà nên hoạt động chân tay, bằng việc làm. Nhiều gia đình khá giả, xưa nay người đàn bà không phải làm lụng nhiều, trong lúc có thai cũng phải bày đặt công việc ra để cho chân tay cử động.
Việc kiêng cữ, trong lúc mang thai, rất nhiều.
Đầu tiên trong sự ăn uống phải tránh những đồ quá bổ béo, e cái thai quá lớn khó sinh.
Ngoài ra, theo sự mê tín trong dân gian phải kiêng:
– Ăn cua để tránh sinh ngang.
– Ăn trai, sò, ốc, hến để tránh con nhiều dãi nhớt.
– Ăn thịt thỏ để tránh khỏi sinh con sứt môi.
– Ăn những đồ ăn, hoa quả, bánh trái đã cúng ở một đám tang hay một đám cưới, để tránh con khỏi bị chứng sài.
– Ăn những quả sinh đôi, để tránh sự đẻ song thai.
– Ăn những thịt ôi, hoa quả úa, có hại cho sức khỏe và do đó ảnh hưởng tới bào thai v.v…
Trái với sự kiêng ăn những thức kể trên, người đàn bà có thai nên ăn nhiều trứng gà để sinh con có da dẻ hồng hào.
Những điều kiêng cữ nêu trên, tuy có phần do mê tín, nhưng trong sự mê tín này, có lẫn cả những phương pháp vệ sinh rất cần thiết cho người mẹ cũng như cho bào thai.
Trong vấn đề thai giáo, người đàn bà có thai còn phải tránh:
– Mọi cảnh tượng hãi hùng hay đau đớn.
– Mọi cử động gian tà.
– Mọi ngôn ngữ thô bỉ.
– Mọi sự nổi giận.
– Mọi tranh ảnh bất chính.
– Mọi sự kêu gào để cho cái thai khỏi lây ảnh hưởng xấu. Đồng thời người đàn bà phải:
– Nói năng dịu dàng.
– Cử chỉ khoan thai.
– Luôn luôn tươi cười.
– Giữ cho tâm hồn ngay thẳng trong sạch.
– Treo trong nhà, để luôn luôn được ngắm tranh ảnh các vị anh hùng, các vĩ nhân, các bà mẹ hiền từ cùng những phong cảnh cao nhã thanh khiết, gây một ảnh hưởng tốt đẹp cho đứa con sau này.
Qua mấy điều trên ta thấy rằng, vấn đề thai giáo rất được chú trọng trong phong tục.
Ca dao ta có câu: Dạy con từ thuở còn thơ.
Nhưng thực ra ta vẫn dạy con ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, qua người mẹ.
SẢN PHẨM CỦA BÔNG MAY
So sánh Inox 304 và Inox 201 trong gia công đồ dùng
Cung cấp chổi quét sân trường học – giá rẻ nhất
Cung cấp cây lau nhà giá sỉ (xuất VAT)
Bông May cung cấp vật tư vệ sinh trường học tại TP.HCM
May đồ bảo hộ lao động giá rẻ cho công ty, xưởng sản xuất
Chổi cọng dừa giá sỉ tại chổi Bông May
Bán chổi đót chổi dừa và dụng cụ vệ sinh giá sỉ tỉnh Bình Dương
Cung cấp sọt nhựa tròn, bầu, vuông Duy Tân giá sỉ (Xuất VAT)
Cung cấp chổi dừa bến tre giá sỉ
BÀI VIẾT HAY
Đạo nghĩa vợ chồng trong câu hò miền nam
Th6
Cô gái Thị Cầu là ai?
Th10
Nghi thức tang lễ truyền thống của người Việt
Th1
Các thể loại văn chương truyền thống Việt Nam trong dòng lịch sử
Th2
Phép xã giao trong việc chào hỏi, bắt tay và ôm hôn
Th12
Hướng dẫn giải quyết mâu thuẫn gia đình
Th4
Tục tế lễ của người Việt
Th3
Nguồn gốc Tết Trung Thu (Rằm tháng Tám) của người Việt
Th11
Những người không nên ăn chuối tiêu
Th1
Khái quát thuật toán số của người Việt xưa
Th3