Theo những tài liệu cũ để lại, thì từ thế kỷ thứ 8, đời nhà Đường, nước ta đã có ông Khương Công Phụ quê ở Thanh Hóa, đỗ Trạng nguyên. Nhưng cớ là kỳ thi tổ chức ở Trung Quốc, Khương Công Phụ cũng làm quan ở bên Tàu. Sau đó không thấy sử sách nhắc đến ai nữa.
Khoa cử Việt Nam từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIV
Từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIV, chúng ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, sau một nghìn năm sống dưới sự đô hộ của ngoại bang. Nhà nước Trung ương tập quyền ra đời, nền văn hóa dân tộc gọi là văn hóa Thăng Long đã nảy sinh và phát triển. Song do tình trạng chiến tranh chống lại bọn xâm lược và yêu cầu thống nhất quốc gia, chấm dứt sự cát cứ của các sứ quân, v.v… mà phải từ thế kỷ XI mới có điều kiện qui định các chế độ giáo dục, thi cử, pháp luật để dần dần trở nên hoàn chỉnh.
Triều đại nhà Lý bắt đầu dùng chế độ khoa cử làm hình thức tuyển dụng quan lại cho bộ máy chính quyền Nhà nước. Năm 1075, tuyển người minh kinh bác học, và thi nho học, Lê Văn Thịnh đỗ đầu (nhưng chưa gọi là Trạng nguyên). Năm 1077 mở kỳ thi có ba môn: phép viết, phép tính và hình luật để chọn người làm lại viên. Năm 1086, có khoa thi tuyển người có trình độ văn học, Mạc Hiển Tích đỗ đầu, được bổ làm Hàn Lâm Học Sĩ.
Tuy vậy, việc tổ chức khoa cử vẫn chưa vào nề nếp. Phải đến đời nhà Trần, năm 1232, mở khoa thi Thái Học Sinh đầu tiên, mới qui định cứ 10 năm lại mở một khoa. Yêu cầu khoa thi này là kiểm tra trình độ văn học. Còn có những kỳ thi lại viên, chỉ buộc người dự thi thảo các giấy tờ hành chánh (gọi là ba đầu) và phép viết, phép tính. Vua Trần còn cho lập nhà học ở phủ Thiên Trường vào năm 1231. Đây là trường học “quốc lập” đầu tiên trong lịch sử, được tổ chức ở địa phương. Tại kinh đô Thăng Long thì thành lập Quốc Tử Viện. Học sinh học ở trường hay viện đều là con cháu tôn thất hay quan lại, và khi bổ dụng làm quan, cũng phải là người trong thân tộc. Mãi cho đến 1304, Đoàn Nhữ Hài mới là sĩ nhân (học trò) đầu tiên không phải người tôn thất được cử tham gia triều chính.
Đồng thời với những nhà quốc lập ít ỏi này, các trường dân lập được mở ra nhiều. Tài liệu cũng chỉ cho biết có trường học của Lý Công Uẩn dưới triều Lý, và các trường của Trần Ích Tắc, Chu Văn An dưới đời Trần. Có một số nhà chùa, có những vị sư tăng chủ trì các việc thuyết pháp giảng kinh, và có lẽ cũng có giảng dạy cả Nho, Phật, Lão; chắc rằng đồ đệ ở đây có nhiều, vì là thấy đã xuất hiện nhiều vị (cả nam cả nữ) có học lực và tài văn chương kiệt xuất. Các trường “dân lập” địa phương chắc cũng có nhiều, vì sử sách đã ghi nhận được nhiều tên tuổi của các danh nhân. Việc thi cử đã thu hút được nhiều học trò, những học vị như Tam Khôi, Hoàng Giáp dưới triều Trần đã thấy xuất hiện. Lại có sự phân biệt ra kinh Trạng nguyên và trại Trạng nguyên (học vị này giành cho những người đỗ từ Thanh Hóa trở vào). Phật giáo được truyền bá rộng rãi khắp mọi nơi. Lê Văn Hưu có nhận xét: “Bách tính quá nửa làm tăng, trong nước khắp nơi đều là chùa”. Trần Nguyên Đán cũng tự phụ: “Các tướng đều biết làm thơ, v.v… Như vậy sự học có lẽ là phát đạt lắm”.
Cuối thế kỷ 14, Hồ Quí Ly và Hồ Hán Thương cũng rất quan tâm đến giáo dục. Những qui định về phép thi, cùng những thể thức thi Hương, thi Hội được khuôn vào nề nếp khá chặt chẽ. Đặc biệt là Hồ Quí Ly chú ý lập trường học. Tờ chiếu năm 1397 ra lệnh: “Ba phủ châu thuộc các lộ Sơn Nam, Kinh Bắc và Hải Đông đều đặt quan giáo thụ giữ về việc học, cấp cho ruộng công tùy theo thứ bậc: phủ châu lớn 15 mẫu, vừa 12 mẫu, nhỏ 10 mẫu để cung vào việc học”. Nhà Hồ cũng ấn định một chương trình thi cử thực dụng: bỏ phép ám tả cổ văn, thêm kỳ thi toán. Thời kỳ này, nhân tài cũng có nhiều: Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân đều đỗ cao. Chỉ không rõ tại sao lúc này không thấy ghi ai đỗ Trạng nguyên. Mà chỉ có các ông Hồ Ngạn Thần, Đoàn Xuân Lôi, Thiệu Thái, v.v… được ghi là đỗ đầu cả nước.
Văn hóa Việt Nam:
Thể lệ thi võ thời nhà Nguyễn
Chất thơ làng nghề đất Rồng Bay (Thăng Long)
Đạo nghĩa vợ chồng trong câu hò miền nam
Khoa cử Việt Nam từ thời nhà Lê
Sau chiến thắng của khởi nghĩa Lam Sơn, nước ta bước vào thời kỳ ổn định khá lâu dài. Các vua đầu triều Lê đã xây dựng nền giáo dục theo hướng chính qui:
– Đặt Quốc Tử Giám (có lúc gọi là Thái Học Viện) là cơ quan giáo dục cao nhất trong nước. Có giảng đường, ký túc xá và kho tàng trữ sách phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Tại các địa phương, các đạo, các lộ (sau này là trấn) đều đặt nhà học, cử người trông nom việc học.
– Chế độ thi cử đi vào nề nếp. Ở địa phương có thi Hương, kinh đô có thi Hội cứ ba năm một kỳ.
– Đặt trách nhiệm cho các địa phương, ngay từ xã thôn phải chú ý đến việc học tập, thi cử, đóng góp cho các kỳ thi, trích ruộng công để lấy hoa lợi chi tiêu cho việc học. Lại có lệ “bảo kết hương thí” bắt các xã phải chịu trách nhiệm về tư cách và đạo đức của người đi thi. Học trò vào trường thi mà không làm được bài, xã trưởng bị trách phạt.
– Nhà nước đặc biệt chú ý đến việc chọn lựa và đề cao tầng lớp nho sĩ. Học sinh đi thi phải khảo lý lịch ba đời. Hễ là con cháu nhà xướng ca hay có tội với triều đình thì nhất thiết không cho thi. Người thi đỗ trong các kỳ thi được dự lễ xướng danh, lễ vinh qui. Đỗ Tiến sĩ được khắc tên vào bia đá.
Các thế kỷ tiếp sau, mặc dù có khi gặp biến cố chiến tranh, nổi loạn, đất nước chia cắt nhưng việc học hành thi cử vẫn cứ được tiến hành. Đại bộ phận những Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa cho đến Tiến sĩ, Cử nhân, v.v… đều xuất hiện vào lúc này. Các triều đại kế tiếp nhau vẫn không coi thường việc thi, việc học. Nhà Mạc tranh ngôi nhà Lê vẫn tổ chức thi Tiến sĩ, có những Trạng nguyên danh tiếng như: Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ đạt. Khi đất nước xảy ra hiện tượng phân tranh, nhà Lê, nhà Mạc và họ Trịnh ngoài Bắc vẫn duy trì các chế độ đã thành truyền thống. Riêng ở miền Nam, không theo cách miền Bắc, nhưng cũng mở các khoa thi, như thi Chính Đồ, Hoa Văn; thi Văn Chức, thi Tam Ti, v.v… Nhà Nguyễn Tây Sơn cũng có chiếu lập học, mở khoa thi, người đỗ gọi là Tuấn sĩ. Nhưng triều đại này quá ngắn không ghi được nhiều tài liệu.
Đến triều Nguyễn
Thế kỷ XIX bắt đầu với triều đại Gia Long, cũng lấy nho học làm quốc giáo. Các vua triều Nguyễn rất chú ý đến giáo dục, nhưng ở các kỳ thi đều không lấy học vị Trạng nguyên. Nhân tài do khoa cử tạo nên ở triều đại cũng nhiều. Mãi cho đến đầu thế kỷ 20 nhiều nhà nho duy tân bài xích những thói tệ trong khoa cử (trước đây một số vị quan lại triều Lê cũng đã công kích nhiều). Cho đến 1919 thì chế độ khoa cử theo giáo dục phong kiến hoàn toàn bị bãi bỏ.
Chế độ học tập ngày xưa như chỉ dựa vào các khoa thi làm chuẩn đích. Không định thời gian học tập, không chia bộ môn (trừ môn tập làm văn và khi đã học lên mức chuyên trị kinh điển). Cứ ba năm mở một kỳ thi, ai không đỗ thì học lại chờ kỳ thi khác. Có chia ra các kỳ tiểu tập, đại tập, đôi nét tương tự như các cấp, nhưng thật ra cũng không rành mạch. Ngay kết quả kỳ thi cũng vậy, xét về mặt chính quy thì Cử nhân Tú tài đáng lẽ ngang nhau, vì cũng thi một đề, một lược nhưng lại thành hai cấp khác nhau. Vì vậy, trong thực tế, cũng đỗ một khoa, họ có thể rất xa nhau về trình độ, và quyền lợi hưởng thụ cũng hoàn toàn cách biệt nhau.
Sách vở dùng để học tập cũng không thống nhất. Thường là bắt đầu bằng cuốn Tam Tự Kinh rồi Minh Tâm, Minh Đạo. Nhưng có thầy có thể bắt đầu bằng Tam Thiên Tự hoặc bằng Sơ Học Vấn Tân. Những gia đình nho học có tác gia riêng, cũng có thể dạy theo sách khác. Ví dụ: họ Bùi ở Hà Tĩnh, dạy theo sách Bùi Gia Huấn Hài của Bùi Dương Lịch. Các bộ Tứ Thư, Ngũ Kinh, học trò học lâu năm đều được học, nhưng cũng không đồng đều theo một trình tự cố định. Ngoài ra, học lên thì có thêm Bắc Sử (Sử đời Hán, đời Tống), Nam Sử (tùy từng trường). Thơ phú là môn bắt buộc phải biết thực hành, nhưng không được học riêng một tập thơ, một thi nhân nào cả. Truyện là loại sách ngoài, dùng để học thêm, không thuộc loại giáo khoa chính thức. Những môn khoa học, toán học, địa lý, v.v… cũng do học sinh tự tìm lấy đọc, chứ không giảng dạy. Một vài triều đại có đưa toán vào chương trình thi cử, nhưng không được tiếp tục. Cách học nhà trường chủ yếu là học từ chương, cử nghiệp.
Về qui chế học tập hàng ngày, cũng do thầy giáo quyết định: thời gian học, nghỉ, đi thi. Một vài triều vua có qui định số lượng thí sinh. Như năm 1501, qui định khảo hạng thi Hương, xã lớn cho đi 20 người, xã nhỏ 10 người, nhưng xã nào ít người học thì không buộc lệ. Năm 1721 lại thấy ghi: để cho thi Hương, quan huyện được phép sát hạch các sĩ tử. Số hạch lấy đỗ chia làm 3 hạng: lớn, vừa và nhỏ. Huyện lớn 200, huyện vừa: 10, huyện nhỏ: 100 người.
Chấm thi
Đánh giá học sinh, các thầy đồ xưa chấm bài bằng mực son. Vòng khuyên là dấu hiệu khen hay, mấy nét chấm theo đường dọc là tỏ ý khuyến khích, còn nét sổ: sổ toẹt là chê trách nặng. Phân loại học sinh có 4 bậc là ưu, bình, thứ, liệt. Mỗi bậc cũng có khá hơn hoặc kém hơn, nên người ta còn thêm vào loại bình: bình cộc, bình con; và thêm vào loại thứ: thứ muỗi, thứ mác.
Ở các kỳ thi không chính thức, kỳ bình văn, sát hạch ở trường Huấn, trường Đốc, thầy giáo kiểm duyệt xong bài, định ngày rằm hay mồng một, họp các trò lại để bình những bài văn hay. Việc này do các viên Huấn đạo, Giáo thụ, Đốc học chủ trì, có mời các nhà khoa bảng chữ nghĩa địa phương đến tham dự. Những bài văn hay, hoặc những câu hay đều được đưa ra tán thưởng, ghi chép làm mẫu mực. Tác giả học sinh xuất sắc có thể được các thầy cho ngồi bên cạnh và thưởng chén rượu gọi là khuyến miễn.
Trường học ngày xưa cũng có hình phạt, thường là hình phạt làm nhục học sinh. Phần lớn những hình phạt là đánh đòn, bắt giữ, bắt luồn háng bạn!
Việc thi cử chính thức là thi Hương, thi Hội (xem dưới). Triều đình còn tổ chức những khoa thi bất thường như khoa minh kinh (1429), khoa hoành từ (1431), khoa nhã sĩ (1865).
Thi Hương mở ở nhiều nơi, chia theo khu vực. Dưới triều Nguyễn có các trường thi Thừa Thiên, Gia Định, An Giang, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội. Thi Hương gồm 4 kỳ, trúng kỳ trước mới được vào kỳ sau. Tiếng chuyên môn xưa gọi mỗi kỳ là một trường: nhất trường, nhị trường, tam trường, tứ trường. Trúng 4 kỳ là Cử nhân, trúng ba kỳ là Tú tài. Thi Hội bao giờ cũng thi ở kinh đô (Thăng Long, Huế), cũng gồm 4 kỳ. Trúng tuyển ở cả bốn kỳ là đỗ hội. Nhưng còn phải vào sân điện nhà vua làm thêm một kỳ nữa, gọi là thi Đình. Lúc đó, mới thành ông Tiến sĩ (và có những học vị khác).
Dưới đây là bảng tóm tắt các kỳ thi, bài thi theo qui định:
Tên gọi Khoa thi | Nơi thi | Bài thi theo thứ tự các kỳ 1, 2, 3, 4 | Đạt học vị |
Thi hạch, thi khảo khóa | Huyện | Ám tả hoặc thi | Được chọn khảo hạch đi thi Hương |
Thi Hương | Ở tỉnh hay trấn | 1. Kinh nghĩa 2. Chiếu, chế, biểu 3. Thơ phú 4. Văn sách | – Đỗ đầu: Giải Nguyên, Thủ Khoa. – Đỗ trên: Hương cống sau là Cử nhân. – Đỗ dưới: Sinh đồ sau là Tú tài |
Thi Hội | Ở kinh đô | Kinh nghĩa Chiếu, chế, biểu Thơ phú Văn sách | Phải chờ thi Đình xong mới chia ra: – Đệ nhất giáp: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa |
Thi Đình | Sân nghè trong điện vua | Đối sách (bài do vua trực tiếp ra đề) | – Đệ nhị giáp: Hoàng Giáp – Đệ tam giáp: Đồng Tiến sĩ Phó bảng |
Những bài thi trên đây, tùy từng triều đại có thể sắp xếp thứ tự khác nhau. Thường thường chỉ có văn sách kinh nghĩa là không thay đổi. Những bài thi đều là những thể loại riêng, có qui tắc nhất định. Đại khái có thể hiểu đơn giản: Kinh nghĩa văn sách có tính cách như văn nghị luận. Chiếu, chế, biểu là loại công văn. Thơ phú là loại sáng tác. Chỉ có dưới triều Hồ (Hồ Hán Thương 1404) mới thêm một kỳ thi thứ 5: Chữ viết và toán. Thời kỳ Pháp đặt nền đô hộ do có nhiều sửa đổi. Năm 1906 thi Hương, bỏ kinh nghĩa và thơ phú, bắt thi thêm luận quốc ngữ, khoa học thường thức và một bài dịch tiếng Pháp. Thi Hội cũng bỏ kinh nghĩa, thơ phú mà chỉ thi văn sách, chiến, biểu, tấu, sớ và các bài quốc ngữ, chữ Pháp.
Reading English:
Hundred Years’ War, A century of blood and wrath
Joan of Arc, hero and martyr
Tổ chức thi cử
Việc tổ chức thi cử, về nguyên tắc mà nói, quả thật triều đình có những qui định rất chặt chẽ đến mức nghiệt ngã. Số người thi so với số người lấy đỗ thật là một trời một vực. Năm 1499, có hơn 5.000 người thi, lấy đỗ 55 người; năm 1502 cũng số lượng ấy, lấy đỗ 61 người; năm 1514 thi 5.700 người lấy đỗ có 43 người. Trong các kỳ thi, người ta cố tạo ra một không khí nghiêm minh, khắc khổ. Khi học sinh bước vào trường thi, để chống lại những người mang sách vở tài liệu, người ta khám xét đến ba lần: “Quân lính các hiệu Điện tiền khám trước, quân lính các hiệu Thần Vũ khám lại, rồi các viên chỉ huy Hiệu úy dùng vũ sĩ cẩm y khám xét lần nữa”, mới cho vào phòng. Khi sĩ nhân vào trường xong, bọn quan đề điệu theo lệ, cộng đồng khóa cửa trường thi lại”. Người ta còn đề phòng cả người đi chấm và người phục vụ. Giám khảo chỉ cử trước kỳ thi có 5 ngày. Người giữ trật tự phải là người không biết chữ. Ai làm việc ở trường thi kỳ trước thì không được làm kỳ sau nữa.
Người ta còn quan niệm: học tài, thi phận. Phận đây là do phúc đức, âm phần, do cái nghiệp, cái nợ nào ở cõi u minh mà người trần không sao lường nổi. Khi mở cửa trường thi, tiếng loa gọi đầu tiên là gọi những oan hồn vào báo oán. Tiếng thứ hai để gọi hồn vào báo ơn. Và: sĩ thứ giả, thứ thứ nhập! Học sinh vào sau cùng, sau những lực lượng ma quái vô hình ấy.
Mặc dầu việc tổ chức các kỳ thi đã vận dụng mọi khả năng chính quyền, pháp quyền, bình quyền và cả thần quyền nữa để tăng thêm sự nghiêm minh và riết róng, nhưng nhiều tệ nạn trong thi cử: mua văn bán chữ vẫn cứ xảy ra. Có những thời kỳ triều chính đổ nát, lại chính vua chúa phá bỏ cả nguyên tắc. Như dưới thời chúa Trịnh, Đỗ Thế Giai đã đề nghị: một người nộp tiền ba quan không phải khảo hạch đều được vào thi, gọi là tiền thông kinh. Sách Lịch Triều Hiến Chương chép việc này nói thêm: “người vào thi đông đến nỗi giày xéo lên nhau, có người chết ở cửa trường. Trong trường thi, nào mang sách, nào hỏi chữ, nào mượn người thi thay, công nhiên làm bậy, không còn biết phép thi là gì”.
Vào trường thi, người học sinh thời xưa phải hoàn toàn lo liệu lấy mọi phương tiện vật chất. Trường thi chỉ là khu đất chia thành ô riêng. Các thí sinh được nhận phần đất rồi vào đó đóng lấy lều, kê chõng, sắm sanh đủ các thứ chăn chiếu, nón tơi, cơm nắm, gạo rang, điếu ống, đèn đóm, v.v… Từ ngữ “lều chõng” sau này để chỉ việc thi cử là nguyên do như thế. Nhà nước chỉ làm nhà tạm trú và chỗ cho các giám khảo chấm bài. Chi phí này do các làng xã đóng góp. Năm 1660, định lệ tiền khoản làm trường thi Hương, xã lớn nộp một quan sáu tiền, 30 bát gạo; xã nhỏ nộp 8 tiền, 10 bát gạo. Các chủ khảo giám khảo, người phục vụ được cung cấp từ con dao, cái rổ, chum chậu, dầu đèn cho đến gạo muối, trứng tôm, v.v… những người này suốt trong kỳ thi đều cấm không được ra ngoài, không được liên lạc với ai. Có người được cử đi chấm thi đã lập mẹo cho vợ cải dạng làm đầy tớ trai theo hầu, nhưng lại bị phát hiện và trị tội.
Những bài làm trong các kỳ thi phải theo các qui tắc và thể thức rất nghiêm ngặt, học sinh phải nhớ hết tên của vua chúa đương triều, cả cha mẹ tổ tiên vua để kiêng, không được phạm khi viết văn. Không phải chỉ có tên người mà cả tên lăng, miếu, đền đài trong hoàng gia nữa. Mắc lỗi trên là phạm húy, mắc lỗi dưới là khiếm tị. Nhắc đến những chữ đế, chữ vương mà không viết riêng ra, nâng lên dòng trên là bất kính. Đặt chữ không tao nhã bên cạnh những từ chỉ vua chúa là tội khiếm trang. Giấy làm bài thi đã đóng dấu sẵn, nhưng sau khi chép đề phải viết được hai dòng, rồi đi lấy thêm dấu nữa. Chung quanh chỗ đóng dấu, cấm không được đồ, di, câu, cải (xóa, chữa, chua thêm). Vi phạm qui tắc ấy là mắc lỗi thiệp tích. Chữ trong bài phải viết kép, nếu viết đơn là mắc lỗi bạch tự. Viết không đủ quyển là lỗi bất túc, để giấy trắng là lỗi duệ bạch, v.v…
Với tất cả những ràng buộc khó khăn như vậy, mà các thí sinh suốt mấy thế hệ đã vượt qua, lại tỏ ra xuất sắc đạt được thành tựu cao thì quả là tài tình. Có thể cũng có những ông nghè, ông cử nhờ có cơ may nào đó mà đỗ được, chứ không phải có thực tài, cũng có những người tuy đỗ đạt nhưng cũng không phải là tay thực sự có bản lĩnh. Người ta cũng đã từng chê trách những “tú tài bất tri thiên hạ sự”, hoặc những ông giám khảo lơ mơ: “Văn như tương nát Tạ khuyên dồn, v.v… Nhưng đó là số ít. Đại đa số tất phải những người có thực học, nhất là các vị đỗ đại khoa, các vị ở bậc Tam Khôi, Tam Giáp. Và quả thực, qua tiến trình lịch sử, những người đỗ đạt các học vị cao như vậy, đã có những đóng góp nhất định, không thể xem thường.
SẢN PHẨM CỦA BÔNG MAY
Bông May chuyên cung cấp chổi chà giá rẻ
Cung cấp cây lau nhà giá sỉ (xuất VAT)
Các loại bao tay cao su phổ biến và cách sản xuất
Cung cấp chổi cỏ vệ sinh trường học – Giá đặc biệt
Cung cấp chổi quét sân trường học – giá rẻ nhất
Bán chiếu cói giá sỉ đủ kích thước (Xuất VAT)
Cung cấp chổi quét nhà cho công ty văn phòng phẩm
Cung cấp sọt nhựa tròn, bầu, vuông Duy Tân giá sỉ (Xuất VAT)
Mua chổi đót quét nhà giá rẻ ở đâu?
BÀI VIẾT HAY
Quy trình sản xuất chổi bông cỏ (Chổi đót)
Th8
Cách xưng hô và thứ bậc trong gia tộc và xã hội Việt Nam xưa
Th6
Làm thế nào để giữ cuộc sống luôn khỏe mạnh và tích cực
Th1
Lịch sử di cư, chính trị và đời sống của Việt kiều tại Thái Lan
Th8
Thực phẩm giúp phòng bệnh và tăng cường sức khỏe
Th8
Một số phong tục Tết Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân
Th11
Người cao tuổi nên kiêng gì để giữ sức khỏe tốt
Th1
Làng quê truyền thống Bắc bộ mang những đặc điểm gì?
Th11
Đạo nghĩa vợ chồng trong câu hò miền nam
Th6
Cô lái đò suối
Th10