Lịch sử di cư, chính trị và đời sống của Việt kiều tại Thái Lan

viet kieu tai thai lan

ĐÔNG TÙNG

Trích trong Tập San Sử Địa 16, số hóa bởi Tv4u.org

L.T.S. : Tác giả là cựu Sinh viên Trường Võ bị Hoàng Phố – năm 1928 sang Thái Lan hoạt động cách mạng, bị chính quyền Thái bắt giao cho Pháp năm 1933. Sau 1945 tác giả trở sang Thái một lần nữa, đến năm 1953 quay về Việt Nam.

Những bài của tác giả viết trong Sử Địa số này có tính cách hồi ký lịch sử hơn là hình thức biên khảo. Chúng tôi hy vọng những tài liệu này đóng góp phần nào cho nền Sử học nước nhà.

Phụ nữ Việt kiều đón tiếp đương kim Hoàng Thái hậu Thái Lan. Ảnh của Đào văn Tám
Phụ nữ Việt kiều đón tiếp đương kim Hoàng Thái hậu Thái Lan. Ảnh của Đào văn Tám

Vấn đề nắm số lượng Việt kiều ở Thái Lan

Nói đến lực lượng phải nói đến con số (số lượng) mà thực ra con số của Việt kiều ở Thái Lan (Thailand), là một con số mà người ta rất khó nắm được, ngoại trừ những tổ chức cách mạng của Việt kiều ở bên đó.

Vấn đề số lượng của Việt kiều ở Thái Lan, đã làm cho chính quyền nước Thái cũng như chính quyền thống trị thực dân Pháp ở Đông dương trước đây, không làm sao nắm được một con số tạm cho là đúng được. Lý do vì :

1. Việt kiều ở Thái Lan hầu hết đều có hoạt động chính trị nên họ không muốn cho Lãnh sự Pháp ở Thái cũng như Chính phủ Thái nắm hoàn toàn được con số cũng như lý lịch từng người một của họ, lỡ khi bị thực dân Pháp giao thiệp bắt bớ họ.

2. Cái “Việt Nam vong quốc tịch” Việt kiều ở Thái không khi nào lại muốn ở trong ấy. Vì những câu “Xào Mương Khữn” và “Keo, Duồn, khầu, nậm” mỗi khi phải lọt vào tai là lòng đau như cắt.

Vì những lẽ trên, nên khi họ tới Thái Lan, họ cố học cho bằng được tiếng và chữ Thái, họ cố cày cục làm sao, được làm dân Thái Lan, về pháp lý không phải là người Việt Nam dưới quyền thống trị Pháp, tiếng Thái gọi là : “Dụ tậy bằng khắp, xả dám, mạy kiệu cặp Phà lặng”.

Tôi nói thế không có nghĩa là bảo : “Việt kiều ở Thái Lan vong bản mà có những hành động đó mà thiệt ra họ là những người hoạt động chính trị, chính trị cứu quốc, nên đã sẵn có những chủ trương phòng gian bảo mật cho từng cá nhân, cũng như tổ chức, cơ sở hội đoàn cách mạng”.

Với việc tìm số lượng Việt kiều ở Thái Lan, trước đây Lãnh sự Pháp ở Thái, mấy địa phương như : Bang kok, Xiêng may, Oubon đâu đâu cũng đã tốn bao nhiêu công phu, giấy tờ, tiền bạc, nhưng vẫn không đem lại được một kết quả nào như họ mong muốn cả.

Cho đến nỗi chính quyền thống trị Pháp ở Đông dương phải điều đình với chính quyền Thái thời bấy giờ đặt ra thể lệ : “Một Việt kiều ở Thái có giấy chứng nhận của Tòa Lãnh sự Pháp ở Thái cấp được coi như một người dân chính quốc Pháp, được hưởng trị ngoại Pháp quyền, như một người dân Tây”, nghĩa là khi phạm pháp Chính phủ Thái không có quyền bắt, nếu chưa có sự đồng ý của Lãnh sự Pháp, ưu đãi hơn nữa là mỗi năm không phải nộp 4 bạt (đồng bạc Thái) tiền sưu cho nhà nước Thái, đó là thể lệ chung cho cả dân Thái và ngoại kiều (trừ Âu kiều).

Thế nhưng, những thủ đoạn phỉnh phờ ấy, Việt kiều ở Thái Lan không bao giờ họ mắc, vì họ là những người hoạt động chính trị đủ trí khôn để nhận định rằng : Không nên vì quyền lợi nhỏ nhen và trước mắt, mà tự đút đầu vào cái “thòng lọng” của kẻ tử thù. Nhận giấy của thực dân Pháp, khác nào tự đưa chân vào xiếng xích của họ, để rồi họ muốn làm gì thì làm, khi mình có những hành động thương yêu tổ quốc Việt Nam.

Năm 1945, nhân dân Việt Nam nổi dậy làm cách mạng, nhưng vì lòng tham của thực dân Pháp nên trở lại Đông dương gây chiến tranh tái chiếm thuộc địa, người Pháp tự đẻ ra một thứ chính quyền do Bảo Đại cầm đầu mang chiêu bài “Quốc gia Việt Nam”. Thế rồi Bảo Đại cử Đại sứ đi qua Thái Lan phủ dụ Việt kiều ở Thái theo Bảo Đại hay nói đúng hơn là theo Pháp.

Nhưng Ông Đại sứ T. bước chân lên đất Thái, mặc dầu được Pháp giới thiệu tâng bốc, cũng như Chính phủ Thái thời bấy giờ là Phi boun Xongram và tướng Phao chỉ huy trưởng Công an Cảnh sát Thái Lan hết sức giúp đỡ bằng mọi phương tiện. Thế nhưng vẫn bị Việt kiều ở Thái tẩy chay lên án.

Đã mấy lần Ông Đại sứ T. được nguyên Thủ tướng Thái Phi boun Xongram và tướng Phao cũng như chính quyền địa phương ở bên Thái triệt để giúp đỡ, bày ra những trò kinh lý, ra mắt kiều bào của vị “Đại sứ Chính phủ Quốc gia Việt Nam” ở những địa phương có Việt kiều đông nhất có tên sau đây :

  Na khon (Lạc khôn)

  Nong khai (Nôông khai)

  Ubon (Ouboune)

  Mar keng (Mạc khẻng)

  Ou then (U thên)

  Xiêng may (Xiềng mai)

Nhưng ông T. đi tới đâu cũng đều bị thất bại.

Cũng nên nhắc lại ở đây rằng sau tạm ước Genève ra đời, con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam rẽ vào một khúc ngoặt, thì những tổ chức và hoạt động cách mạng của Việt kiều ở Thái Lan cũng phải ngoặt theo, đó là nội dung của những bài sau mà chúng tôi sẽ lần lượt trình bày cùng các bạn đọc.

Ai là người nắm được số lượng chính xác của Việt kiều ở Thái Lan?

Sự thực số lượng Việt kiều ở Thái Lan, thì chỉ có những tổ chức cách mạng ở đây mới hòng nắm được chính xác rành mạch : Căn cứ danh sách các hội, đoàn viên của các đoàn thể Việt kiều như : hội Thân ái, hội Thanh niên, Phụ nữ, Thiếu niên Nhi đồng, Hợp tác, Giao tác, Tương trợ v.v… Vào khoảng năm 1928 là 52.000 người, con số này được nói trong bài “Nhịp kèn thân ái” đăng tải trên tờ báo “Thân ái” của một cơ quan tuyên truyền cổ động cách mạng của Việt kiều ở Thái xuất bản ở Bạn Noong Bùa thuộc tỉnh Oudonne vào khoảng năm 1928.

“…Hởi gần xa kiều bào năm vạn,

Cánh bèo trôi chiếc nhạn lạc đàn…

Nhưng từ khi thế chiến thứ II bộc phát, ở Đông dương có những sự đảo lộn, nào là Xiêm Pháp tranh chấp biên giới xẩy ra chiến tranh năm 1940. Nào là cuộc chiến tranh cứu quốc tự vệ của 3 dân tộc Việt, Miên, Lào, gặp lực lượng xâm lăng của thực dân Pháp năm 1946 1954, qua những sự kiện biến động ấy, số Việt kiều ở Thái Lan lại có phần tăng lên, theo một tài liệu gần đây cho biết, thì con số Việt kiều ở Thái Lan hiện nay có độ trên 6 vạn người.

Người Việt Nam qua Thái Lan vào những thời kỳ nào?

Theo những tài liệu, báo chí của các tổ chức cách mạng ở Thái Lan như báo Đồng thanh (báo Thân ái) xuất bản ở Phi Chịt, báo Tiếng chuông xuất bản ở Nakhonphanom, báo Đại chúng xuất bản ở Oudonne Thani, báo Lao khổ 6 xuất bản ở Sakhounakhon. Đại quan chia làm mấy thời kỳ sau đây :

Thời kỳ thứ I (1820 1885)

Đây là thời kỳ người Công giáo Việt Nam đi theo các Giáo sĩ Pháp và bản địa tỵ nạn qua Thái Lan, khi Pháp chưa thôn tính xong Việt Nam, đạo Gia tô bị các vua nhà Nguyễn : Minh mạng, Thiệu trị, Tự đức ; nhất là Tự đức khủng bố tàn sát.

Đây là một vấn đề xưa nay đã có những nhận xét dị biệt :

  Theo cuốn “Việt sử cánh” của Hoàng cao Khải thì nhận định rằng : “Thiệt là một chủ trương sai lầm rất tai hại của các vua quan nhà Nguyễn”. Khải đã mô tả bằng bốn chữ Hán “Vịt thát kha ngư” (đuổi cá cho rái) nghĩa là vua quan nhà Nguyễn đã hành động vô chính trị ấy đã đuổi đồng bào Công giáo Việt Nam chạy theo thực dân Pháp, khác nào đuổi cá về với rái.

  Lại cũng có nhiều kẻ cho rằng : Vì chính sách cấm đạo Gia tô của Minh mạng và Tự đức cũng như những vị Văn thân Cần vương kế tiếp, với phong trào “bình Tây sát tả” nên đã tạo điều kiện cho thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam.

Chúng tôi thấy rằng, nhận định như vậy tuy có đúng phần nào, nhưng chỉ mới là phần “quả” mà chưa tìm tới được phần “nhân”, nghĩa là chỉ mới thấy được cái hiện tại mà chưa tìm tới được cái nguyên nhân sâu xa của nó.

Nguyên nhân sâu xa ấy là :

  Nước Việt Nam sống với ý thức hệ “Tam giáo” (Khổng, Phật, Lão) đồng nguyên hàng hai chục thế kỷ, nên khi tiền nhân chúng ta được đọc bài giảng 8 ngày của Giáo sĩ A lếc dăng đờ rốt, làm sao tránh khỏi sự hoang mang giao động trong tinh thần, lòng ái quốc, cộng thêm lòng ái giáo cổ truyền, khó mà tránh khỏi những hành động điên cuồng vô chính trị ấy :

Nếu để Tây dương đắc chí,

Ngũ kinh không khỏi lửa Tần.

Bằng cho giặc pháp hoành hành,

Thập ác ắt treo cửa Phật”.

  Lại có kẻ nói rằng : vua quan Việt Nam lúc đó, vì chấp mê thủ cựu, không biết phân biệt. Thực dân cướp nước là một chuyện, mà giáo sĩ giáo dân lại là một chuyện khác. Nhưng ác hại thay trên thực tế hai mươi mấy năm đánh chiếm và bình định Việt Nam của thực dân Pháp, cũng như 80 năm cách mạng và 9 năm kháng chiến chống Pháp, thì lại không phải là “một chuyện khác” cho.

Và nếu chúng ta biết nhìn xa ra thế giới hay xét kỹ trong lịch sử, cuộc Thánh chiến kéo dài hằng thế kỷ ở Tây phương là gì ? Nếu không phải là vì ý thức hệ hay tôn giáo!

Cũng như ông Hồ hữu Tường vừa nói : “Nhân loại đã, đang và sẽ giết nhau bằng những cái “isne” nhiều hơn là khí giới, kể cả bom nguyên tử”.

Trở lại vấn đề, Việt kiều qua Thái Lan vào thời kỳ thứ I.

Người Việt qua Thái Lan vào thời kỳ này hầu hết là những giáo dân theo giáo sĩ Pháp và bản địa.

Khi tới đất Thái Lan họ thiết lập những giáo khu rộng lớn sau đây :

I. Giáo khu Ban Noóng Xéng thuộc tỉnh Nakhonphanom (đối diện bên kia sông Mékong và tỉnh Thakkek : Lào). Ở đây là một hạt lớn gồm nhiều xứ, nhiều họ, đứng đầu là Linh mục quản hạt người Pháp.

Thái Lan là một nước lấy đạo Phật làm quốc giáo, cho nên số Việt kiều Công giáo ở đây, người Thái có những kỳ thị sâu kín, vừa ghét nhưng lại vừa sợ, sợ vì Pháp mạnh Thái yếu, vì họ có quan niệm cho là giáo dân ở đó là người của Pháp.

2. Giáo khu “Bạn Thà Hẹ”, từ biên giới Nakhonphanom đi sâu vào nội địa Thái 97 cây số, tới một địa phương gọi là Bạn Thà Hẹ, thuộc tỉnh Sakonnakhon. Ở đây người ta cũng thiết lập một giáo khu rộng lớn, đứng đầu là một vị Giám mục người Pháp.

3. Bạn Thà, thuộc tỉnh Oubon, cũng là giáo khu có độ 500 gia đình giáo dân, thành một xứ, cũng một vị Linh mục người Pháp cai quản.

4. Bạn Thèn ở Xiêng Mác, cũng có một giáo khu rộng lớn, giáo dân ở đây hầu hết là người Bắc kỳ.

5. Bạn Xám Xến, trong phạm vi thủ đô Vọng các. Đây cũng là một giáo khu lớn, gồm hàng ngàn giáo dân.

Nói chung, tất cả các giáo dân Việt ở trên đất Thái Lan rất được chính phủ Pháp tin cậy, vì các phong trào cách mạng kháng Pháp từ Cần vương, Đông du Quang phục cho tới cận đại. Những giáo khu này, chưa từng xẩy ra một việc gì đáng tiếc đối với Đại Pháp cả. Thì bảo họ không tin cậy sao được.

Thời kỳ thứ II (1885 -1897)

Ngày 23 tháng 5 năm Ất dậu (1885) do Ngự quân Đô thống Tôn thất Thuyết, tổ chức cuộc tổng phản công đánh lại quân Pháp ở Huế, định khôi phục lại kinh đô. Không ngờ đại cuộc ấy thất bại, vua Hàm nghi phải chạy ra Quảng trị, Quảng bình và Hà tĩnh, hạ chiếu Cần vương. Từ đó, từ Nam chí Bắc, các nghĩa quân, nghĩa dân, xiết chặt hàng ngũ dưới cờ các vị Văn thân Cần vương nổi dậy kháng Pháp khắp nơi.

Tất cả cuộc khởi nghĩa trên đều nhằm một mục đích đánh Tây, giúp vua, cứu nước, bằng tinh lực nhiều hơn nhục lực, khí phách nhiều hơn khí giới. Võ công đáng kể nhất là Phan đình Phùng ở Vũ quang, Đinh công Tráng ở Ba đình, Nguyễn thiện Thuật ở Bãi sậy, Hoàng hoa Thám ở Yên thế.

Tuy nhiên những cuộc Văn thân khởi nghĩa nói trên, lần lượt bị Pháp phá vỡ, mỗi một khi chiến khu bị phá vỡ, ngoài một số tướng lãnh và nghĩa quân phải hy sinh, còn một số khác sống sót, cương quyết không chịu đầu hàng giặc, họ cùng nhau vượt núi băng ngàn xuyên qua Miên, Lào, vượt Cửu long sang đất Thái, có kẻ để tiếp tục sự nghiệp cách mạng đánh giặc cứu nước, trường hợp Đề Đạt – một tướng lãnh của Phan đình Phùng cùng một số nghĩa quân lập chiến khu ở Bạn Na Ngua thuộc tỉnh Sakonnakhon là một ví dụ.

Nhưng đa số thì họ không thể để cho quân thù hành hạ khinh khi, thà là làm một người dân lưu ly vong quốc.

Lớp người này hiện đã có cháu chắt ở bên ấy.

Tuy nhiên đây cũng là một yếu tố làm cho cơ sở cách mạng của Việt kiều ở Thái Lan có một truyền thống vững vàng phong phú. Chứng cớ là tướng lãnh kháng chiến Hoàng Sâm, Hoàng Nhiên là con Ông Mẹt Cặc, là một vệ sĩ của Lê Trực, một lãnh tụ Cần vương Quảng bình, sau khi bỏ trốn qua Thái Lan, lập gia đình ở Sakonnakhon rồi đẻ họ ra đó.

Lại cũng như Trần chính Quốc, tức Xền tếc Coong, con trai ông Trần chánh Tuấn, một thủ hạ của Phan đình Phùng, sau khi Vũ quang tan rã, bỏ qua Xiêm lấy vợ và sinh con.

Lại như anh Võ trọng Nguyên, con Ông Võ trọng Đài, một nhà tiền bối cách mạng, lập gia đình ở Xiêm rồi đẻ ra, Nguyên là Trung đoàn Trưởng của Trung đoàn Cửu long năm 1946 từ Thái Lan kéo quân về đánh Pháp ở Nam bộ.

Thời kỳ thứ III Việt kiều ở lào tỵ nạn qua Thái Lan vì cuộc chiến tranh biên giới Lào Thái

Năm 1939, thế chiến thứ II bộc phát, đế quốc Pháp bị Đức quốc xã đánh bại, ngày I5 6 1940 phải ký một thỏa ước đình chiến với 25 điều khoản cực kỳ nhục nhã. Chính phủ Vicky do Pétain đứng đầu, chỉ là cái tổ chức bù nhìn không hơn, không kém. Ở Đông dương sau mấy quả bom Nhật thả xuống Hải phòng và Lạng sơn. Toàn quyền Đông dương Catroux bỏ chạy, Pháp cho Decoux sang thay thế. Vì yếu thế, Decoux phải ký nhận cho quân đội Phù tang tràn vào, lại một bù nhìn thứ hai nữa ở Đông dương.

Nhè vào chỗ eo đó, Thái Lan – một nước cũng chẳng nước non gì, nhưng Phi bun Xông khơ Ram, Thủ tướng Thái Lan hồi đó là một tay chính trị đầu cơ khét tiếng, đã chạy theo phe trục. Năm 1940, cáo dựa hơi hùm, Thái Lan hung hăng đòi lại 2 tỉnh (Bassac và Paklay) mà trước đây Pháp cũng đã dùng cái lý của kẻ mạnh, cái lý của con chó sói của văn hào Lã phụng Tiên cho đứng bên bờ suối với con cừu non, để bắt ép Thái Lan, phải ký nhượng cho mình.

Đầu tiên Toàn quyền Đông dương Decoux không chịu, nên Thái Lan đã gây chiến ở những địa phương giáp giới Lào Thái như : Paksé, Tha Khek, Xa văn na khek, Vientiane v.v… Cuối cùng Pháp phải cúi đầu trả lại 2 tỉnh ấy cho Thái Lan.

Cuộc chiến tranh Pháp Thái tuy chỉ mới bằng không quân, nhưng cũng khá ác liệt. Vì thế cho nên những địa phương giáp giới nói trên, là những nơi có Việt kiều ở Lào đông nhất phải bỏ chạy tỵ nạn chiến tranh của Thái, mà tác giả gọi là thời kỳ thứ III.

Để cho độc giả dễ nắm vấn đề vào những chương sau, nhân nhắc tới một sự kiện lịch sử trên cũng nên nhắc lại ở đây những sự kiện lịch sử khác, nó liên quan tới vấn đề Việt kiều ở Thái Lan, cũng như ở Lào. Những sự kiện lịch sử ấy là :

I. Nước Lào về đời thượng cổ đã bị Thái Lan dùng vũ lực cắt xén địa phận như thế nào ?

2. Đế quốc Pháp đã dùng cách gì để bắt buộc Thái Lan nhường cho họ 2 tỉnh nói trên để phụ vào bản đồ Đông dương vào năm 1940. Thái Lan đã đòi lại như thế nào, và sau thế chiến thứ II Pháp trở lại tái chiếm đất Lào đã đỡ đầu cho Chính phủ Hoàng gia Ai Lao, một lần nữa đòi lại 2 tỉnh nầy (lần nầy nhờ Mỹ điều đình với Chính phủ Thái) như thế nào ?

Có nắm được 2 vấn đề trên, mới hiểu được tình trạng Việt kiều ở Thái.

Nước Lào về đời thượng cổ đã bị Thái Lan hiếp đáp như thế nào?

Thời thượng cổ, nước Lào gọi là Lán xang, là một nước rộng lớn, diện tích 2/5 bên kia sông Cửu long bị Thái Lan chiếm đoạt gọi là “Laos Siamois gồm 2 tỉnh Koat và Udon” và 3/5 bên này Cửu long, hiện là II tỉnh của nước Lào hiện tại.

Đầu thế kỷ 17 (1711 – 1713), nước Lán xang bị quân đội Thái Lan sang gây hấn, vì yếu thế, nên vua Lào là Oun Kham phải cắt địa phận. Từ bên kia sông Cửu long nhượng cho Thái, nay là 2 tỉnh Korat và Udon, diện tích gần nửa nước Thái.

Chưa thôi, năm 1778, nước Lào lại bị một tướng Thái Lan, Chau Mahak Rassad Souk, kéo quân vượt qua Cửu long tàn phá kinh thành và cướp mất tượng Phật bằng ngọc xanh.

Trước cảnh giang sơn nguy biến, tổ quốc trầm luân, một nhà ái quốc Lào tên là Chao Auon chiêu mộ nghĩa quân, mua sắm binh khí và cùng toàn thể nhân dân Lào nhất tề đứng dậy đánh đuổi quân xăm lăng. Trận giặc đánh đuổi quân xâm lăng Thái Lan của Lào vào khoảng năm 1828, Việt Nam có kéo quân sang giúp nước bạn.

Trận này tuy Lào thắng, nhưng cuối cùng chỉ đuổi được quân Thái Lan qua bên kia sông Cửu long, rồi lại cứ lấy Cửu long làm ranh giới Lào Thái, chứ không lấy được vùng rộng lớn là Korat và Udon mà Thái Lan đã cướp đi từ trước.

Cho mãi tới bây giờ Korat và Udon tuy 2 tỉnh thuộc Thái đã lâu đời, nhưng dân tình phong tục của 2 tỉnh nầy vẫn khác xa với dân Thái chính cống, cho đến tiếng nói và văn tự ở đây vẫn cứ dùng chữ và tiếng Lào. Người ta bảo rằng : Chữ Thái Lan do chữ Lào biến thể. Khu vực này nhân dân vẫn dùng tiếng Lào, còn tiếng Thái Lan ngoại trừ trường hợp công sở mà công chức là người Thái chính cống thì mới dùng.

Ví dụ : tiếng nói “ăn cơm” ở đây người ta vẫn nói tiếng Lào là “Kin khầu” chứ không nói tiếng Thái “rắp phả thàn à hán”. Hay là : hai mươi, Lào gọi là “Xao” trái lại Thái Lan kêu bằng “dĩ xịp”, bố mẹ Thái gọi là “Bịt đà, màn đà” mà ở đây người ta vẫn gọi là “phọ, mẹ” như Lào. Ai nói tiếng Thái Lan, bị người bản xứ cho là người vong bản, khả ố.

Nói tóm lại, mặc dầu ở dưới quyền thống trị của Thái Lan hàng mấy thế kỷ, cũng được xem như là đã hỗn hóa, nhưng nhân dân Lào ở vùng Laos Siamois này, họ vẫn giữ được căn bản nòi giống Lào của họ.

Vùng này rất rộng lớn, lại ở mé sông Cửu long, đất đai rộng rãi phì nhiêu, lại chưa khai khẩn, vì số dân cư thưa thớt, nên sự sinh hoạt rất dễ dàng, lại vì điều kiện địa dư tiếp giáp với Lào, nên khi cuộc chiến tranh Pháp Thái xẩy ra, là hầu hết Việt kiều ở Lào, đều vượt Cửu long tỵ nạn sang Thái Lan đều ở trong khu vực này.

Văn hóa Việt Nam:
Lịch sử khoa cử Việt Nam
Thể lệ thi võ thời nhà Nguyễn

Thời kỳ thứ IV (1946) Việt kiều ở lào lại tỵ nạn qua thái vì cuộc chiến tranh tái chiếm đông dương của thực dân pháp

Sau thế chiến thứ II kết liễu, phong trào giải phóng dân tộc ở Đông dương sôi nổi hơn hết thảy, thì nước Lào cũng cùng chung một hoàn cảnh lịch sử ấy. Thế nhưng vì sự ngoan cố của thực dân Pháp quay lại gây chiến tranh tái chiếm thuộc địa ở Đông dương trong đó có cả Lào. Sau cuộc chiến tranh Pháp Lào xẩy ra ác liệt, thì những Việt kiều ở Lào, về nước không được, vì các đường giao thông bị Pháp chận hết, bí thế, lại một lần nữa họ phải bỏ trốn qua Thái Lan, nên ta có thể cho rằng, đây là thời kỳ thứ IV.

Nhưng để hiểu sự kiện lịch sử này một cách thấu đáo, chúng ta không thể bỏ qua những giòng lịch sử : Lào và Pháp, Lào và Thái Lan đều có những tương quan lịch sử mật thiết với nhau cả.

Trước hết, chúng ta hãy trở ngược lại giòng lịch sử :

Trong cuốn sách “Neo thang pả tỹ vắt Lào” (Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Lào) cuốn sách viết bằng chữ Lào, do quân đội giải phóng Lào xuất bản, trong đó tác giả kể rõ thế này : “…Sau bao năm rình mò theo dõi, Pháp nhất định cướp Việt, Mên, Lào làm thuộc địa. Sự có mặt của bọn cướp nước da trắng trên đất Lào là bắt đầu từ 1807, do phái bộ Auguste Pavie đặt chân lên đất Lào, để khai mào cho công việc cướp nước”.

Cũng như Việt Nam, mà còn yếu hơn nữa, qua những cuộc kháng chiến có thể nói là lẹt đẹt, của quân đội Hoàng gia và nghĩa dân Lào, trước sức súng đông, hung bạo của bọn thực dân Pháp, nhà vua Lào phải cúi đầu ký một hiệp ước bóp cổ thừa nhận sự bảo hộ của Pháp tại Vientiane năm 1893. Nhục nhã hơn nữa, nước Lào không được Pháp công nhận nguyên là một quốc gia, mà chỉ được làm một xứ, trong 5 xứ thuộc địa của Pháp ở Đông dương. Chính vì chỗ nhục nhã đó mà trong thi ca cách mạng Lào, có những câu :

Phị nọng thăng lái phuộc Lao hàu
Xá mắc khì căn luột lêu khầu
Tọ tạn Phà lăng hạy tái mất
Tẹ hàu, hàu mái phưng tua hàu”.

Chúng tôi tạm dịch :

Anh em thống khổ nước Lào ta
Đoàn kết cùng nhau lại để mà
Tung gươm giết sạch loài Tây trắng
Tự ta, ta cứu lấy mình ta.

Hay là :

Phe xí đeng âu tẹng crachốc
Khuôn Lào ruôm khôộc, tọng khốp khít căn.

Tạm dịch :

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người Lào một họ phải thương nhau cùng.

Tháng 8 năm 1945, sau khi quân đội Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, cũng như ở Việt Nam, nhân dân Lào xiết chặt hàng ngũ xung quanh mặt trận “Tự do Lào” (Neo Lào Issara) với sự giúp đỡ của sư đoàn 93 của quân đội Trung hoa Dân quốc, khi họ đại diện Đồng minh đổ độ lên đất Lào để tước khí giới Nhật, một Chính phủ Lào được thành lập ở Vientiane do nhà chân chính ái quốc Hoàng thân Pethsarath lãnh đạo. Khi công cuộc nội bộ chưa được kiện toàn thì quân đội Trung hoa rút khỏi Ai lao, khiến cho tình thế Lào trở nên nguy ngập, vì lòng tham lam của thực dân Pháp chúng nhất định trở lại chiếm đất Lào lần nữa.

Thoạt kỳ thủy là tháng giêng năm 1945 “Phủ Cao ủy” Pháp tới đóng ở Paksé (Hạ Lào) rồi quân đội thực dân Pháp cứ lần lượt chiếm các thị trấn :

  Ngày 17 3 1946 chiếm Savanakhek.

  Ngày 21 3 1946 chiếm Thakhet.

  Ngày 25 4 1946 chiếm Vientiane.

  Ngày 13 5 1946 chiếm Luang Prabang.

  Ngày 4 6 1946 chiếm Sầm nứa.

  Ngày 21 6 1946 chiếm Phong Saly.

Khi người Pháp tới đánh chiếm nơi nào, thì bộ đội du kích của Mặt trận Giải phóng Lào cũng đều có kháng cự, nhưng vì sức quá non yếu, nhân dân Lào lại chưa thấm nhuần được đường lối chiến tranh nhân dân, nên không tài nào mà đương đầu nổi quân đội hung hãn của thực dân Pháp, nên họ tới đâu là phải bỏ chạy hay đầu hàng tới đó.

Cuối cùng Chính phủ Pethsarath phải lưu vong sang Bangkok, kinh đô Thái Lan.

Trong những cuộc chiến tranh càn quét ở Lào, Việt kiều ở Lào vô cùng nguy khốn, hễ quân đội thực dân thấy mặt một người Việt, đều cho là Việt minh Cộng sản, họ chém giết không gớm tay. Trước bước đường cùng đó, chỉ có một cách là bỏ trốn sang Thái Lan để tìm cái sống.

Việt kiều ở Thái Lan cư trú ở những địa phương nào ?

Nước Thái Lan gồm có 10 tỉnh. Như những chương trên đã nói 2 tỉnh giáp Cửu long và Kho rạt (Korat) và Oudonne (Udon) là lớn nhất, diện tích 2 tỉnh này chiếm 2/5 nước Thái, thuộc khu vực “Laos Siamois” vì điều kiện địa dư tiếp giáp, sinh hoạt 2 tỉnh này lại dễ dàng nên Việt kiều hầu hết ở trong 2 tỉnh này, thuộc những phủ huyện có tên sau đây :

Phủ Na khon (La khon), huyện Ủ thền (Houthène), phủ Sakhon (Sakon), huyện Cum phu va pi (Sounfvapit), Phủ Nôông khai (Nong khai), Huyện Bạn hắn (Bang hèn), phủ Khón kèn (Khon khen), huyện Thà bọ (Ta bot), phủ Mương lơi (Loeui), huyện Phăn ra na (Fanranat), huyện Phà nôm (Phanonte), huyện Na ke (Nakés), huyện Mường mục (Mouk), huyện Ăm phơ phôn (Fol), huyện Nôông hán (Nonhan). Những phủ huyện này thuộc tỉnh U don (Ou donne) mà có Việt kiều cư trú nhiều, còn có đơn vị tổ chức đoàn thể cách mạng.

Và : Phủ U bôn (Ou bonne) phủ Roi ết (Roet), phủ Xa là kham (Sarakam) phủ Xí xá kệt (Sisaket), phủ Ca la xín (Kala sin), huyện Khếm ma rạt (Kemmarat), huyện Ăn phơ bùng (Boung), huyện Khủ lủ (Koulus), huyện Phi mun (Phimoun), huyện Bùa dạy (Bouzat). Những phủ huyện này thuộc tỉnh Khô rạt có Việt kiều cư trú nhiều, cũng đều có đơn vị tổ chức đoàn thể cách mạng.

Ngoài những địa phương nói trên, chỉ rải rác ở mấy tỉnh Par nam phô (Parnamfot), Phi chit (Fichit) và Xiêng mai (Ciengmay) thuộc Tây Bắc Thái Lan có một số ít.

Chính giữa thủ đô Vọng các Việt kiều lại ít hơn, vì Vọng các là thủ đô Thái Lan có bến tàu từ ngoại quốc tới.

Để đối phó với mọi tổ chức cách mạng Việt Nam ở Thái Lan và Trung hoa, ở Vọng các Pháp đặt Lãnh sự và rải mật thám như rươi, tên trùm mật thám Đỗ Hùng được Pháp gởi đi học khóa mật thám ở Anh những 5 năm, rồi mang về đặt sẵn ở đây.

Những Việt kiều ở Vọng các, phải là những kẻ đi theo với thực dân và phong kiến, hay ít nhất cũng không hoạt động cách mạng, thì mới dám ở. Đó là tôi nói tình trạng khi mà N.K.T. còn làm Đại sứ cho chính quyền Bảo Đại trở về trước.

Vì cửa bể Vọng các là tất do chi lộ, nên nó đã biến thành nơi chôn bao nhà ái quốc chí sĩ Việt Nam.

Cụ Tăng bạt Hổ, Mai lão Bạng, Lưu khai Hồng, Đặng thái Thuyên tức Cảnh Tân (con ông Ngư Hải) Lê Đại, Xin tếc côông tức Ngô chính Quốc, Đặng tử Mận, Bùi chính Lộ, là những chiến sĩ trong mấy phong trào Đông du, Quang phục, Thanh niên, đều bị rơi vào cạm bẫy của đế quốc Pháp ở Vọng các.

Năm 1911 Phan sào Nam cũng suýt nữa bị bắt ở đây.

Trong cuốn “Tự phán” là một cuốn ký sự chép theo niên biểu của nhà ái quốc chí sĩ Phan sào Nam, Cụ viết rằng : “Vọng các là một hang hùm, ổ rắn độc của chúng ta.”

Vậy những Việt kiều ở Thái và Tàu, đối với thủ đô Vọng các họ có quan niệm coi như hang hùm vực sâu.

Mỗi khi họ có công việc cần, mà họ phải tới, hay đi qua Vọng các họ có cảm tưởng như phải sờ vào lông mũi sư tử.

Đã biết cẩn thận như thế mà người viết bài này, vẫn bị tên Đỗ Hùng trùm mật thám Pháp ở Vọng các “chụp” được vào khoảng năm 1933.

Những địa phương (dấu gạch dít) có kiều bào Việt Nam trú ngụ trên đất Thái Lan
Những địa phương (dấu gạch dít) có kiều bào Việt Nam trú ngụ trên đất Thái Lan (hình trích trong tạp chí France – Asie số I48 phát hành tháng 9 năm 1958 tại Saigon)

Bài viết được tổng hợp bởi Chổi và dụng cụ vệ sinh Bông May, chúng tôi chuyên cung cấp ky rác nhựa giá sỉ xuất VAT

Nghề nghiệp, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, xã hội của Việt kiều ở Thái Lan

Để tiện việc trà trộn vào nhân dân bản xứ, cho mật thám Pháp khỏi rình mò theo dõi, Việt kiều ở Thái Lan không mang tính chất kiều dân, họ cố làm cho in đúc những người bản xứ, ăn bận, nói phô, tập quán, phong tục, một người lạ khó biết được họ là Thái hay Việt.

Do đó, sinh hoạt họ cũng không làm một nghề nghiệp nào nhất định. Ngoài nghề cày, làm thợ, đi buôn, ngoài việc học chữ quốc ngữ… Việt kiều cũng vào học trường Thái, ra làm kỹ sư chuyên môn, bác sĩ, các ngành quân sự, giáo dục, cảnh sát.

Bước chân vào công sở là một công chức Thái, nói phô, viết lách, thường khi người Thái phải thua xa, cái câu : “khôn duôn xã lạt” đã thành câu nói đầu miệng của người Thái.

Thì người ta không thán phục sao được, vì mỗi một trường học mà có học sinh người Việt, thì người Thái khó có thể choán được cái danh dự đầu lớp.

Đặc biệt nhất của một người, mà tiếc rằng tôi quên mất tên họ, chỉ nhớ được cái tên Thái gọi là : “Khún vi xệt” (luật sư đặc biệt), ông ta người Thừa thiên (Trung Việt), năm 1905 Ông theo Phan sào Nam qua Nhật, sau ngày bị Nhật đuổi, Ông trở về Thái, rồi tự học lấy chữ Thái và luật lệ Thái, thi đậu luật sư ở Vọng các.

Ông là một luật sư nổi tiếng nhất ở Vọng các, nên Hoàng gia nước Thái mới tặng cho ông cái tên trên.

*

Nói về tôn giáo, trừ một thiểu số kiều bào ở hai địa phương là bạn Nôông Xéng (thuộc phủ La Khou) và bạn Thà he thuộc phủ La Khou là theo Thiên chúa giáo, như những sự kiện lịch sử ở những bài trên là : Những đồng bào Công giáo này, là theo các giáo sĩ tỵ nạn “Bình Tây sát tả” của phong kiến nhà Nguyễn và Cần Vương Văn Thân.

Ngoài ra, trừ việc lo khói hương, giỗ chạp cho ông bà cha mẹ, Việt kiều ở Thái Lan không theo một tôn giáo nào khác. Thái Lan là một nước độc nhất về đạo Phật, nhưng Việt kiều lại cũng không có ai đi tu.

*

Nói về văn hóa và xã hội của Việt kiều ở Thái Lan, thì phải nói là họ tiến bộ, vì họ đều là những phần tử nằm trong các tổ chức cách mạng, họ được đoàn thể giáo dục sâu sắc.

Tôi dám cam đoan rằng, Việt kiều ở Thái Lan không có một phụ nữ làm đĩ, trừ một thiểu số kỹ nữ ở Vọng các mà các nhà chứa nhà xăm ở đấy cho người đi Hà nội, Saigon mang sang.

Việt kiều ở Thái Lan rất hiếm người mù chữ : chữ Việt cũng như chữ Thái.

Việt kiều ở đâu đâu cũng có nhà thương, trường học và nghĩa địa…

Việt kiều ở Thái có thể đánh đập kiện cáo nhau với người Thái hay ngoại kiều khác, chứ không bao giờ họ kiện cáo nhau trước chính quyền Thái.

Tôi còn nhớ có một lần ở phủ Sakhôn có một Việt kiều nguyên quán ở Quảng bình tên là Mẹt Bài và một người tên là Ba Điền nguyên quán ở Nam định (Bắc Việt), nhân một việc mất trộm, rồi tự nghi ngờ nhau, đến chửi bới rồi đi kiện ở huyện quan Thái. Việt kiều ở đây hay tin, tất cả nam phụ lão ấu kéo nhau tới cửa huyện, tìm hai người nguyên và bị cáo giải thích, thậm chí có người cảm động khóc nữa. Không chỉ vì cá nhân hai người kia mà chính vì họ cho là hai người kia làm nhục quốc thể.

Do đó Việt kiều ở Thái Lan mỗi khi có sự xích mích thì chỉ có dàn xếp với nhau trong nội bộ đoàn thể của họ, cái việc cấm kiều bào kiện cáo nhau đã thành như một đạo luật “bất thành văn” nhưng phần sắc bén không kém đạo luật “thu gươm” trong hiến pháp Nhật bản.

Theo lời Cụ Đặng thúc Hứa, một lão đồng chí của cụ Phan sào Nam kể lại, vì khi trước Việt kiều ở Thái cũng có kiện cáo nhau trước nhà cầm quyền Thái.

Thế nhưng trong bản chương trình “Quang phục hội” mà nhà chí sĩ Phan sào Nam thảo ra ở bạn Đông thầm (Phi chịt), để tổ chức kiều bào trên toàn nước Thái, ở chương kỷ luật, về khoản cấm không được chửi bới kiện cáo nhau làm nhục quốc thể, phá hoại đoàn kết giống nòi, nhà chí sĩ Sào Nam nhấn mạnh, và có khuyên anh em đồng chí cố gắng thực hiện.

Ngoài việc dùng kỷ luật để giáo dục kiều dân, Cụ Phan còn sáng tác ra nhiều thi văn để phổ biến vào trong các đoàn thể Việt kiều ở Thái, như Ái quốc ca, Ái chủng ca, Ái đoàn ca, Hợp đoàn ca và những tuồng hát bộ, hát chèo “vong quốc thảm trạng”.

Nhờ đó mà Việt kiều hiện nay đã thành thói quen, người sang trước bảo kẻ sang sau, kẻ sang sau noi gương người sang trước, họ triệt để thực hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc đó.

*

Vấn đề Giáo dục của Việt kiều ở Thái Lan có tính chất đặc biệt hơn bất cứ Kiều dân nào ở trên thế giới ; cũng hoàn toàn khác biệt với việc giáo dục của Việt kiều ở Pháp, ở Miên hay ở Lào… các trường chỉ có tính cách văn hóa phổ thông cho con cái kiều bào.

Các trường học của Việt kiều ở THÁI LAN không như thế, vì trường học của họ là cơ quan đào tạo cán bộ Cách mạng, huấn luyện cho lớp trẻ sau nầy trở thành những cán bộ Cách mạng, để tiếp tục sự nghiệp cho lớp người trước vì già nua hay vì bị ngã gục trên đường đấu tranh cách mạng.

Trên đây là chủ trương của Cụ Đặng Thúc Hứa, Cụ Hứa tự Ngọ Sanh người Nghệ An là một đồng chí của các Cụ Phan Bội Châu, Cường Để, Nguyễn Thượng Hiền trong các phong trào Đông Du, Duy Tân và Quang Phục. Trước hết cụ qua Nhật, vào học trường “Khổ công học hiệu” ở Đông Kinh. Năm 1908, đám du học sinh ở Nhật bị Nhật trục xuất, Cụ được phái khiển về lãnh đạo cách mạng ở Thái Lan.

Khi về tới Thái, Cụ trông thấy đám con em Việt kiều ở Thái khá đông, Cụ liền đề ra một chủ trương mà cụ gọi là “Súc chủng đại thời” nghĩa là : “tích trữ hạt giống để chờ thời tiết đục trỉa”.

Để thực hiện chủ trương, sách lược đó cho nên những nơi nào có Việt kiều ở đông, nhưng con cái họ đều vào học trường Thái thì bây giờ Cụ vận động Việt kiều xin phép chính phủ Thái lập trường học.

Với chương trình học một buổi chữ THÁI theo chương trình giáo dục của chính phủ THÁI ; một buổi học chữ VIỆT theo chương trình của những cán bộ cách mạng bên ấy.

Chương trình Việt ngữ của các trường bên đó, ngoài tiếng Việt có dạy thêm chữ Hán, chữ Pháp. Người ta lựa chọn những người đủ trình độ, khả năng để phụ trách các lớp. Thầy dạy chữ THÁI người ta cũng lựa chọn con em của kiều bào đã tốt nghiệp các trường sư phạm bên đó.

Chúng tôi còn nhớ, câu đối liễn chữ Hán, Cụ Đặng thúc Hứa cho khắc vào 2 cột quyệt tại trường học của Việt kiều ở địa phương Sakhon nakhon như sau :

“Tại tức sinh huy, thiên hữu sơn xuyên tằng mộng Tống,

在即生輝, 天有山川曾夢宋

Thử duy dự trạch, địa vô Mân, Cảo diệc hưng Chu

此惟豫宅, 地無邠, 篙亦興周

Bài Hán văn khuyến học văn 勸學文 trích dẫn sau đây, được phổ biến tại các lớp bậc tiểu học trường Noóng Ổn tại tỉnh Oudonne, khu đông bắc Thái Lan :

Phiên âm : KHUYẾN HỌC VĂN

Học vấn nãi xã hội tiến hóa văn minh chi yêu nước, quốc dân long hưng phú thứ chi thê giai, tỉnh tâm tu thân chi đại đạo, xử kỷ tiếp vật chi lương phương, kỳ hữu ích ư xã hội nhân quần giả bất tri phàm kỷ.

Huống ngô bối quốc phá gia vong, tha hương ký tích, phàm vi quốc dân giả đương tận kỳ trách nhiệm ; dục tận kỳ trách nhiệm, phi học vấn bất khả ; phi cách mạng học vấn cánh bất khả.

Phù dị! Pháp tặc tham tàn, giã tâm tối phú, bỉ dục ngô dân chi cửu khốn, ngô chủng chi tốc vong, cố chuyên dụng tối đê trình độ giáo dục giả thụ chi, sử ngã thanh niên, anh nhuệ tinh thần, chuyển tác đồi nhu chi đặc tính, xung thiển bằng điểu, cánh vi thuần phục chi mã ngưu.

Ô hô! Quốc chi hưng vong, thị hồ thanh niên, thanh niên giáo dục, giáo dục như thử kỳ tệ, thanh niên nhữ thử kỳ ngu, tương hà dị cạnh tranh ư thế giới giả hồ! Thương hà dị phụ đảm quốc dân chi trọng trách giả hồ ?

Tạm dịch : KHUYẾN HỌC VĂN

Học vấn vốn là yếu tố căn bản cho sự tiến hóa văn minh của xã hội, là nấc thang cho quốc dân ngày càng tiến bộ thịnh vượng ; mà cũng là các đại đạo tỉnh tâm tu thân, và là phương tiện hữu hiệu trong sự xử kỷ tiếp vật. Nói khác đi, ích lợi của học vấn đối với nhân quần xã hội thật không biết bao nhiêu mà nói.

Đồng bào chúng ta, nước mất nhà tan, nương nhờ đất khách, ai nấy càng nên làm tròn trách nhiệm của mình đối với quốc gia dân tộc. Muốn làm tròn trách nhiệm, không có học vấn đã không thể được, mà không biết cách mạng trong sự học vấn thì lại càng không được nữa.

Giặc Pháp vốn là bọn tham tàn thâm độc, họ muốn cho dân ta mãi mãi trong tình trạng khốn đốn, nòi giống chúng ta càng mau tiêu diệt. Cho nên họ chỉ thực thi một trình độ giáo dục thấp kém ; mục đích làm cho tinh thần sắc bén của thanh niên chúng ta biến thành một thứ đặc tính yếu mềm, khác nào biến những con chim bằng vỡ cánh tung trời, thành những thứ ngựa trâu thuần thục.

Than ôi! Quốc gia thịnh hay suy là trông mong ở lớp thanh niên và sự giáo dục thanh niên. Ấy vậy mà việc giáo dục thanh niên tệ bại như vậy, trình độ thanh niên non kém như vậy, thử hỏi làm sao có thể cùng thế giới cạnh tranh, và làm sao đảm đương nổi gánh nặng mà quốc dân giao phó ?

khuyến học văn việt kiều tại thái lan

ĐÔNG TÙNG

Gửi phản hồi