Tổ Chức Cộng Đồng Làng Xã Việt Nam Qua Tục Ngữ Ca Dao

lang xa viet nam

Phạm Hy Sơn

Cho đến những năm gần đây, xã hội Việt Nam là xã hội nông nghiệp, đa số dân chúng sống trong những cộng đồng được tỗ chức rất qui củ gọi là làng . Từ thời xa xưa – trước khi bị Trung Hoa cai trị vào năm 111 TTL – có lẽ chỉ có hai đơn vị là làng và nước . Hai tiếng làng, nước đã luôn luôn gắn liền và ăn xâu vào tâm trí người Việt nên chúng ta thường nói “trong làng, ngoài nước” hay ” việc làng, việc nước”; không ai nói việc làng, việc huyện, việc phủ hay việc tỉnh là những đơn vị hành chánh lập ra khi người Trung Hoa xâm lăng nước ta . Họ chia nước ta thành các vùng để đặt quan cai trị gọi là Phủ, Huyện và sau này thêm tiếng Tỉnh là những tiếng xa lạ trong tâm tư người Việt . Do đó, hai tiếng “Làng, Nước” biểu hiện sự thân thiết, tương thân tương ái nên mỗi khi gặp tai họa như bị cướp bóc, cháy chóc, đánh đập . . . người ta nghĩ ngay đến sự cứu giúp hay sự an ủi của “làng nước ” :

– Ối làng nước ôi cứu tôi với !

– Ối làng nước ôi sao tôi khổ thế này ! . . . .

Làng là một cộng đồng cổ xưa nhất (nay còn dấu vết nơi đồng bào Mường với chức vụ Quan Lang) trong đó người ta quây quần chung quanh ngôi đình làng, có vị thần bảo hộ riêng gọi là thành hoàng, có phong tục tập quán riêng từ bao đời . . . :

– Lệnh làng nào làng ấy đánh,

Thánh làng nào làng ấy thờ .

– Đất có lề, quê có thói .

Ngay cả vua chúa cũng phải tôn trọng phong tục của làng và người dân coi việc làng hơn việc nước :

– Phép vua thua lệ làng .

– Thà thiếu thuế vua hơn thua lệ làng .

Dân chúng đã dựa vào phong tục tập quán của làng để phản đối những ông quan do triều đình bổ tới cai trị nhưng có những hành động sách nhiễu :

– Quan cần (nhưng) dân trễ .

– Quan cần nhưng dân chưa vội,

Quan có vội, quan lội quan sang .

– Sang chơi thì cứ mà sang,

Đừng bắt đón đàng mà nhọc lòng dân .

Làng là những trung tâm sinh hoạt căn bản của xã hội Việt Nam xưa và có cơ cấu tổ chức như một nước dân chủ hiện nay trên thế giới, với hai cơ quan :

– Lập Pháp là Hội Đồng Kỳ Mục gồm những vị cao tuổi hay có chức tước cao của triều đình được dân làng bàu ra :

– Triều đình dụng tước, hương đảng dụng xỉ ( xỉ là tuổi, như niên xỉ) .

Hội Đồng có quyền lập ra những luật lệ toàn dân trong làng phải theo, có quyền xét xử những người vi phạm thuần phong mỹ tục như bất hiếu với cha mẹ, trộm cắp, loạn luân, chửa buộm . . . và áp dụng những hình phạt theo tập tục sẵn có :

– Phềnh phềnh lớn giữa lớn ra,

Mẹ ơi ! Con chẳng ở nhà được đâu .

Ở nhà làng bắt mất trâu,

Cho nên con phải đâm đầu ra đi .

Những trọng tội như cướp của, giết người, nổi loạn . . . thuộc triều đình xét xử .

– Cơ quan Hành Pháp do một Lý Trưởng đứng đầu – cũng do dân bàu – thi hành những luật lệ Hội Đồng Kỳ Mục lập ra, thu thuế cho triều đình, lập sổ đinh (đàn ông) và giao tiếp với cấp trên của làng như Huyện, Phủ, Tỉnh . . . . Lý trưởng có Phó Lý trợ giúp lo việc an ninh cùng với năm bảy tuần phiên, tùy theo làng lớn hay nhỏ . Những người này lo canh gác các cổng ra vào làng lúc ban đêm và tuần phòng bảo vệ mùa màmg trên đồng ruộng khỏi bị trộm cắp.

Nguyên tắc thì những hội viên Hội Đồng Kỳ Mục và cả Lý Trưởng đều không có lương vì thực ra Hội Đồng Kỳ Mục một năm nhiều lắm họp một, hai lần ; Lý Trưởng thì công việc rất ít .

Họ thường được dân làng tôn trọng mời tham dự lễ lạt, khao cử, cưới xin . Phó Lý và các tuần Phiên được trả lương bằng cách lấy lúa, ngô, khoai đầu nương khoảng một mét tây hay hơn một mét tây vào mùa thu hoạch :

– Quan viên tháng Giêng, tuần phiên tháng Mười .

Tháng Giêng là tháng có nhiều hội hè, cưới xin; tháng Mười là tháng thu hoạch vụ mùa chính – lúa mùa – của nông thôn Việt Nam :

– Tháng Giêng ăn tết ở nhà,

Tháng Hai cờ bạc tháng Ba hội hè . . . .

– . . . Bao giờ cho đến tháng Mười,

Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta .

Gặt hái ta đem về nhà,

Phơi khô, quạt sạch ấy là xong công .

Xã hội Việt Nam xưa là những đơn vị khép kín, tự túc từ gia đình : rau ngoài vườn, cá dưới ao, gà vịt trong trang trại muốn ăn lúc nào thì hái, thì bắt; thóc lúa, ngô, khoai trồng trên đồng ruộng đến mùa thu hoạch đem về nhà tích chứa dùng cả năm . Trong làng có chợ 3, 4 ngày họp một lần . Hàng hóa như vải vóc, rượu, bánh kẹo . . .do người trong làng sản xuất hay được làm từ các làng bên cạnh đem tới bán .

Có thể nói hầu hết các sinh hoạt là trong nội vi của làng : Lễ thần làng tổ chức tại đình làng, lễ Phật tại chùa làng, hội hè giải trí do làng tổ chức, làng cũng lập ra nhiều qũy như ruộng quả phụ, ruộng cô nhi (cho làm thuê lấy lợi tức) cứu trợ người vợ goá hay trẻ mồ côi; ruộng trợ sưu lấy hoa lợi giúp người nghèo không có tiền nộp thuế ( Lương đức Thiệp, Xã Hội Việt Nam trang 126) .

Thậm chí ngay cả việc lấy vợ, lấy chồng cũng chọn người trong làng :

– Có con mà gả chồng gần,

Có bát canh cần, nó cũng mang cho .

Có con mà gả chồng xa,

Trước là mất giỗ, sau là mất con .

– Lấy chồng giữa làng hơn lấy chồng sang thiên hạ .

Tình cảm xóm làng thân thiết hơn cả họ hàng mà ở nơi xa :

– Bán anh em xa mua láng giềng gần .

Và từ những tình cảm thân thiết của xóm làng tạo ra tình cảm quê hương :

– Làng ta phong cảnh hữu tình,

Dân cư giang khúc như hình con long .

Nhờ trời hạ kế sang đông,

Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi .

Vụ năm cho đến vụ mười,

Trong làng kẻ gái, người trai đua nghế . . . .

Dù giàu, dù nghèo người ta cũng muốn gắn bó và sống chết ở quê hương, không muốn sống ở nơi khác, cho đó là cảnh “tha phương cầu thực”, tức vì miếng ăn mà phải rời bỏ quê hương .

Nay là giai đoạn khởi đầu công nghiệp hóa, quan niệm trên đã thay đổi : người ta muốn sống ở thành thị có nhiếu tiện nghi về công ăn việc làm, giáo dục, y tế, giao thông . . . .

Leave a Reply