Cô gái Thị Cầu là ai?

cô gái thị cầu là ai

Thị Cầu ở vùng trung du miền Bắc, có núi, có sông, có cánh đồng man mác, lại sát ngay đô thị Bắc Ninh. Trong làng có chợ, mỗi tháng họp sáu phiên chính, vào các ngày ba ngày tám, còn các ngày khác dân làng vẫn họp để trao đổi hàng hóa hoặc buôn bán lẫn với nhau.

Hai ngọn Thiềm Sơn và Chu Sơn đi song song gần tới sông Nguyệt Đức, tạo nên một thung lũng và chính nơi thung lũng này là trung tâm của xã Thị Cầu.

Con gái Thị Cầu sống giữa cảnh núi cao, sông rộng, bên cánh đồng thơm ngát mùi lúa, lẫn vào sự ồn ào của chợ búa thị thành, đã chịu ảnh hưởng rất nhiều của hoàn cảnh địa dư.

Núi cao làm tâm hồn cô cao đẹp, sông rộng khiến thân hình cô thanh thoát, còn đồng lúa chín thơm cũng như cảnh sinh hoạt ồn ào của buổi chợ, ngoài việc giúp cô vừa thạo về đồng ruộng, vừa biết buôn bán tần tảo lại còn luôn luôn nhắc cho cô cái bổn phận thiêng liêng của người phụ nữ phương Đông với câu tam tòng tứ đức và khi lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.

Con gái Thị Cầu rất xinh đẹp. Mái tóc mây của cô vấn chặt với vành khăn đen lánh như trang điểm cho khuôn mặt trái xoan, có đôi mắt sáng trong dưới hai hàng lông mày óng mượt, có mũi dọc dừa, có đôi môi tươi thắm điểm nụ cười như thể hoa ngâu, để lộ đôi hàm răng đều như hạt lựu và đen nhức như hạt na già. Cô đi nhẹ nhàng uyển chuyển, cô nói êm ái dịu dàng. Chiếc áo tứ thân đổi vai, thắt vạt khiến bước cô đi trông thoăn thoắt gọn gàng, và dáng người càng thêm cân đối.

Cô xinh đẹp thật, chẳng có thế mà khi cô đi chợ qua làng Cổ Mễ
Cô xinh đẹp thật, chẳng có thế mà khi cô đi chợ qua làng Cổ Mễ, ở cách Thị Cầu một thôi đường, tất cả các chàng trai làng này đã ốm tương tư

Thị Cầu có quả cau đầu
Ném sang Cổ Mễ ốm đau cả làng.

Quả cau đầu đây là một thiếu nữ tuổi trăng tròn lẻ. Với tuổi dậy thì, đôi má cô ửng hồng và đôi mắt cô long lanh sáng, cô lại luôn tươi cuời trong lúc mua bán, thử hỏi trái tim của chàng trai nào không rung động trước nhan sắc ấy! Nhất là các chàng trai ấy lại quanh năm chỉ thấy gái làng chân lấm tay bùn, vóc người cục mịch, vẻ mặt thô sơ, lời ăn tiếng nói thiếu bề thanh lịch, như những chàng trai làng Cổ Mễ. Vậy thì cô gái ngây thơ mới lớn của làng Thị Cầu đã khiến các chàng trai cổ Mễ phải ngơ ngẩn vì tình, biếng ăn biếng ngủ, mong được ngày duyên lành chắp nối, sống bên người ngọc, như Tiêu Lang được vầy duyên cùng Lộng Ngọc ái nữ Tần Mục Công thời trước.

Con gái Thị Cầu xinh đẹp, khiến cho trai thiên hạ say mê nhan sắc của mình, nhưng cô rất vất vả. Thị Cầu là một vùng đất đồi, ruộng ít, người dân ngoài công việc làm đồng phải để vơ con buôn bán kiếm thêm.

Con gái Thị Cầu phải tảo tần, buôn đò bán chợ. Khi còn bé cô đi buôn để giúp đỡ cha mẹ và để gây lấy cái vốn nhỏ, phòng lúc lớn lên thành gia thất. Khi lấy chồng cô phải buôn bán để nuôi chồng. Cô buôn ở chợ nhà, cô buôn ở chợ thiên hạ, cô bán hàng ở trong làng, cô lại bán hàng cả trong các làng lân cận.

Một thầy địa lý, khi ngắm phong thủy làng Thị Cầu đã nói: “Làng này đường cái xuyên tâm, đàn bà phải nuôi chồng”.

Thật vậy trong làng có một con đường chính, sau đổi thành đường quan lộ đi suốt dọc thung lũng của hai ngọn núi Chu và núi Thiềm. Dân làng làm nhà ở hai bên, dốc lên sườn hai ngọn núi và đúng như lời thầy địa lý, phụ nữ làng Thị Cầu phải nuôi chồng:

Em là con gái Thị cầu
Em đi bán chỉ ở đầu đình Kim.

Câu ca dao trên có vẻ như chơi chữ, nhưng đã tả đúng: Chợ Thị Cầu ở ngay đầu đình Kim, ngôi đình đồ sộ của làng này.

Con gái Thị Cầu hay buôn bán hàng xén, tức là lối hàng tạp hóa của người buôn thúng bán bưng. Trong các hàng cô gái bán có kim chỉ, giấy bút, lược gương.

Gánh hàng hóa tuy nhỏ bé chẳng có gì, nhưng cô phải kiếm làm sao, lấy công làm lãi, để có tiền giúp đỡ cha mẹ, lại có tiền để dành làm vốn. Cô phải chịu khó lắm, dậy sớm để đi chợ xa, về muộn để bán nhặt mấy món hàng ế, thức khuya để thu xếp hàng hóa hôm sau.

Người vợ không hề bao giờ than vãn vất vả, mặc dầu phải quai gồng bôn ba kiếm ăn cho gia đình, kiếm tiền cho chồng.
Người vợ không hề bao giờ than vãn vất vả, mặc dầu phải quai gồng bôn ba kiếm ăn cho gia đình, kiếm tiền cho chồng.

Rồi cô lấy chồng. Lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng. Chàng trai ở Thị cầu thật là sung sướng. Làng ít ruộng, công việc đồng áng chẳng bao nhiêu. Khi bé chàng được cha mẹ nuôi, lớn lên, lấy vợ lại vợ phải nuôi. Chàng chỉ cơm ngày hai bữa, lo đi hội hè, nuôi gà chọi, nuôi chim gáy, nuôi họa mi và thỉnh thoảng lại vui anh, vui em một bữa rượu hay cùng chúng bạn đi hát quan họ với gái thiên hạ trong ngày xuân. Lẽ tất nhiên mọi việc chi tiêu của chàng đều dựa vào lưng vợ. Người vợ không hề bao giờ than vãn vất vả, mặc dầu phải quai gồng bôn ba kiếm ăn cho gia đình, kiếm tiền cho chồng. Lại còn khi giỗ ngày tết, đều là những dịp cho nàng phải lo sao cho bằng người, cho họ nhà chồng trông vào. Nào đâu đã hết, còn tiền đóng tiền góp với dân làng, tiền sưu tiền thuế của chồng của con. Và bao nhiêu công kia việc nọ: khi mừng, khi vui, khi khao, khi vọng, nhất nhất nàng đều phải lo sao cho chồng đẹp mặt, lo sao cho khỏi thiếu lệ làng.

Cô gái Thị Cầu quanh năm tất tưởi, kể cả những phút yêu chồng:

Xin chàng bỏ áo em ra
Để em đi chợ kéo mà lỡ phiên
Chợ lỡ phiên tốn công thiệt của
Miệng tiếng cười người rỡ sao đang 
Lấy chồng gánh vác giang sơn
Chợ phiên đã lỡ, giang sơn còn gì?

Tuy vậy có làm thì phải có chơi, có vất vả phải có lúc thanh nhàn. Cô gái Thị Cầu cũng không ra khỏi công lệ đó, nhưng trước thanh nhàn người ta thường phải vất vả nhiều hơn.

Hàng năm gần dịp Tết đến là cô gái Thị Cầu bận rộn nhất. Nàng phải đi hết những phiên chợ, buôn bán quanh năm chỉ trông vào mấy ngày

gần Tết, hàng hóa bán được chạy, mới kiếm được nhiều lời. Nàng phải chịu khó để kiếm cái Tết cho chồng con và cho cả chính mình nữa. Giêng hai, ngày rộng tháng dài, trong làng mở hội thì cũng phải có quần này áo khác, và chồng con cũng phải tề chỉnh bằng người.

Các cô gái chưa chồng trong dịp này lại càng chịu khó hơn.

Các cô cần dành cho mình một món tiền để sắm sửa ganh đua với chị với em. Phần thưởng một năm vất vả của các cô chỉ có thế, và chỉ như thế các cô cũng đã sung sướng lắm rồi!

Vậy thì các cô cố gắng hơn, cố gắng trong việc buôn bán, cố gắng trong việc giúp đỡ cha mẹ.

Sống quanh năm không bằng lo ba ngày Tết. Các cô phải lo sao cho cái Tết ra cái Tết, cho hơn thiên hạ.

Ngày xưa, làng Thị Cầu có nghề làm pháo. Các cô ban ngày đi chợ, tối về sau khi thu xếp hàng hóa bán hôm sau xong, các cô lại phụ việc làm pháo của gia đình. Các cô quấn pháo, ghim pháo, tra ngòi, bó chục, xếp trăm. Nghề làm pháo chỉ là một tiểu công nghệ gia đình của dân làng. Pháo làm quanh năm, để dành đến Tết mới bán để lấy tiền tranh pháo cho trẻ. Tiếng như thế, nhưng sự sung túc của dân làng trong lúc cuối năm trông cậy rất nhiều ở số pháo bán.

Mỗi năm, để sửa soạn đón xuân sang, dân làng Thị Cầu dồn nhiều công việc và thì giờ vào làm pháo. Và cô gái làng, môi đã thắm càng thắm thêm, tay đã hồng càng hồng nữa vì luôn luôn phải động tới áo pháo giấy đỏ, nhưng lòng cô cũng tưng bừng sung sướng hơn vì số tiền bán pháo của cha mẹ sẽ giúp cho bộ cánh mừng xuân của cô thêm đẹp.

Nhân ngày hội, trai lành gái tốt trong làng đều quần là áo lượt rủ nhau đi lễ và ngắm nghía lẫn nhau.
Nhân ngày hội, trai lành gái tốt trong làng đều quần là áo lượt rủ nhau đi lễ và ngắm nghía lẫn nhau.

Rồi Tết đến, ba ngày Tết cô cũng nghỉ ngơi như mọi người, cô cũng mặc quần áo đẹp, đeo hoa tai, đeo sà tích bạc đi xuất hành lễ Tết, lên chùa, ra miếu. Nhưng nếu mọi người nghỉ hẳn thì cô gái Thị Cầu tuy nghỉ, vẫn phải lo cỗ bàn ngày Tết để cha anh hay chồng tiếp khách ngoài tỉnh hoặc khách làng bên tới chúc xuân. Lửa bếp ngày xuân khiến đôi má cô thêm ửng đỏ, mắt cô thêm sáng, cô thêm xinh đẹp duyên dáng giữa muôn hồng ngàn tía.

Bài viết được tổng hợp bởi cơ sở chổi và dụng cụ Bông May. Chúng tôi chuyên cung cấp chổi đót, chổi dừa, dụng cụ vệ sinh khu vực thành phố Biên Hòa

Và thấm thoát đến ngày mồng ba tháng giêng, trong làng mở hội. Trò vui chính của ngày hội xưa kia là đốt pháo và chọi gà, nhung từ năm Đinh Mão dựa vào cớ có thể xảy ra tai nạn được, chính quyền Pháp cấm dân làng này làm pháo để chuyển độc quyền cho nhà máy pháo ở Đáp Cầu, thì trong ngày hội mồng ba tháng giêng ngoài cuộc lễ thần ở đình Kim, chỉ còn chọi gà. Nhân ngày hội, trai lành gái tốt trong làng đều quần là áo lượt rủ nhau đi lễ và ngắm nghía lẫn nhau. Có những chàng trai tơ lòng rung động trước nhan sắc kiều diễm của các cô gái, có những cô gái tâm hồn xao xuyến vì những lời chân thật đầy yêu đương của các chàng trai. Nhưng gặp nhau chỉ để biết nhau chứ cô gái Thị Cầu không bao giờ bước chân quá lề lễ giáo.

Ngọc còn ẩn gốc cây ngâu
Con còn phụ mẫu dám đâu tự tình.

Có những chàng trai gặp một cô gái làng xinh đẹp muốn tỏ tấm tình quyến luyến, trong ngày hội thường mời cô xơi trầu, nhưng luôn luôn cô từ chối:

Mẹ em hằng vẫn khuyên răn Làm thân con gái chớ ăn trầu người

Ngày mồng ba hội ở đình làng vừa xong, thì ngày mồng chín tháng giêng làng lại có hội ở chùa Cao, còn gọi là chùa Trong và ngày 20 tháng giêng có hội ở chùa Diêu còn gọi là chùa Ngoài.

Hai ngày hội chùa này có trai gái thiên hạ tới lễ Phật và hát quan họ với trai làng

Cô gái Thị Cầu lẽ tất nhiên phải có mặt ở đám hội. Cô vào lễ Phật, nghe kể hạnh, rồi ra sân chùa xem nhún đu, nghe hát. Vẻ xinh đẹp thùy mị dịu dàng của các cô được các chàng trai xung quanh vùng để ý. Từ trước vẫn đuợc nghe tiếng đảm đang của cô gái Thị cầu, nay lại được thấy khuôn mặt đáng yêu của nàng, có chàng trai đem dạ mến yêu, hỏi thăm tin tức, rồi mối lại tin đi. Đã có những cuộc nhân duyên tốt đẹp, nhưng cũng có nhiều khi lúc chàng trai nhờ mối lái xin bỏ miếng trầu; mua cốm mua hồng sang chơi thì ván đã đóng thuyền, người đẹp đã thành gia thất. Chàng trai buồn và oán trách duyên phận bẽ bàng:

Hỏi thăm em chửa có chồng
Để anh mua cốm mua hồng sang chơi 
Sang chơi em đã có chồng
Đế cốm anh mốc, để hồng long tai 
Tưởng rằng long một long hai
Ai ngờ long cả trăm hai quả hồng.

Vui chơi hết ngày hội, cô gái Thị Cầu lại lo việc buôn bán của mình, giúp đỡ cha mẹ, nuôi chồng nuôi con cho đến vụ gặt tháng năm tới, nàng mới chịu nghỉ mấy buổi để trông nom thóc lúa rơm rạ.

Cơm gạo chiêm thơm và đặm, nắng đồng chiêm làm nàng rám má hồng, nhưng nàng sung sướng được trông thấy thóc nhà đầy cót, ba bốn đống rơm rạ đánh ở sau vuờn.

Xong vụ gặt nàng lại đi chợ, việc đồng ruộng chẳng có bao nhiêu, nàng để dành phần cho các anh các em.

Thấm thoát phiên chợ này qua, phiên chợ khác lại, mỗi tháng sáu phiên chợ làng còn nàng đi các chợ xa gần khác, chẳng mấy lúc đã thu sang.

Với tết trung thu, làng Thị Cầu kéo hội từ mồng bảy đến hết ngày mười sáu tháng tám. Lại một dịp để cô gái Thị Cầu lo và cũng lại một dịp để cô trổ tài và khoe nhan sắc với trai làng và trai thiên hạ.

Cũng như nhiều làng khác ở vùng quê tỉnh Bắc, nhân dịp trung thu, trong làng thường lập các đám trống quân tại các xóm. Trai làng hát hay, gái làng hát giỏi các đám trống quân đã kéo được rất đông khách tới nghe giọng hát và thưởng thức các câu hay.

Suốt ngày chợ búa nhọc nhằn, tối đến, có trăng thanh gió mát, cô gái Thị Cầu thường cùng vài cô bạn lập trống quân để hát:

Trống quân em lập nên đây
Áo giải làm chiếu khăn quây làm mùng 
Mua vui dưới ánh trăng trong
Có con cũng hát, có chồng cũng chơi 
Con thì em mướn vú nuôi
Chồng thì em để hát nơi xóm nhà.

Tiếng rằng câu hát nói vậy, nhưng thật ra, các cô gái đã có chồng không bao giờ còn thì giờ đi hát nữa. Các cô bận lo cho chồng cho con.

Lo cho chồng con bằng người trong dịp tháng tám không phải là không tốn. Có khi chồng con được làng cử vào chân đi rước, các cô phải sắm cho chồng con đủ khăn lượt, áo the, quần lụa, dây lưng nhiễu điều, giày Gia Định để cho chồng con được xứng đáng với vinh dự làng cử rước thần. Bao nhiêu tiền dành dụm từ đầu năm, có khi chỉ một dịp này cô phải tiêu cho hết.

Lo quần áo đủ cho chồng, cho con đã xong đâu, các cô còn phải lo tới mâm cỗ thi của chồng con đêm hôm giã đám vào ngày mười sáu tháng tám.

Để khuyến khích phụ nữ trong việc nội trợ, làng này hàng năm có cuộc thi cỗ của bọn trai làng được cử vào chân đi rước.

Trong làng có bốn giáp: giáp Đông, giáp Bắc, giáp Giữa và giáp Già.

Thanh niên trong bốn giáp này đều ganh đua nhau trong cuộc thi cỗ.

Cuộc chấm cỗ hàng năm của dân làng rất kỹ luỡng. Những mâm cỗ dự thi phải tinh khiết sạch sẽ. Có nhiều món ăn ngon chưa đủ, còn cần phải biết chế hóa ra nhiều món lạ, và món ăn tuy lạ, nhưng phải nấu bằng thổ sần trong vùng.

Hội đồng cũng chú ý đến cách bày cỗ. Mâm cỗ phải gọn gàng, và các món ăn phải trình bày lịch sự.

Đây là một dịp để các cô gái làng tỏ tài nữ công. Các cô có chồng tuy không thích ganh đua, nhưng cũng phải lo sao cho chồng có được mâm cỗ xứng đáng đến nỗi thua chị kém em. Còn các cô chưa chồng, nấu cỗ cho anh hoặc em, các cô quyết đem hết tài năng để cho mâm cỗ được hội đồng chú ý. Làng nước phải biết đến các cô, và những chàng trai kén vợ phải lưu tâm tới tài nội trợ của các cô. Đã có nhiều cô chỉ vì mâm cỗ của anh hoặc em được hội đồng làng ngại khen mà sau ngày hội có tin đi mối lại về chuyện trăm năm.

Đọc thêm về văn hóa Việt Nam:
Tổ Chức Cộng Đồng Làng Xã Việt Nam Qua Tục Ngữ Ca Dao
Đời sống Việt Kiều tại Cao Miên (Campuchia)
Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba… ngáo ộp !

Cô gái Thị Cầu lo về tháng tám, các cô cũng mừng mỗi khi tháng tám đến.

Các cô bỏ vài buổi chợ để xem rước, hay cho đúng là để ngắm các trai làng trong các bộ áo quần đẹp đẽ và các cậu trai làng đi trong đám rước cũng rộn ràng sung sướng vì biết có các thiếu nữ đang ngắm mình và mắt các cậu thường hướng về phía các cô đứng mặc dầu chân các cậu vẫn bước theo đà đám rước.

Nhưng ngày vui thường ngắn. Chẳng mấy lúc hội hè đã qua cô gái Thị cầu lại lo công việc của mình, đi chợ với gánh nặng trên vai để giúp đỡ cha mẹ, để nuôi chồng con hoặc để dành gây cái vốn nhỏ đợi lúc thành gia thất ở riêng.

Cô gái Thị Cầu rất cần cù chăm chỉ. Bé ở nhà giúp đỡ cha mẹ, lớn lên lấy chồng nuôi chồng, và lúc có con gây dựng cho con.

Đàn ông Thị Cầu, những người làm nên đôi chút danh vọng thường lấy vợ thiên hạ.

Các cô cũng biết vậy, nhưng các cô vẫn tự an ủi: “Làng ta đường cái xuyên tâm, số đàn bà phải nuôi chồng!”

Toan Ánh

Gửi phản hồi