Đã có ai đi trẩy hội chùa Hương Tích chưa? Chùa này là một thắng cảnh của miền Bắc thuộc địa phận làng Yến Vĩ, phủ Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông.
Đã đi chùa Hương Tích phải đi qua đò Suối, và phải biết các cô lái đò nhí nhảnh xinh tươi, thắt lưng con cón, nụ cười như hoa, với những chiếc thuyền nhỏ nhẹ nhàng lướt nước, đè ngọn cỏ, đưa khách trẩy hội suốt từ địa đầu bến Đục, qua chùa Trình tới chùa Thiên Trù tục gọi là chùa Ngoài.
Đi chùa Hương thường do hai lối đường bộ hoặc đường thủy, nhưng đi đường nào thì khi tới bến Đục, hoặc bến Hà Đoan khách trẩy
hội cũng phải đi đò Suối. Đường bộ qua Hà Đông đến phủ Vân Đình, tới làng Hòa Xá, rồi sang sông cập bến Hà Đoan. Từ bến Hà Đoan khách trẩy hội sẽ đi bộ chừng năm năm thước, và đây là đò Suối.
Đi đường thủy, khách đi đò dọc trên sông Đáy từ Phủ Lý, tỉnh lỵ tỉnh Hà Nam. Thuyền đi chập tối hôm trước, và tang tảng sáng hôm sau tới bến Đục, xế bến Hà Đoan, khách cũng lại đi bộ năm trăm thước trước khi tới đò Suối.
Bến Đục là địa đầu cảnh Hương Sơn, Phong cảnh trông thật là bao la hùng vĩ.
Trong những ngày mở hội từ trung tuần tháng giêng cho tới hết trung tuần tháng hai, thì giữa khung cảnh bao la hùng vĩ này, chen vào một vẻ tấp nập nhộn nhịp khác thường.
Dưới sông, thuyền đậu san sát tại bến. Những cột buồm chi chít, khiến ở đàng xa, trông như một rừng tre khô. Những con đò ngang đi đi lại lại, tự bên này sang bên kia sông, và những con đò dọc từ mạn Phủ Lý tới lừ lừ cập bến. Du khách đứng nhấp nhô trên mũi thuyền, trên mạn thuyền. Mái chèo khua nước bắn tóe, sóng sông nhẹ vỗ vào mạn thuyền đều đều, khiến những con thuyền rập rềnh như chen chúc nhau. Du khách gọi nhau chỉ chỏ cùng nhau cảnh núi non cao rộng, cảnh sông nước bao la, trông như tranh vẽ.
Trên bến Đục người đi lễ đông nghịt, ai nấy đều tay xách nách mang, lúng túng những vàng hương cùng đồ tế lễ. Họ kéo nhau tới đò Suối, hoặc họ vừa ở đò Suối đi ra. Những lớp người tiếp những lớp người, những lớp người gặp những lớp người. Không ai quen biết ai, nhưng gặp nhau họ đều vui vẻ chào nhau. Những tiếng nam mô vang lên, những tiếng nam mô đáp lại. Lòng khách đi lễ, hay đã ở chùa ra về, ai nấy đều hướng vào đức Phật Bà Quan Âm, cầu xin ở đức Phật mọi sự từ bi hỉ xả, mong đức Phật ra tay cứu vớt họ, để bao nhiêu lỗi lầm của họ về trước đều được xóa bỏ từ nay.
Đi bộ một lúc lâu là đến đò Suối.
Đứng ở bên đò, khách nhìn bao quát được hết phong cảnh vùng chùa Hương. Non nước bao la, xa gần nét đậm nét nhạt, những dãy núi trùng điệp nối tiếp nhau. Bầu không khí trong vắt. Lòng du khách
thấy nhẹ lâng lâng. Những tiếng nam mô của chư khách chào nhau vẳng lên trời cao, vang lên mặt nước, lẫn vào ngàn mây. Bụi trần lúc này cơ hồ như gột sạch.
Ở đây khách sẽ xuống đò đi vào chùa Ngoài.
Những cô lái đò lanh lẹn trên chiếc thuyền nan, với nét mặt tươi cuời, với giọng quyến rũ mời khách đi đò.
Bài viết được tổng hợp bởi cơ sở sản xuất và cung cấp chổi Bông May. Chúng tôi chuyên bán chổi giá sỉ. Cung cấp vật tư vệ sinh ở các khu vực lân cận Hồ Chí Minh như Biên Hòa, Bình Dương, Long An, Long Khánh, Xuân Lộc, Vũng Tàu v.v.
Trời đầu năm còn lành lạnh. Các cô chít chiếc khăn mỏ quạ, để lộ đôi má ửng hồng. Với khuôn mặt thanh tú với dáng điệu mau mắn, các cô giúp đỡ khách đi chùa. Có những cô thuyền vừa cặp bến, chở khách từ chùa ra, có những cô đã cắm thuyền từ trước đợi khách vào chùa. Cô nào cô nấy đều vui vẻ đón chào chư thiện nam tín nữ thập phương.
Có lẽ ở đây là cảnh Phật, nên lòng người ai cũng thấy nhẹ lâng lâng, không bợn chút bụi trần, người ta đang sống ở một thế giới khác mà tấm lòng vị tha đã thắng sự ích kỷ vị ngã, lấy sự niềm nở giúp đỡ nhau làm trọng yếu!
Có lẽ ở đây cảnh thiên nhiên mơ màng như không như có, như xa như gần, người ta chịu ảnh hưởng của núi trời mây nước, trở nên phóng khoáng rộng rãi, quí người hơn quí mình!
Có thật chăng? Các cô lái đò chùa Hương, tuy chở đò lấy tiền, nhưng vẫn nghĩ tới sự giúp đỡ khách đi đò, đã chịu ảnh hưởng nhiều của hoàn cảnh và của vị trị địa dư!
Hoàn cảnh, vì các thiện nam tín nữ khi đi trẩy hội một nơi, thắng tích thờ đức Phật Bà Quan Âm ai nấy đều có dạ từ bi bác ái, cố noi gương đức Phật. Ở đây miệng người ta chỉ niệm “nam mô” chỉ đọc kinh và tay người ta chỉ lần tràng hạt, ở đây người ta chỉ nói tới đạo Phật, chỉ kể cho nhau nghe sự tích hy sinh cao cả của đức Phật!
Còn vị trí địa dư! Một khung cảnh bao la hùng vĩ, cái gì cũng to tát rộng rãi tất nhiên phải ảnh hưởng tới con người! Trước cảnh đẹp con người nghĩ cũng cỏi mở đẹp đẽ hơn! Bao nhiêu những điều ti tiện nhỏ nhen có ở cuộc đời ở những nơi chen chúc, thì ở nơi đây đều bị thay thế bởi những cái gì khoáng đạt cao cả.
Các cô gái đò Suối quanh năm sống giữa núi cao, bên rừng rậm với sông nước trời mây, hằng ngày đuợc nghe chuyện bác ái từ bi của đức Phật, trách nào các cô chẳng vui vẻ giúp khách thập phương trong dịp hội nhất là sự giúp đỡ đó gây cho cô biết thiện cảm của khách đi chùa.
Khi thuyền vừa cập bến, các cô dừng chèo, mang lên bờ giúp khách nào mơ, nào lão mai, nào rau sắng. Lại còn những dẫy lộc Phật mà khách trẩy hội không ít thì nhiều ai cũng phải có mang về để lấy phước. Miệng các cô hớn hở tươi như hoa, lời các cô nhẹ nhàng, điệu bộ các cô nhanh nhẹn. Khách đi thuyền ai cũng phải ngợi khen.
Chào khách ra về, các cô niệm Nam vô A Di Đà Phật, và các cô nói theo: “Xin Phật độ trì cho cụ để sang năm cụ lại đi trẩy hội, chúng con sẽ đón cụ ở đây”.
Khách cũng đáp lại:
A Di Đà Phật! Tôi cũng cầu xin Phật phù hộ cho cô luôn luôn khỏe mạnh, chở được nhiều khách tới lễ Phật.
Đấy là những khách rời thuyền, còn những khách xuống thuyền nữa.
Các cô đon đả chào mời. Dù khách xuống thuyền cô hay xuống thuyền khác của một cô khác, các cô cũng vẫn vui vẻ giúp đỡ khách. Các cô lên bờ mang xuống thuyền giúp khách đồ lễ, vàng hương và có khi khách mang theo cả chăn màn để phòng lúc ngủ lại chùa. Khách được các cô giúp đỡ đều vui mừng, cảm ơn lòng từ bi của đức Phật đã cho du khách được may mắn, nhưng các cô cũng hài lòng.
Một người khách xuống thuyền, hai ba người khách xuống thuyền! Chiếc thuyền bé nhỏ của mỗi cô chỉ chở nhiều lắm là năm sáu người khách. Khách đã đủ, thuyền các cô rời bến.
Cô lái đứng ở đầu thuyền, quay mặt về phía khách. Theo đà tay cô bơi, mái chèo đập xuống nước, làm bắn những bọt trắng lên mạn thuyền. Người cô cúi xuống hay đứng lên tùy theo mái chèo đưa về đằng sau hay đằng trước. Đò lướt nhẹ nhàng trên dòng suối nhỏ, nước
trong vắt. Du khách có thể nhìn thấy đám cỏ mọc ở dưới nước, hoặc những cây rong bập bềnh theo gợn sóng.
Dòng suối quanh co chảy qua cánh đồng chiêm, hai bên bờ suối có những ruộng mạ con gái xanh mơn mởn như tơ nõn như chạy suốt tới chân trời hoặc tới chân một ngọn núi xa xa. Đi khỏi cánh đồng chiêm, suối lọt vào những vách đá xanh rì. Ở thuyền nhìn lên, du khách thấy những ngọn núi đủ các hình cao có, thấp có, xa có gần có, ngọn đậm ngọn nhạt, ngọn chênh vênh, ngọn hiền từ.
Cô lái đò vừa bơi thuyền, vừa nói chuyện với khách chỉ dẫn cho khách biết đâu là núi Gà, núi Tượng, núi Trống, núi Chiêng, đâu là động Tuyết Quỳnh, đâu là chùa Trình. Cô lại giảng giải cho khách nghe tại sao có suối Giải Oan, có chùa cửa Võng, tại sao lại gọi là hang Phật Tích, tại sao có chùa Tiên, đường lên Trời thế nào, lối xuống địa ngục ra sao?
Khách trẩy hội vừa nghe cô nói vừa nhìn theo phong cảnh cô chỉ. Đồng thời khách cũng luôn miệng niệm nam mô mỗi khi gặp chiếc thuyền ở trong chùa đi ra, hoặc mỗi khi vượt một chiếc thuyền khác.
Cô lái đò dẻo tay chèo, vui câu chuyện và cũng nhẹ miệng niệm “nam mô A Di Đà Phật” theo với du khách. Thuyền lướt sóng đè ngọn cỏ, đi nhè nhẹ, bên các thuyền khác. Tiếng niệm Phật “nam mô” vang động khắp dòng suối.
Mỗi khi thấy một ngọn núi cô lái đò thường chỉ cho du khách: “kìa là núi Mâm xôi, đây núi Mẹ bồng con!”
Cảnh đi đò Suối là cảnh nên thơ nhất trong cuộc đi trẩy hội chùa Hương. Khách ngồi đò, với lòng tin tưởng vô biên ở đức Phật, hướng cả tâm hồn về cõi Phật.
Những con đò bập bềnh đè mặt nước, chiếc nọ trước chiếc kia. Khách đi thuyền miệng không ngớt niệm “nam mô”. Họ niệm Phật để chào nhau, họ niệm Phật để cầu cho đò mau tới bến, họ niệm Phật để cầu phúc cho mình và cho các bạn đồng hành. Những con đò vào gặp những con đò đi ra, tiếng niệm Phật lại vang vang dội hơn. Các nam thanh nữ tú, các cụ già, các thiếu phụ, mặc dầu không hề quen biết vồn vã nhau trong tiếng chào, cầu chúc cho nhau những điều may
mắn. Những nụ cười đón những nụ cười, những nét mặt hân hoan đáp lại những nét mặt hân hoan. Tỉnh cũng như quê ở đây người ta không phân biệt ai sang ai hèn. Đạo giáo đâu có giai cấp, và đức Phật đâu có của riêng ai. Những chàng thanh niên thành thị, ăn vận rất lịch sự tới nơi đây hằng tươi tỉnh chào các cụ già nhà quê, chào các thiếu nữ đồng ruộng, và những cô áo quần sặc sỡ xanh đỏ tím hồng ở đây vẫn là bạn của những cô quần sồi áo vải. Ai gặp ai cũng đều mừng rỡ, và những tiếng “nam mô” hồn nhiên như muốn tả hết nghĩa bác ái của đức Phật. Tiếng “nam mô” của khách trẩy hội thuyền lướt sóng thấm thoát đã tới chùa Trình.
Khách có người vào lễ chùa Trình, có người đi thẳng, bao giờ gần tới chùa Trình, cô lái đò cũng loan báo cho khách biết.
“Thưa các ông bà, đây là chùa Trình, có ông bà nào muốn vào lễ để cháu ghé thuyền”.
Rồi cô giải nghĩa tại sao gọi là chùa Trình. Khách trẩy hội vào chùa này như trình diện trước khi tới cảnh Phật, và khách ra về cũng vào lễ chùa này như để từ giã cảnh Hương Sơn.
Rời khỏi chùa Trình, chiếc thuyền nhỏ lần này đi thẳng tới chùa Ngoài, tức là chùa Thiên Trù. Trước bến lên chùa, đò Suối như vùng rộng ra.
Chùa Thiên Trù xây trên một suờn đồi giữa cảnh núi rừng. Từ bến đò suối có bực đi lên chùa, chùa rất khang trang rộng rãi, sân gạch bao la, chung quanh có cây xanh lá biếc, trùng trùng điệp điệp…
Thật là một nơi tịch mịch nếu không phải là ngày hội. Suối chảy róc rách, tiếng chim gõ mõ trong ngàn cây, khiến cho ta quên hết mùi trần tục. Lại thêm đàn cá lửng lơ dưới suối nghe kinh. Chuông chùa từng hồi vang lên như muốn đưa tâm hồn ta tới cõi hư vô.
Trong những ngày hội cảnh tịch mịch trên đã bị xáo động bởi các thiện nam tín nữ. Người ra kẻ vào tấp nập. Mùi huơng trầm sục nức. Tro vàng lá bay theo khói tản trên không. Tiếng mõ, tiếng chuông hòa lẫn tiếng niệm Phật của khách trẩy hội.
Người ở trong chùa người ở sân chùa, người ở bến đò, nào vàng hương, nào đồ lễ, nào chai nước suối Giải oan, nào khúc lão mai, nào bó rau sắng, nào bì mơ.
Ở bến đò, các cô lái đò cũng vui vẻ giúp đỡ khách lên bờ hoặc xuống thuyền. Đối với khách lên chùa, các cô vui vẻ mách đường cho khách rõ lối đi chùa Tiên, lối vào chùa Cửa Võng và chùa Hang.
Từ chùa ngoài đi vào, đường đi khấp khểnh, nhưng phong cảnh rất hữu tình, và khách lễ chùa luôn miệng, niệm “nam mô”. Lòng người hướng cả vào đức Phật. Người ta dẻo chân đi quên mỏi. Hai bên đường thỉnh thoảng lại hiện ra một rừng mơ, khách có thể tới hái để giải khát. Đi một quãng đến chỗ rẽ lên chùa Tiên, ở trong một hang trống, có hai lối ra vào khác nhau. Bên ngoài, những nhũ đá chảy xuống thành từng nếp trông rất đẹp. Xa hơn quãng rẽ một chút là chùa Giải Oan, ở đây có một cái giếng nhỏ, nước trong và mát. Khách lễ chùa tin rằng nước này uống vào người sẽ nhẹ nhàng thanh thoát và tiêu giải được mọi nỗi oan khiên. Cũng vì thế phần đông khách trẩy hội đều lấy theo về một chai nước giếng quý báu này.
Ở Chùa Giải Oan ra đi về chỗ rẽ, theo lối cũ sẽ tới chùa Cửa Võng, trước khi tới chùa Trong hay chùa Hang tức là động Hương Tích.
Chùa Cửa Võng mang tên theo lối kiến trúc còn chùa Hang theo lời truyền lại chính là nơi xưa kia đức Phật Quan Âm đã thành Phật và cũng vì vậy dân làng mới thờ đức Phật tại động này.
Bước vào chùa Hang, du khách thấy ngay ngoài cửa động năm chữ đại tự rất lớn “Nam Thiên Đệ Nhất Động” tương truyền là chữ của vua Lê Thánh Tôn với những nét bút rất sắc sảo.
Trong động có tượng đức Phật Bà Quan Âm và chư vị La Hán. Những nhũ đá rủ xuống óng ánh muôn mầu rất kỳ diệu, ở gần giữa động, nhiều tảng đá nổi lên, trông như hình các em bé. Khách trẩy hội hiếm con thường xoa đầu các em bé ấy, rủ về với mình. Nhiều tảng đá đã nhẵn thín vì những bàn tay các tín nữ cầu con.
Động có nhiều hang ngách. Ánh sáng lọt vào thưa thớt khiến những hình tượng cũng như những nhũ đá càng thêm ảo huyền.
Ngày hội, khói trầm hương nghi ngút tỏa. Người ra vào như mắc cửi.
Các cô lái đò chỉ dẫn cho du khách rất rõ ràng. Khách chỉ việc theo lời cô sẽ đi đuợc khắp mọi chùa và hiểu khắp mọi tích.
Khách lên bờ, vào chùa Lễ Phật, cô lái đò lại đón khách đi ra. Vẫn những dịp chèo đều đặn, vẫn những vách đá chênh vênh, rồi đến cánh đồng chiêm. Khách đi ra cũng như khách đi vào luôn luôn niệm Phật và ngắm nhìn không biết chán cảnh non nước trời mây với đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Một năm có một tháng hội chùa, cô lái đò đón khách lại đưa khách. Cô vừa giúp đỡ được khách trẩy hội lại vừa kiếm được cái vốn nhỏ để tiêu thêm về gia đình. Cô có thể may thêm được mấy bộ quần áo mới, cô có thể sắm được đôi khuyên vàng trước là để trang điểm cho mình sau là để dành đợi lúc ra ở riêng.
Rồi hội chùa Hương hàng năm phải hết, không còn khách trẩy hội để cô chở theo dòng suối nữa, nhưng dòng Suối vẫn là dòng Suối cô vẫn có thể chở dân chúng từ Yên Vĩ ra Hà Đoan, hoặc từ Hà Đoan vào Yên Vĩ và dân chúng các làng đọc theo hai bờ Suối.
Sau ngày hội, nhiều cô lái đò lại quay về nghề nông để chờ đợi kỳ hội năm sau. Các cô lo làm cỏ ruộng chiêm, đợi chờ vụ gặt tháng năm.
Một số ít các cô tiếp tục chở đò trên dòng Suối, nhưng chở đò quanh năm đâu có vui như ngày hội. Nhiều khi vắng khách, cô nhớ những buổi tấp nập của giêng hai, cô mong thời gian đi mau để ngày hội chóng tới.
Có đôi lúc các cô ngó lại phận mình. Thấy người ta chồng chồng vợ vợ, các cô cũng mong một ngày lành duyên cùng một chàng trai xứng đáng. Đã nhiều khi trong những lúc chèo thuyền vắng khách, các cô hát ghẹo mấy chàng trai đang thăm đồng, hoặc đang đánh cá.
Người ta chồng trước vợ sau
Anh kia không vợ như cau không trầu
Cau không buồng ra tuồng cau đục,
Trai không vợ cực lắm anh ơi.
Nghe lời ca, chàng trai ngửng đầu lên nhìn cô lái đò, xinh đẹp với vẻ nhí nhảnh đáng yêu. Chàng trai ngập ngừng một lát, rồi hát lại:
Bóng quế giãi thềm
Tiếng chuông đưa bát ngát càng thêm bận lòng
Dao vàng bỏ đẫy kim nhung
Biết rằng người thục nữ có lòng với chúng tôi chăng
Thấp thoáng bóng trăng!
Nhưng câu hát thoáng qua như vậy đã nhiều phen có những kết quả đáng ghi. Những cặp trai lành gái tốt đã thành đôi, và thuyền của cô lái đò Suối trên dòng đời coi như đã tới bến.
Đấy là những cô lái đò, còn khách trẩy hội chùa?
Đã một lần đi chùa Hương, đố ai quên đuợc đò Suối. Để nhớ mãi nên thơ ấy trong những lúc trà dư tửu hậu, khách đã hằng ngâm bài thơ Hương Tích tuyền độ của cụ Phan Mạnh Danh:
Phong điềm lãng tĩnh quýnh vô trần
Lương ngạn sơn đầu thảo mộc xuân
Khê hạ nhất hoằng nguyên thủy lục
Chu hành nghi thị Vũ lăng tân.
Bản dịch của cụ Phạm Huy Toại:
Sóng êm chẳng chút bụi trần bay,
Hai mạn xanh rì núi cỏ cây
Dòng suối dưới khe tuôn nước biếc,
Thuyền đi ngỡ đến Vũ lăng đây.
Đã ngâm thơ về đò Suối, khách phải ngâm thơ về toàn cảnh chùa Hương. Cụ Chu Mạnh Trinh đã dành cho khách bài thơ tuyệt bút sau đây:
Bầu trời cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay,
Kìa non non nước nước mây mây
“Đệ nhất động” hỏi rằng đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chầy kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
Này hang Phật Tích, này động Tuyết Quỳnh
Nhác trông lên ai khéo vẽ hình
Đá Ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây.
Chừng Giang Sơn còn đợi ai đây,
Hay Tạo Hóa khéo ra tay xếp đặt,
Lần tràng hạt niệm “Nam vô Phật”
Cửa từ bi công đức biết bao.
Càng trông phong cảnh càng yêu. Nhớ lại chùa Hương và đò Suối khách ngâm thơ, khách ngâm thơ để lại nhớ đò Suối với chùa Hương, để năm sau khách lại đi trẩy hội, để lại đi Suối của các cô lái đò nhí nhảnh nhẹ nhàng tới chùa Hương.
SẢN PHẨM CỦA BÔNG MAY
Mua chổi đót quét nhà giá rẻ ở đâu?
May đồ bảo hộ lao động giá rẻ cho công ty, xưởng sản xuất
Bông May chuyên cung cấp chổi chà giá rẻ
Cung cấp chổi cỏ vệ sinh trường học – Giá đặc biệt
Bán ky hốt rác nhựa giá sỉ công ty (xuất VAT)
Các loại bao tay cao su phổ biến và cách sản xuất
Cung cấp chổi quét sân trường học – giá rẻ nhất
Bán chổi đót chổi dừa và dụng cụ vệ sinh giá sỉ tỉnh Bình Dương
Bông May cung cấp vật tư vệ sinh trường học tại TP.HCM
BÀI VIẾT HAY
Đạo nghĩa vợ chồng trong câu hò miền nam
Th6
Tìm hiểu Tết Đoan Ngọ của người Việt (Tết mồng năm tháng Năm)
Th11
Một vài tiếng gọi trẻ con của người Việt
Th8
Rét nàng Bân là gì và tại sao có cái tên như vậy
Th4
Tìm hiểu về các làng nghề truyền thống Nam Bộ
Th6
Quan hệ thầy trò, vua tôi, bạn bè, quan dân, chủ khách trong văn hóa Việt Nam
Th2
Vẻ đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt
Th8
Phép lịch sự trong trang phục, trang sức
Th12
Phép xã giao trong việc chào hỏi, bắt tay và ôm hôn
Th12
Cách dùng họ và tên của các dân tộc Việt Nam
Th8