Phép xã giao trong việc chào hỏi, bắt tay và ôm hôn

phep xa giao bat tay

Phép xã giao lịch sự là chiếc cầu nối quan trọng trong các mối quan hệ nhân sinh. Nó được xem là tiêu chuẩn để đánh giá trình độ văn hóa giáo dục của con người. Vậy phép xã giao lịch sự hình thành từ bao giờ?

Từ xa xưa, khi loài người biết hợp quần để hình thành lối sống cộng đồng, tức khi con người ý thức được mối tương quan giữa bản thân với người xung quanh là cần thiết cho sự sinh tồn, đó là lúc hình thành phép xã giao.

Phép xã giao được hình thành theo đà phát triển của lịch sử nhân loại, nó được truyền từ đời này sang đời khác, chịu sự tác động của quy luật đào thải và bổ sung theo đặc điểm của từng thời kỳ, từng địa phương. Vì vậy nó thường mang đậm tính dân gian, truyền thống. Ngày nay sự thông thương qua lại giữa các nước, một số nguyên tắc xã giao lịch sự chính của phương Tây đã được phổ biến trên khắp thế giới, gần như trở thành thứ phép xã giao lịch sự quốc tế, như: bắt tay, chào hỏi, ôm hôn khi mới gặp nhau hay khi từ biệt, v.v…

Phép xã giao lịch sự là quy ước bất thành văn, nó không được quy định trong một văn bản pháp luật nào cả, nhưng nó mặc nhiên tồn tại và giúp cho các mối quan hệ xã hội trở nên mật thiết, con người sống và quan tâm đến nhau hơn!

Thông thường, người ta quan niệm một người chín chắn, khôn ngoan và được xem như có trình độ văn hóa giáo dục là người ứng xử theo phép xã giao lịch sự một cách thuần thục và đầy tế nhị. Họ chính là hạng người bặt thiệp, lịch lãm trong xã hội.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sống trong một xã hội văn minh hiện đại, con người lại càng phải giao tiếp nhiều hơn, nên nó đòi hỏi phải vận dụng một cách tinh tế, khéo léo.

Trong cuộc sống nếu chúng ta sống tự do, buông thả, thoải mái quá độ, giao tiếp không trong khuôn phép nhất định, thì dù có thân tình đến đâu, đối tượng giao tiếp cũng sẽ đánh giá thấp về tư cách, đạo đức và trình độ văn hóa của bạn.

Vì vậy, biết phép xã giao và vận dụng nó vào cuộc sống một cách khéo léo là điều cần thiết và rất quan trọng, nhất là khi bạn muốn trở thành một người thành đạt. Tư cách của một người được thể hiện qua thái độ, hành động, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, dáng đi kiểu đứng, cách ăn mặc, v.v… Cho nên, học hỏi rèn luyện mọi hành động, thái độ cho đúng phép xã giao lịch sự cũng là trau dồi nhân cách bản thân.

Bài viết được biên soạn và giới thiệu bởi Chổi và Dụng cụ Bông May. Chúng tôi chuyên cung cấp bao tay cao su giá sỉ, xuất hóa đơn VAT

Chào hỏi

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, đủ thấy sự chào hỏi là quan trọng như thế nào. Chào hỏi một người, điều này ngầm mang ý nghĩa là gì?

Chào hỏi người nào tức là tỏ ra mình quan tâm đến người đó. Trong cách chào hỏi chúng ta có thể bày tỏ lòng kính trọng hoặc biểu hiện tình cảm thân thiện của chúng ta đối với họ. Nhưng chào hỏi như thế nào cho phải cách, cho đúng phép lịch sự?

Thật ra, cách chào hỏi rất đa dạng và phong phú tùy theo từng địa phương. Riêng ở Việt Nam trước đây, chào hỏi gần như là một lễ nghi, có phép tắc, quy củ hẳn hoi. Ngày nay, do sự du nhập của sắc thái văn hóa phương Tây nên đã tinh giản rất nhiều, nhưng vẫn phải thể hiện được tính chất tôn ty, trật tự, người trên, kẻ dưới, sự quan tâm, lòng trân trọng. Cách chào thông thường ở Việt Nam là cúi đầu chào. Đối với người lớn tuổi hơn cần kèm theo nghiêng mình. Khi chào hỏi chúng ta cần chú ý vài điểm dưới đây:

– Khi chào, chúng ta nên kèm theo lời hỏi thăm xã giao, ví dụ như: “Anh có khỏe không?” “Anh lúc này làm ăn ra sao?” “Lâu quá không gặp chị” v.v…

– Không nên dừng lại thăm hỏi quá nhiều, nếu là chỗ thân tình đã lâu mới gặp lại hoặc trong trường hợp cần thiết, chúng ta có thể mời khách vào quán nước để trò chuyện hay ghé về nhà mình chơi. Bạn nhớ đừng ham trò chuyện dông dài, có khi làm cản trở việc riêng của người mình gặp.

– Lúc chúng ta đang bận hoặc không tiện trò chuyện thì hãy khéo léo trả lời ngắn gọn, đồng thời xin lỗi rồi đi ngay. Tránh tình trạng tiếp chuyện trong trạng thái phân tâm, đầu óc, tâm trí ở nơi khác.

– Gặp người cao tuổi thì chào hỏi là điều bắt buộc. Cổ nhân có câu “Kính lão đắc thọ”, tuy rằng người ấy chúng ta chỉ quen sơ hay mới gặp lần đầu. Khi chào hỏi phải tỏ thái độ tôn kính, hai tay hơi khoanh lại, đầu cúi hẳn xuống, miệng thưa ngay: Chào ông, chào bà (nếu người lớn tuổi đó là người trong gia tộc, hay người thân quen của gia đình ta khoanh hẳn tay trước ngực). Tránh thái độ xuề xòa, xởi lởi.

– Đối với người trong gia đình, chúng ta luôn nhớ câu “Đi thưa về trình”. Khi ra khỏi nhà hoặc đi đâu mới về người nhỏ phải thưa gởi người lớn tuổi trong gia đình, ví dụ như: “Thưa ba con đi học mới về” hay “Thưa mẹ chúng con đi xem kịch”. Làm như thế chứng tỏ gia đình của chúng ta đầm ấm hạnh phúc và có gia giáo, đồng thời còn khiến cho mọi người trong gia đình thân thiện, vui vẻ, yêu mến nhau hơn.

– Khi gặp bạn bè, người đồng lứa tuổi nếu chỉ trông thấy nhau, chúng ta chỉ cần gật đầu, mỉm cười, nháy mắt hoặc đưa bàn tay lên cũng đủ.

Không nên tỏ thái độ quá sức mừng rỡ như la lớn, nhảy cỡn, chạy ào đến khi chào hỏi một người chưa thân thiết.

– Nơi công cộng, đừng để thái độ chào hỏi của chúng ta làm phiền người khác hay gây sự chú ý đến mọi người.

– Khi gặp phụ nữ bằng hoặc nhỏ tuổi hơn, nam giới nên chào hỏi xã giao rồi đi ngay, không nên dừng lại trò chuyện lâu (trừ trường hợp cần thiết)

– Nếu đang đội nón (mũ), hoặc mang kiếng mát, khi chào chúng ta nên giở nón và tháo kiếng mát ra.

– Không ngậm thuốc lá trên môi khi chào hỏi.

– Khi chào hỏi, cử chỉ cúi đầu nhẹ hay sâu chúng ta phải tùy theo cương vị, tuổi tác hay chức vụ của người đối diện mà ứng biến cho hợp phép.

– Nếu bạn đi chung với một người, họ chào ai, bạn cũng phải chào người ấv, dù chưa quen biết.

– Trong trường hợp bất ngờ gặp người quen khi họ đang nói chuyện hoặc đang ăn uống thì không nhất thiết phải bước tới chào, trừ khi họ thấy mình.

Lúc ta đang ăn uống mà gặp người quen, khi chào hỏi ta cũng nên mời người đó một tiếng. Ngược lại nếu là chúng ta là người được mời trong trường hợp này thì nên nhớ đó chỉ là lời mời xã giao, hay nhất là tìm một lời từ chối khéo léo.

– Khi chúng ta chào một ai đó mà người ấy không chào lại, đương nhiên chúng ta sẽ có cảm giác bị xúc phạm. Cho nên chúng ta cũng đừng để một ai có cảm giác đó khi chào chúng ta. Gặp người khác chào, chúng ta phải chào lại ngay.

Đọc thêm:
Những mô hình quản lý thời gian giúp bạn thăng tiến
Tự học hỏi – mấu chốt thành công trong thời 4.0
Chỉ dẫn xây dựng thương hiệu cơ bản

Bắt tay

Bắt tay là một một phép xã giao lịch sự đã có từ lâu ở các nước phương Tây. Hai người đưa tay phải ra nắm bàn tay của nhau là để chứng tỏ thiện chí hòa hảo, đồng thời bày tỏ lòng tin cẩn vào sự hòa hảo của đối phương. Người ta có thể căn cứ vào cách bắt tay để suy đoán một phần tính tình hoặc tình cảm của đối tượng đối với họ lúc đó. Vì vậy khi bạn bắt tay ai, hãy bắt thật chân tình, thẳng thắn. Tuyệt đối không được bắt một cách miễn cưỡng qua loa. Sau đây là vài điều cần lưu ý:

– Khi bắt tay bạn cần nhìn thẳng vào mặt người đó, miệng mỉm cười, người hơi nghiêng về phía trước và giữ thẳng lưng, không nên khom lưng.

– Bạn nên tránh những hành động, cử chỉ sau đây khi bắt tay: đưa bàn tay ra một cách hờ hững để bắt tay đối tượng, nắm và bóp quá chặt tay hoặc vừa nắm chặt vừa lắc mạnh, dùng hai tay nắm chặt tay đối tượng mà giật giật.

– Tuyệt đối không bắt tay người khác khi mình đang mang bao tay hoặc khi tay mình đang bị ướt, bị bẩn, bị bệnh (như bị lở, bị mồ hôi v.v…). Gặp trường hợp này, nếu người kia đưa tay ra trước, chúng ta chỉ cần nhìn nhanh vào tay mình, dùng lưng bàn tay đụng nhẹ vào tay người đó đồng thời nói tiếng xin lỗi là người ấy hiểu ngay.

– Với người thân thiết, người trong gia đình không cần thiết phải bắt tay.

– Người đưa tay ra trước để bắt tay người khác luôn là người có vị trí cao hơn, thí dụ như người lớn tuổi, người có cương vị cao, chủ nhà, chủ nhân buổi tiệc, người chủ trì cuộc họp mặt, v.v… Nếu chúng ta là người nhỏ tuổi hơn, có cương vị hoặc chức vụ thấp hơn, hoặc là khách mời thì không nên chủ động bắt tay.

– Khi gặp thuộc cấp, người nhỏ tuổi, người có cương vị thấp hơn, chúng ta nên chủ động bắt tay trước để tỏ ý nhún nhường và hòa đồng.

– Trong trường hợp có nhiều người, chúng ta phải bắt tay người lớn tuổi, người có cương vị cao trước.

– Khi gặp hai vợ chồng, ta bắt tay người vợ trước, người chồng sau.

– Đôi lúc chúng ta cũng có thể dùng cả hai bàn tay để tỏ lòng kính trọng, nhưng đừng có thái độ khúm núm quá, chỉ cần thẳng lưng nghiêng người là được.

– Khi bắt tay phụ nữ phải nhẹ nhàng, đừng nắm quá chặt, quá lâu và không lắc tay.

– Không bắt tay trong tư thế đứng cao hơn đối tượng hoặc khi bạn đang ngồi, nếu không thể đứng lên kịp thì bạn cũng phải nhớn người lên một chút, để tỏ ý đang muốn đứng lên.

– Hãy nhớ lấy thuốc lá ra khỏi môi trước khi bắt tay.

– Không được sử dụng bàn tay trái để bắt tay.

– Khi gặp nhiều người, phải bắt tay lần lượt từng người, đừng bỏ sót một ai.

– Đừng dùng hai tay bắt hai người cùng lúc hoặc bắt tay chéo nhau một lượt.

– Không bắt tay nhau ở cửa ra vào, cầu thang.

– Không ngồi trên xe hơi mà thò tay ra cửa xe để bắt tay người khác.

– Khi đang ngồi, không chồm ngang mặt người khác để bắt tay người ngồi xa hơn.

– Đối với người Pháp thì bắt tay là tập quán của họ, họ có thể bắt tay chúng ta nhiều lần trong ngày, nhưng đối với người Anh nếu họ không chủ động thì bạn đừng đưa tay ra.

Ôm hôn

Tập tục ôm hôn (hai bên ôm khẽ và áp má một hai lần) và hôn tay là của người phương Tây, đến nay vẫn chưa mấy thông dụng ở Việt Nam, trong quan hệ hằng ngày chúng ta không nên dùng. Hai phép xã giao này hiện nay chỉ thường gặp trong các buổi tiếp đón ngoại giao với khách nước ngoài.

Chúng ta có thể ôm nhau trong trường hợp người gia đình, bạn bè thân thiết cách biệt lâu năm gặp lại. Còn trường hợp đặc biệt, vợ chồng hay tình nhân ôm hôn nhau (hôn môi) nên bày tỏ một cách kín đáo, tế nhị. Người Việt Nam chưa có thói quen thực hiện những cử chỉ này ở nơi công cộng.

Gửi phản hồi