Xứ Bắc Kỳ Ngày Nay – Henri Cucherousset (Toàn văn)

xu bac ky ngay nay doc online

Tên sách : XỨ BẮC-KỲ NGÀY NAY
Soạn giả : Henri CUCHEROUSSET
Dịch giả : TRẦN-VĂN-QUANG
Nhà xuất bản : L’ÉVEIL ÉCONOMIQUE
Năm xuất bản : HANOI 1924
————————
Nguồn sách : scmn-vietnam.blogspot.com
Đánh máy : Liên Phạm
Kiểm tra chính tả : Thế Ninh, Dương Văn Nghĩa
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 04/10/2018

Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận
« SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG »
của diễn đàn TVE-4U.ORG

Tải ebook XỨ BẮC KỲ NGÀY NAY trực tiếp từ diễn đàn.

Bìa sách xu bac ky ngay nay
Bìa sách

Bông May đăng toàn văn cho quý độc giả có thể đọc trực tuyến. Công ty Bông May là đơn vị phân phối và cung cấp sỉ-lẻ khăn cotton, khăn lau đa năng đủ mẫu mã kích thước cho quý khách hàng cá nhân, công ty, nhà hàng, khách sạn, Spa

CHƯƠNG THỨ NHẤT : CUỘC TRỊ-AN CỦA ĐẠI-PHÁP BẢO-HỘ

Giả sử ta hỏi các cụ già rằng : khi xưa, các cụ đương buổi thiếu-niên, thì cuộc sinh-hoạt ở các làng nhà-quê là thế-nào ? Các cụ tất hẳn sẽ tả-chân ra một cuộc sinh-hoạt không được yên-ổn, vui-thú như ngày nay.

Thuộc về cái buổi các cụ ngày xưa đó thì người ta khó lòng mà đi quan-sát các chợ ở cách xa làng nhà ; dù có du-quan ở những nơi gần-gụi cũng rất là khó-khăn nguy-hiểm. Giặc cướp luôn luôn. Ngay ở trong các làng, dân-cư cũng không được yên-ổn. Việc tuần-phòng dù cẩn-mật thế nào, những quân trộm cướp cũng kéo lọt vào giữa các làng, mà cướp phá, cùng là bắt đàn bà, con gái đem đi.

Người nào có chút đỉnh tiền bạc thì phải giấu giếm, không dám cho ai trông thấy. Vì thế mà những nhà giầu phải giả làm nghèo-khó, áo quần thì làm ra nhem nhuốc, nhà ở thì rất là tồi tàn để cho thiên-hạ không biết là mình có của. Cái tệ này lại sinh ra cái tệ khác, là kẻ nào kiếm ăn khá giả, có tiền thừa, chỉ những đem vung phá, tiệc đám cho hết đi, không bao giờ có tiền để giành cả.

Mùa màng thì bán rất khó khăn ; những đồ dùng thuộc về các nghề mọn trong nước cũng vậy, không thể nào bán được chạy. Bởi thế không ai muốn làm lụng quá cái trình-độ sự nhu-yếu của mình, thành ra cái tệ lười-biếng ; thường trong nước hay gặp những cơn đói kém thì khó lòng mà vận tải được những sản-vật nơi xa đến mà dùng. Người bản-xứ sở dĩ ăn uống kham khổ là vì thế ; thậm chí ngày nay phần nhiều người An-nam trông rất là yếu còm. Vả lại các bệnh thời-khí thì phát-hiện luôn luôn ở trong nước, những kẻ mắc phải bệnh phong, những người mù lòa khi xưa nhiều gấp mấy mươi bây giờ.

Ngày nay, khắp trong nước đều vui lòng mà làm lụng ; thóc gạo mà dư-dật thì lại bán được rất lợi, xứ Bắc-kỳ xuất-cảng gạo và bắp đi ra các nước rất xa xôi. Những đồ thường dùng xuất-sản ở các làng, đem ra các tỉnh-thành thì người ngoại-quốc và những người hào phú bản-xứ đều mua nhiều lắm, vả lại có nhiều thứ hàng tải đi bán ở xứ Nam-kỳ.

Người buôn bán được nhiều tiền thì đem tậu ruộng, làm nhà gạch sang trọng để ở, cách vận-tải thì bằng xe-lửa, cùng là tàu thủy hay là đi ô-tô, lại mua những đồ dùng thông thường, và khí-cụ, cùng là các máy móc. Đi đường thì không lo nỗi giặc cướp, trong các làng, trộm cướp cũng ngày càng ít đi. Như vậy, người ta há lại chẳng vui lòng mà làm lụng hay sao ? Sự ăn uống cũng được sung-túc : ngày nay thì ăn cơm, lại có bánh tây và những thứ bánh ngọt làm bằng bột mỳ, toàn là những thực-phẩm rất bổ : lại nào là cá mắm khô, nước mắm Nam-kỳ và Cao-miên. Người ta thường ăn thịt bò tươi cùng là thịt trâu. Sữa hộp là một thứ vật-thực rất bổ cho trẻ con mà lại không phải là một vật hiếm hoi gì.

Ở các làng đều thắp bằng đèn dầu tây, ban đêm có ngọn đèn sáng sủa, trông thực là vui mắt, làm việc đêm rất tiện, không lo ngại gì cả. Những nông-khí cùng là các máy móc về nghề tơ thì rất tinh xảo ; hiện nay nhiều những nhà nghề đều có máy dệt bít-tất. Chợ nào cũng có bán rất nhiều những sợi bông, sợi tơ, chỉ, kim, thắt lưng, v.v…

Người nhà-quê có thể đi xa, lộ-phí không tổn mấy mà đi đường rất là yên ổn, ban đêm mà đi từ trong làng tới ga-xe-lửa, hay từ ga-xe-lửa về tới làng nhà, cũng không ngại ngùng gì.

Tại sao người bản xứ ngày xưa lại nghèo khổ, ăn uống kham-khổ ; suốt đời lo sợ, không bao giờ đi ra ngoài cái bụi tre làng nhà, mà bây giờ thì cách sinh kế rất dễ dàng, ăn uống thì sung-túc, áo quần được ấm-áp, cùng là đi chợ-búa hoặc là đi từ nhà lên huyện, lên tỉnh, không sợ hãi gì cả, thường khi lại đi thăm bà con chúng bạn ở những xứ rất xa, còn như tin tức ở đâu thì cũng tiếp được luôn luôn, nhỉ ?

Số là nhờ vì những sự kết-quả của các thời-đại bình-trị.

Vì rằng khắp trong nước, sự cảnh-sát đều được chỉnh đốn, các xứ lân-bang đều kính nể. Người khách vốn buôn bán rất khéo, có tới bản-xứ để lập thương-điếm, cũng phải tuân theo phép-luật bản-xứ, chứ không dám gây loạn như xưa. Những hạng người nghèo khổ thì đều kiếm được việc làm ở những sở mỏ, các nhà máy, hoặc là các việc công-chính, không phải đi trộm cướp như xưa mới có miếng ăn nữa ?

Vậy cuộc bình-trị là sự hạnh-phúc rất lớn lao cho ta : nhờ vì ai mà trong nước được hưởng cuộc bình-trị nhỉ ? Há lại chẳng phải là nhờ về nhà-nước Bảo-hộ hay sao ? Nhờ về nhà-nước bảo-hộ, mà người ngoại-quốc không thể nào tới đây quấy nhiễu ; lại nhờ về nhà-nước Bảo-hộ thi hành những luật trừng trị để ngăn cấm những kẻ hào-cường không dám áp-chế những kẻ nghèo khổ yếu đuối, không bao giờ lại để những kẻ lười biếng, những quân du-đảng đoạt mất phần công khó nhọc của những kẻ lao-động.

Sự trật-tự cùng là cuộc trị-an, tức là một sự sở-đắc thứ nhất của dân-chúng vậy.

Dinh quan Toàn-quyền tại Hanoi
Dinh quan Toàn-quyền tại Hanoi
Một khu tại vườn Bách-thú Hanoi
Một khu tại vườn Bách-thú Hanoi

CHƯƠNG THỨ HAI : QUỐC DÂN NGÀY MỘT THÊM SUNG TÚC

Sự giàu sang không phải là cái hiện-trạng mà cũng không phải là cái căn-nguyên tối-yếu của sự văn-minh đâu. Chân văn-minh là do phong-hóa, do tâm-lý và do linh-thần ! Một dân nghèo cũng có thể là một dân rất văn-minh ; mà một dân cự phú có khi cũng vì sự giầu lại sinh ra tệ lậu. Vì thế người bản-xứ không phải là chỉ hi-vọng Đại-Pháp những sự tiến-bộ riêng về vật-chất mà thôi đâu.

Thế nhưng sự tiến-bộ về đường tinh-thần là gồm chung cả quốc-dân mới được, chứ không phải là riêng về một số ít người đâu. Nhưng phải biết rằng : quốc-dân mà được sung túc thì về đường tinh-thần mới có cơ tiến-bộ được. Người ta mà quá ư nghèo khổ thì tất sinh ra trộm cướp, lười biếng, tức là cái trứng bệnh nó sinh ra những điều tệ-lậu khác. Nói tóm lại thì người ta mà nghèo khổ, tất là không làm được điều thiện. Người ta dù nghèo khổ đến đâu, cũng phải ăn uống no đủ thì sức vóc mới mạnh khỏe. Nhà ở thì phải rộng rãi, sạch sẽ, khi rét thì có áo cho đủ ấm, khi bức thì có áo che để không đến nỗi phơi nắng. Thế mà ngày nay, biết bao nhiêu làng, vẫn còn hàng nghìn, hàng vạn người yếu đuối, không có khí-lực để lao-động là vì ăn uống kham khổ. Lại biết bao nhiêu những kẻ mù lòa, cùng những người mắc bệnh phong ; nói tóm lại thì dân ta, về phần nhiều, y phục rất là sơ sài.

Thường ta trông thấy biết bao túp nhà lá nhỏ hẹp tồi tàn. Tuy vậy cũng đã nghiệm thấy cuộc hoán-cải rất lớn lao ! Như là khắp xứ Bắc-kỳ này, ở những làng nhớn, gần ở nơi thành-thị, đã thấy làm nhiều nhà bằng gạch, lợp ngói, có cửa kính cửa chớp. Những người giầu thì ở những nhà như là những nhà của người tây, trong nhà bầy toàn những đồ dùng rất tiện-lợi ; những người đi làm công tầm thường, mà sự sinh-hoạt cũng sung túc như người giầu đời xưa. Về phần nhiều thì có áo quần để thay đổi, như mùa rét thì có áo ấm ; lắm người vận đồ tơ lụa ; mùa đông thì nào đồ dạ, đồ nỉ. Ở các làng thì ban đêm thắp toàn bằng đèn dầu hỏa, kẻ thì làm, người thì chơi ở sung quanh ngọn đèn sáng sủa. Những nơi thành-thị đều thắp bằng đèn điện, như là Hanoi, Hải-phòng, Lao-kay, Bắc-ninh, Nam-định, Hà-đông, Doson, Hongay. Những nơi chưa có đèn điện thì có nhiều những nhà máy dùng máy sinh-điện để cử động các thứ cơ khí, như là : máy in, máy cưa, máy ép dầu, các sưởng thợ tiện cùng các sở làm máy v.v…

Nhờ có xe-lửa thì vừa đi được xa, vừa không tổn mấy chút lộ-phí, lại đỡ sự mệt nhọc. Nhưng hạt nào không có xe-lửa thì có ô-tô để trở hành-khách. Ngày nay nhiều người bản-xứ có ô-tô riêng, vả lại có xe-đạp là một cách vận-tải tối tân của người đời nay, làm cho sức khỏe của người ta tăng lên gấp năm lần ; bởi vậy ở bản-xứ thì xe-đạp rất là thông dụng. Về những hạng xe-bò thì nay cũng chế ra những kiểu rất tinh xảo, như là một cái xe-bò, mà ba người có thể trở được những mười tạ hàng thì xưa kia phải dùng tới đôi mươi người mới đẩy đi được. Mới vài mươi năm nay, hạng xe này hãy còn hiếm lắm, vì phần nhiều đường đi không lát đá, thế mà bây giờ lắm tỉnh kể hàng mấy mươi nghìn xe chạy hàng ngày.

Nói tóm lại thì vào khoảng mười năm nay, ở xứ Bắc-kỳ này, cuộc sinh-hoạt đã được sung túc. Cách ở, cách mặc, cách ăn uống đều phong phú, nhờ vì thế mà những bệnh tật, ngày càng bớt đi. Về những bài sau, thì cứ lần lượt mà nói đến những công-cuộc đã thực hành theo như trật-tự sau này : kỳ thủy về cuộc điều-trị bệnh-tật thì lập ra những bệnh-viện, những trại riêng về bệnh phong, v.v… dần dần thì có cuộc phòng-bị các thứ bệnh tật : nào là việc vệ-sinh thì cốt nhất là sự sạch sẽ ; nước uống thì phải lọc ; về trẻ con thì thoạt khi mới lọt lòng mẹ, đã phải giữ gìn săn sóc để tránh khỏi nhiều những bệnh-tật rất nguy hiểm cho đứa hài-nhi.

Xứ Bắc-kỳ đương buổi tiến hành. Phố hàng Đào Hanoi
Xứ Bắc-kỳ đương buổi tiến hành. Phố hàng Đào Hanoi
Một phố An-nam tại Hanoi.
Một nước thịnh-hành là nhờ về sự trật-tự và cuộc trị-an.
Một phố An-nam tại Hanoi.
Chợ Đồng-xuân Hanoi.
Cái quang-cảnh thương-giới đương buổi thịnh hành.
Chợ Đồng-xuân Hanoi.

CHƯƠNG THỨ BA : SỰ VỆ-SINH VIỆC PHÒNG BỆNH

Cứ bình-tình mà nói thì xứ Bắc-kỳ này, thủy-thổ không được tốt lành. Người bản-xứ hễ đi xa nơi đồng-bằng, hoặc là những miền lưu-vực lớn của nông-dân sinh-nghiệp thì phải bệnh ngay. Dân Thổ mà xuống miền đồng-bằng chốn hạ-du, trong ít ngày cũng sinh bệnh. Dân Mán thì chỉ ở đỉnh núi mới được khỏe mạnh.

Người bản-xứ chen chúc nhau ở miền hạ-du, giả sử bảo đi cầy cấy những nơi phì-nhiêu chi địa ở miền thượng-du, thì đều trả lời rằng : ở đó nước độc.

Tuy rằng ở nơi đồng-bằng là nơi mà người bản-xứ đã quen về thủy-thổ, cũng không thực được khỏe mạnh. Về phần nhiều thì toàn là những người bé nhỏ gầy còm, lại nào là những kẻ mù lòa, nào là những người mắc bệnh phong. Ở nhà-quê thì biết bao nhiêu là người ghẻ lở, nơi thành-thị, những người vào hạng học-thức, thì hầu hết là người yếu còm, mặt mày hốc hác, lắm người đương thuở thiếu-niên mà đã chết non.

Về người Âu-châu, khi còn ở nước nhà thì rất khỏe mạnh, sang ở bản-xứ, chỉ trong vài ba năm, đã thấy mệt nhọc phải giở về mẫu-quốc để tĩnh dưỡng.

Thường đồ cho là thủy-thổ : Bắc-kỳ là một xứ nóng, cho nên khí-tiết độc.

Nói như thế là sai lầm. Tiết-giời nóng bức không độc hơn tiết-giời những xứ khác đâu. Nguyên là những người sinh trưởng ở những xứ lạnh, trong khi ở những xứ nóng mà phải lao-động thì lấy làm khó nhọc, bởi thế trông người bản-xứ như là mỏi mệt, bề ngoài tưởng là lười biếng, nhưng phải biết rằng ở bản-xứ đất thì tốt, hoa-lợi thì rất nhiều, cho nên không cần phải lao động một cách quá-đáng ; lại cũng không cần lấy áo-quần là cần lắm : vả người ta nhờ về trí-khôn mà chế ra máy móc để thay vào nhân-công. Thế thì không phải lo nỗi tiết-giời nóng bức làm giảm mất nghị-lực của người ta đâu.

Người ta sở dĩ lắm bệnh-tật, hay yếu mệt, cùng là biếng nhác là vì những nguyên nhân khác kia.

Những nguyên-nhân này tức là những con vật rất nhỏ, mắt người ta không thể nào trông rõ được : là những loài vi-trùng. Có hai thứ vi-trùng : một thứ, thì bổ cho người ta, một thứ thì rất hại cho tính mệnh người ta. Loài vi-trùng sinh hoạt ở trong máu người ta. Hai thứ vi-trùng ở trong máu người ta thì kỵ lẫn nhau, cùng nhau tương lân tương hại luôn luôn. Nếu những con trùng bổ-dưỡng cho khí-huyết mà bị hại, hoặc là yếu đi thì trong thân-thể người ta, thấy mệt nhọc. Những loài trùng độc thắng được những loài trùng kia thì sinh-sản ra rất mau, rồi thành ra lắm thứ bệnh.

Vậy ta phải trừ những loài trùng độc đi.

Muốn trừ những loài trùng độc thì phải giữ gìn cẩn thận : nhất là về thân-thể, áo-quần, cùng là những đồ dùng về việc ăn uống.

Chớ nên trực-tiếp với những kẻ mắc phải những bệnh nguy-hiểm. Thảng hoặc mà phải phục thuốc cho những người mắc các bệnh nguy-hiểm thì ngay khi xong việc, phải tắm rửa và tẩy giặt áo-quần ngay tức thì.

Chớ nên ăn những rau sống, những thịt tươi (chưa nấu chín) cùng là những thịt có ruồi đã bậu vào.

Ta chớ nên để muỗi đốt, vậy phải trừ loài muỗi đi. Việc này rất là hệ trọng.

Chớ có uống nước bẩn hoặc là nước hôi hám. Chỉ nên uống nước đã đun sôi, hoặc đã lọc, hay là đã hòa thuốc để trừ trùng. Người bản-xứ rất sợ nước ở trong rừng hay ở miền núi chảy ra, là phải lắm : bởi vì nước chảy như thế, khi thấm qua đá, tất là có những loài kim-khí thời vào nước, làm cho nước có những chất độc. Nước ở trong rừng chảy ra, thấm qua những cành cây, lá cây rụng, tất cũng thôi những chất độc vào trong nước.

Thế nhưng lại còn một việc tối cần nữa, là những khi có bệnh thời-khí phát khởi ở dân thì giữ cho cái thế bệnh không bành-trướng lên được. Giả sử trong một thành-phố mà trăm người phải bệnh dịch-tả thì cái việc dĩ nhiên là điều-trị người ta cho đỡ sự đau đớn, mà cứu cho nhiều người được khỏi sự nguy-hiểm. Thế nhưng lại còn một điều hệ-trọng hơn nữa là giữ cho bệnh dịch-tả này không lan ra tới vạn muôn người khác, nếu để như vậy thì không thể nào có đủ thầy-thuốc để điều trị các bệnh-nhân được. Thế nhưng người ta mà chưa phải bệnh thì ai còn biết lo về bệnh hay sao ? Bởi vậy khó lòng mà diễn-giải cho những người không phải bệnh hiểu rằng việc đốt việc tẩy nhà và quần áo cùng là việc uống thuốc kỵ-bệnh tức là những cách phòng bệnh vậy.

Về mùa đông thì phải mặc áo cho đủ ấm áp, nhưng khốn thay ! Người bản-xứ, phần nhiều nghèo khổ, lấy đâu lắm áo ấm để vận cho đỡ rét. Người ta phải ăn những món nấu chín, những món bổ khi còn đương nóng. Nhưng, khốn thay ! Người bản-xứ không biết nấu đồ ăn, lại ăn uống rất ít, và rất cẩu thả !

Ban đêm cứ đúng hạn giờ thì phải đi ngủ, chớ nên thức khuya, đánh bài đánh bạc.

Nhà nước Bảo-hộ vẫn rất săn sóc việc vệ-sinh cho quốc-dân. Hiện đã dựng nên một sở y-tế và một sở vệ-sinh. Những công việc này có ba mục-đích : giữ cho người ta khỏi bệnh-tật ; phòng những bệnh truyền nhiễm, cùng là điều-trị những bệnh-nhân.

Việc điều-trị những bệnh-nhân là việc khẩn-cấp, phải thực-hành trước tiên cả. Bởi thế khắp trong nước, quốc-dân đều thâm tạ chính-phủ đã dựng nên những bệnh-viện lớn lao, lại tuyển sang bản-xứ các bậc y-sĩ đại-danh, cùng là các nhà giải-phẫu và các nhà bào-chế. Các nhà cự-phú, những khi lâm sự, giả sử mất bao nhiêu tiền mà gập được những bậc y-sĩ đại tài, gập thầy gập thuốc thì cũng vui lòng.

Còn một việc quan trọng hơn nữa mà người ta không trú ý đến là việc phòng những bệnh không trông thấy, tưởng như là không hề khi nào mắc phải. Những khi có bệnh dịch-tả làm hại dân-chúng thì dù những người khỏe mạnh cũng đành phải tuân hành những lệ-luật phòng bệnh của sở Cảnh-sát. Chẳng qua là chỉ vì khiếp sợ bệnh, mới bỏ bớt những cái thói hủ lậu, đành phải tuân theo lệ-luật vệ-sinh. Giả sử không thấy ai nói đến bệnh truyền nhiễm, không ai lo sợ về bệnh, mà đem những cách phòng-bệnh và trị-bệnh của các nhà y-sĩ đã công-bố là tối cần thì khó lòng mà khích khuyến cho công chúng tuân theo. Ngay ở nước Anh là nước đã tìm ra cách trủng-đậu mà ngày nay cũng vẫn còn có kẻ không chịu giồng đậu. Ở tại xứ Bắc-kỳ này, biết bao nhiêu người không tuân hành những điều-lệ vệ-sinh ? Duy có Nam-định là vẫn treo gương là một thành-phố rất vệ-sinh, bao giờ cũng thi-hành những cách phòng bệnh dịch-tả. Vốn là khi trước, bệnh dịch-tả làm hại thành-phố này nhiều lắm. Quan sở-tại bèn truyền lệnh cho hàng phố rằng nhà nào cũng phải quét vôi mỗi tuần lễ một lần. Từ đó tới nay, thành-phố Nam-định vẫn cứ giữ cái lệ mỗi tuần lễ một lần quét vôi như thế.

Sau đây ta giảng giải về các mục-đích thứ ba của sở vệ-sinh và y-tế.

Sở Vệ-sinh và Y-tế này có cái nhiệm-vụ :

– Một là cấm người ta không được ở những nhà chật hẹp quá, cùng là ẩm thấp và tối tăm. Ở các thành-phố, trước khi làm nhà, hoặc là chữa nhà mà thay đổi nhiều thì phải đem kiểu nhà trình sở Vệ-sinh, hễ kiểu nhà mà hợp lệ thì mới được phép khởi-công. Cái lệ này là một việc hay cho ta, chứ không phải là phiền nhiễu đâu.

– Hai là định cách cho thành-phố có nước trong sạch để ăn uống. Công cuộc này vốn sở tổn nhiều, mà đem thực-hành thì phải lâu năm mới kết-quả được. Tại thành-phố Ha-noi có một nhà máy bơm nước sông để lọc bằng những máy lọc, rồi mới để cho công-chúng dùng. Tại Hai-phong có một nhà máy nước, phải vận nước từ chỗ cách xa những 35 ki-lô-mét đến. Tại thành-phố Hà-đông, Nam-định hiện nay cũng đương trù-liệu việc lập nhà máy lọc nước như ở Hanoi và Hải-phòng. Tại hạt Hà-đông, hiện đã có nhiều làng tự mua máy để lọc nước.

– Ba là đặt lệ bắt các nhà trong thành-phố đều phải giữ gìn sân, thềm, cầu rửa và nhà xí cho sạch sẽ luôn luôn. Về việc vệ-sinh thì sở cảnh-sát rất là nghiêm-khắc, thế nhưng công chúng lại nên yêu cầu sở cảnh-sát phải nghiêm khắc hơn nữa. Ở các nước, các viên cảnh-sát vệ-sinh mà khám nhà nào có mảnh bát vỡ ở trong sân thì cũng phạt. Vì mảnh bát vỡ mà không quẳng đi xa chỗ nhà ở, nước tích trong bát vỡ, tất sinh ra muỗi.

– Bốn là việc trủng đậu. Bệnh lên đậu rất là nguy hiểm, xưa kia thường hay phát hiện ở bản-xứ. Bệnh này thường loài bò và trâu hay mắc phải, song trâu bò mắc phải thì không chết. Giả sử ta lấy mủ con trâu non phải bệnh, ta cạo ở cánh tay một người khỏe mạnh cho sây da ra, rồi ta bôi cái mủ trâu kia vào chỗ sây da ở cánh tay người thì người này cũng phải bệnh, nhưng bệnh nhẹ mà thôi. Phần nhiều thì người phải bệnh như thế, không thấy gì cả, như không vậy. Bôi mủ trâu có bệnh như thế một lần rồi thì trong suốt năm năm không mắc phải bệnh lên đậu nữa. Người nào trong đời mình cũng phải trủng đậu mươi lần như thế, mà hễ động thấy bệnh lên đậu thành ra bệnh thời-khí thì phải trủng đậu ngay.

– Năm là xem xét việc hộ-sinh. Giữ cho người ta khi lọt lòng mẹ, được thoát khỏi các trứng bệnh, tức là một cái nhiệm-vụ tối cần đối với nhân-loại. Bởi thế nhà nước lập ra nhà thương nào thì cũng lập kèm theo nhà hộ-sinh, có các quan thầy thuốc thiện-nghệ, cùng là các bà đỡ đã thạo công việc hộ-sinh. Nhà nước lại lập ra một tràng học để luyện đạt các cô-đỡ, lấy sự sạch sẽ trong việc hộ-sinh là quan trọng nhất.

– Sáu là việc phòng bệnh sốt. Những miền rừng và miền trung-du thường có bệnh sốt, vì rằng :

1. Những hạt này không cấy cầy. Việc nông-phố làm cho các hạt chỉ trong vài năm là hết sự lam-chướng.

2. Vả lại những miền lam-chướng thì nước rất độc, vì không có ánh mặt giời chiếu vào. Những nước này thì trước khi dùng phải đun sôi, hoặc là phải lọc cho sạch.

3. Vả những hạt này có lắm muỗi, tiết giời thì lạnh lẽo, những người ở gần các miền rừng hoặc đi du-hành ở miền núi thì người nào yếu đuối, ăn uống không được khỏe, hay phải bệnh sốt lắm. Trước khi nổi cơn sốt mà uống thuốc quinine thì giữ được bệnh sốt không lên cơn ; nhà nước rất lưu tâm về việc phát cùng là bán thuốc quinine thực tốt cho quốc-dân. Vậy những thợ thuyền, những quân lính mà phải đi đến những xứ lam-chướng thì người chủ hay người đốc-công đều phát thuốc quinine cho để giữ mình.

Sự vệ sinh của quốc-dân trước phải săn sóc cho trẻ con, nhất là về những nhà nghèo khó ; mà thuộc về những nhà giầu thì do những cách dậy bảo học-trò theo cách vệ-sinh. Mới đây hộ Khai-Trí-Tiến-Đức thực-hành cái ý-kiến của quan cai-trị Marty cùng là quan tổng-đốc Hoàng-trọng-Phu mà khích-khuyến các làng để lập ra một hội chuyên về săn sóc, rửa tắm, nuôi nứng những trẻ con nhà nghèo. Quan Thống-sứ Monguillot cũng hạ cố đến mà đỡ đầu cho hội này, tức là hội tổ-chức những « Ấu-trĩ viên » ở trong nước. Cái nghĩa-vụ của những hào-mục các làng là phải giúp cho hội này được thành-đạt.

Nhà nước có cử một viên đại-úy Đại-pháp để tổ-chức cái công cuộc tập cho những học sinh các tràng trung-học và những tràng học các thành-phố được khỏe mạnh cứng cáp. Cái công cuộc này, người đời xưa đều cho là cái trò cười. Xưa kia, ai mà chẳng khen những thày học-sinh suốt ngày cắm cúi về việc sách đèn, quá ư lao khổ đến nỗi người thì gầy còm, má thì lõm, chân tay khẳng khoeo, móng tay thì thực dài.

Ngày nay, người ta thường nói : « cái tinh-thần mạnh mẽ trong cái thân-thể mạnh-mẽ ». Vậy trước hết là cần phải có sức khỏe. Các tràng học ngày nay đều dậy thể-thao, luyện tập học trò về những cuộc chơi đùa cho khỏe chân mạnh tay. Người thông-thái mà yếu đuối, thường có tính ác-nghiệt ; còn như người thông-thái mà khỏe-mạnh thì hiếm có người ác-nghiệt.

Về cái mục đích thứ hai : là trừ bỏ sự truyền-nhiễm.

Ở Bắc-kỳ này thì ghê gớm nhất là bệnh phong. Ít lâu nay, những người mắc bệnh này mà bệnh còn nhẹ, có thể điều trị ở nhà được thì nhà nước săn sóc luôn luôn. Nhà nước có lập ra những trại hủi để điều trị những người giầu hay nghèo có bệnh mà thể bệnh đã nặng rồi. Người nghèo thì nhà nước đem đến trại hủi để phục thuốc : người giầu thì tình-nguyện đến để điều trị.

Trại hủi là một cái làng cách biệt nơi đô-hội, thường là một cái đảo. Các bệnh-nhân thì mỗi người có nhà hay là phòng riêng, nơi ăn chỗ ngồi thì sạch sẽ luôn luôn. Lại có vườn hay ruộng để mọi người đều làm lụng cho tiêu khiển, hoặc là để nhân cuộc lao-động mà sinh lợi. Người nào bệnh nặng thì chẳng những là nhà nước săn sóc cùng là giúp đỡ mà thôi, lại có nhà thuốc để điều-trị nữa. Ở trại hủi thì giữ gìn cho các bệnh-nhân đều sạch sẽ, không phải lo phiền sự gì, cốt để làm cho cuộc sinh hoạt khỏi phải cực khổ.

Ngày nay không đâu trông thấy những người hủi đi khắp các phố, các làng, các chợ để ăn mày nữa, vậy không phải lo nỗi họ truyền nọc bệnh đi các nơi.

Bệnh dịch-tả và bệnh dịch-hạch thì nay, ngày càng thấy ít lắm rồi. Khi nào mà chính-phủ có tin báo những xứ láng-giềng có bệnh dịch thì lập tức thi-hành lệ-luật vệ-sinh rất nghiêm-khắc ở các miền giáp-giới : những hành-khách trước khi qua vào địa-hạt bản-xứ thì phải có quan thầy-thuốc xét xem có phải là thực không mắc bệnh, thường khi người khỏe mạnh cũng đem giữ lại trong một nhà thương riêng độ 8 hay 15 ngày. Tại xứ Bắc-kỳ này mà ở hạt nào có bệnh thời-khí thì người có bệnh phải vào một nhà thương riêng để phục thuốc. Trong nhà thương này thì chỉ có những người cùng mắc phải một bệnh thời-khí mà thôi. Lại phải thi hành những cách để giữ cho bệnh không bành-trướng lên được. Vậy người nào phải bệnh mà chết ở nhà thì người nhà hay là thầy thuốc phải lập tức khai trình quan sở-tại. Nếu là bệnh truyền-nhiễm mau lắm thì sở vệ-sinh bắt phải tống táng ngay lập tức, rồi tẩy uế nhà người chết : cửa nhà thì hun thuốc, áo quần thì bỏ vào nồi hấp.

Lắm bệnh thì có thể trừ tiệt ngay từ khi mới phát hiện. Vì cái mục-đích này cho nên ở các thành-phố lớn đều có những sở thăm-bệnh, ra vào tự do, không mất tiền mà cũng có quan thày thuốc của nhà nước xét bệnh cùng là phát thuốc cho. Những sở này gọi là sở thăm các bệnh.

Đây ta lại nên nói về các bệnh tật.

Ít lâu nay, ở Hanoi, Hải-phòng, Nam-định và nhiều nơi tỉnh-lỵ đều có nhà thương, dần dần thì khắp các tỉnh-lỵ cũng đều có nhà thương. Nhà thương thì thuộc quyền một viên thày thuốc hoặc là một hay nhiều thày-thuốc người bản-xứ quản-trị. Ở các nhà thương này thì những nghèo không phải giả tiền ; nhưng người giàu thì phải giả tiền ít mà thôi. Nhà thương nào cũng có phòng thăm bệnh. Hoặc là trị bệnh bằng thuốc, hoặc là trị bệnh bằng cách giải-phẫu. Khoa giải-phẫu là một cách trị-bệnh chóng công-hiệu nhất. Lắm bệnh thì chỉ có cách điều-trị này là công-hiệu mà thôi. Giải-phẫu tức là trích mổ người có bệnh mà lấy cái bộ phận trong thân-thể mắc bệnh để bỏ đi. Việc giải phẫu thì phải những tay y-sĩ có giá-trị lắm mới làm được.

Trong mấy năm nay, nhà nước tuyển sang bản-xứ những thày-thuốc chuyên-môn riêng về mỗi bệnh. Lại có những nhà thương riêng về các bệnh. Tại xứ Bắc-kỳ này, nhiều người hay phải bệnh đau mắt. Vậy là đã lập ra những nhà thương chữa mắt rất là danh tiếng, vì hằng năm làm cho kể mấy trăm người lòa lại sáng mắt ra, trông rõ được. Những thày thuốc cùng là những người khán-hộ ở những nhà thương này thì đều là những tay chuyên-môn cả. Ngoài việc trị bệnh thì lại truyền bá trong nước những cách chữa mắt, cùng là những cách để tránh khỏi bệnh đau mắt.

Còn một bệnh nữa rất là ghê gớm, là bệnh ung-độc. Mới đây bệnh này không có cách nào trị tiệt hẳn được. Người có bệnh chỉ đành sống ngày nào là để đợi chết mà thôi. Hiện nay ở Hanoi, đương làm một nhà thương riêng để điều-trị những người phải bệnh ung-độc, hi-vọng sau sẽ cứu được thực nhiều người khỏi bệnh. Bệnh này trị bằng chất « quang », là một chất đắt tiền lắm. Chỉ là những nước thực là cự phú mới có thể mua được chất « quang » mà thôi.

Bệnh chó dại cũng rất là ghê gớm, thường hay phát hiện ở xứ Bắc-ký, vì loài chó ở bản-xứ rất nhiều. Một nhà bác-sĩ đại-danh nước Pháp đã tìm ra được cách trị-bệnh này. Khắp thế-giới đều kính trọng bác-sĩ Pasteur như một ông thần vậy. Tại Hanoi, Saigon và Nha-trang đều có viện Pasteur, hễ ai bị chó dại cắn thì phải đưa đến viện Pasteur để điều-trị ngay lập tức.

Nhà thương trị bệnh đau-mắt ở Hanoi.
Những công-cuộc chế-trừ những bệnh rất nguy-hiểm.
Nhà thương trị bệnh đau-mắt ở Hanoi.
Trại hủi ở hạt Hà-đông.
Trại hủi ở hạt Hà-đông. Những gian nhà làm bằng lá. Mỗi gian hai người ở.
Nhà chế thuốc giồng đậu ở Hà-đông.
Cuộc trị bệnh đậu mùa. Nhà chế thuốc giồng đậu ở Hà-đông.
Nhà thương ta ở Hanoi : Một phòng các bệnh-nhân.
Nhà thương ta ở Hanoi : Một phòng các bệnh-nhân.
Cuộc tập thể-thao tại tràng Thể-dục Hanoi.
Những cách tập thể-thao để cho thân-thể khoẻ mạnh thì trí-khôn mới tinh-khôn. Cuộc tập thể-thao tại tràng Thể-dục Hanoi.
Hanoi – Tràng thể-dục. Mấy nhà võ-cử tương lai.
Hanoi – Tràng thể-dục. Mấy nhà võ-cử tương lai.

CHƯƠNG THỨ TƯ : HỌC CHÍNH NGÀY CÀNG MỞ RỘNG

Người An-nam vốn trọng học-vấn. Xưa kia, các bậc sĩ-tử nước nhà theo đòi hán-học, lấy kinh truyện làm gốc của nho-học. Tứ thư ngũ-kinh dậy về luân-lý, là một môn học rất bổ ích cho người ta ; thế nhưng toàn là những sách không bàn đến khoa-học tối-tân. Các bậc nho-sĩ ta ngày xưa chỉ am-hiểu về đạo làm người. Thực là một sự hay lắm, nhưng ngoài cái đạo làm người thì không biết chi chi cả. Nhà nho ta thuộc lầu kinh truyện, nhưng không biết đến những tư-tưởng cao-thâm của các bậc hiền-triết các nước khác, là những bậc hiền-triết xuất-hiện trong thế-giới, sau đức Khổng-tử ; các bậc hiền-triết này thì đã phát-minh ra các môn học về những sự bí-mật của tạo-hóa, khiến cho cái thế-lực của nhân-loại ngày thêm mãnh-liệt. Vả khi xưa, người ta theo đòi hán-học thì mất nhiều thì-giờ, hao tổn mất lắm công-phu.

Vì thế các nhà mục-sư Âu-châu khi sang tới bản-xứ thì nghĩ ra được cách viết tiếng ta theo như tiếng nói, cách viết rất dễ dàng : tức là chữ quốc-ngữ. Nhờ về chữ quốc-ngữ, mà đứa trẻ có khiếu thông-minh, chỉ học trong vài ba tháng là có thể nghe thấy nói gì cũng viết ngay ra giấy được. Như vậy thì sự học không như trước nữa, chỉ do ký-ức mà thôi, đứa trẻ con học gì thì tự hiểu ngay được.

Đã mươi năm nay, các làng nhà quê, phần nhiều có tràng học để dạy trẻ con viết và đọc quốc-ngữ. Ngày nay, ở bản-xứ lại có xuất-bản rất nhiều sách và các thứ báo bằng quốc-ngữ nữa.

Các làng đều theo kỳ-hạn mà nhận được : nào là những tập công-văn, những bản lệ-luật, những tờ sức của nhà-nước, toàn bằng quốc-ngữ. Trong làng thì người nào cũng có thể tới nhà công-quán mà xem xét những tập công-văn, lệ-luật và các đạo trát-sức của quan trên.

Tiếng An-nam vốn là một thứ tiếng nghèo, không đủ tiếng để dùng về những sự mới. Các sách cách-trí đều bằng pháp-văn thì khó lòng mà dịch ra quốc-ngữ cho sát nghĩa được. Vì thế mỗi năm, chỉ xuất-bản có vài ba cuốn sách bằng quốc-văn mà thôi. Việc dịch sách này trong một thời-kỳ rất lâu nữa, mới có cơ tiến-bộ được.

Thế nhưng người An-nam, chỉ trong vài năm là học thông tiếng Pháp, luận-thuyết được với những người Pháp có học-thức, hiểu được những lời ông giáo Đại-pháp giảng nghĩa về bài học. Lại có thể đọc thông mà hiểu nghĩa các sách bằng tiếng Pháp về luân-lý, về triết-học cùng là khoa-học.

Vì cái mục-đích này, cho nên khắp các tỉnh-lỵ đều mở tràng học để dậy tiếng Pháp. Lắm hạt thì trong cùng một tỉnh-lỵ mà có nhiều tràng học để dậy tiếng Pháp.

Những học-trò có khiếu thông-minh hơn cả trong bọn học-sinh đồng-thời thì có thể học tới bậc thành-chung, hoặc là vào tràng Bảo-hộ Hanoi ; hoặc là tràng trung-học tây. Ở những tràng này thì các ông giáo-sư Đại-pháp dậy về khoa-học Âu-châu. Trên bậc trung-học thì có các tràng cao-đẳng. Những học-trò có bằng chung-học tốt-nghiệp thì mới được vào học các tràng cao-đẳng. Về những tràng cao-đẳng thì ở ban công-chính, các nhà kỹ-sư tương-lai đều học đòi về môn kiến-chúc ; cách mở đường, cách làm cầu, làm cống, cùng là đặt đường xe-lửa. Ở tràng Lâm-nghiệp cao-đẳng thì học về các thứ lâm-sản, như là các hạng gỗ, cách vun giồng cho loài thực-vật sinh sản nhiều hơn ra. Ở tràng Y-tế cao-đẳng thì các thầy thuốc tương-lai chuyên-tập cái môn học về thân-thể ; về các vị thuốc, tức là cái môn điều-trị các bệnh tật, cùng là phòng-bị những bệnh thời-khí. Các nhà thú-y tương-lai thì học về bệnh-tật của loài-vật cùng là những cách trị-bệnh cho loài-vật.

Kẻ lao-động cũng có nhiều những tràng kỹ-nghệ để học những nghề nghiệp mới. Tại Hải-phòng thì có một tràng riêng để luyện-tập những người thiếu-niên bản-xứ về nghề cơ-khí cùng là nghề làm tài-xế ở các nhà máy sắt. Những học-trò xuất thân ở những tràng học này thì đều được học tập về các nghề-nghiệp một cách rất tinh-xảo, về sau làm lụng có phần khéo hơn những thợ khách.

Tại tràng kỹ-nghệ Hanoi thì chuyên dạy về nghề đóng các đồ gỗ, nghề đúc đồng, vân vân. Những thợ này vừa phải lao-động bằng tinh-thần, cùng là lao động bằng hai cái bàn tay.

Về đường nông-phố thì có hai nhà tràng : một tràng ở Phú-thọ và một tràng ở Tuyên-quang. Các nhà điền-chủ có thế-lực ở bản-xứ đều cho con đến những tràng Nông-nghiệp này để học tập về cách bón phân, cách chọn hạt giống ; cách bài-trừ những bệnh của loài thực-vật, cùng là cách dùng những nông-khí lối mới.

Muốn cho những tràng học này được tiến-hành thì cái căn-bản việc học-chính là cái nền học sơ-đẳng phải bành-trướng lên mà lan đi khắp ngõ hẻm hang cùng. Ở các làng, nay nhờ về cách tổ-chức sổ dự-toán theo lệ mới, đỡ được cái khoản chi tiêu xa-xỉ về những hội đám thì nên lợi-dụng những khoản tiền này về đường công-ích công-lợi, như là việc mở tràng học. Rồi ra, mỗi làng phải có một tràng học để dạy trẻ con viết và đọc quốc-ngữ, dạy về toán-pháp, dạy vệ-sinh, lại nên dạy thêm đôi chút tiếng Pháp nữa.

Như thế, về sau mới sản ra được nhiều những học-sinh có tư-cách để theo học các tràng Pháp-học. Các tràng này sẽ tuyền lấy những học-sinh có lực-học hơn cả. Còn những học-sinh không có khiếu học, tuy không được theo đòi bậc học cao hơn, nhưng cũng biết được những sự thông-thường rất ích lợi cho người ở nơi nhà-quê : Dù làm thợ cũng bên biết đọc, biết viết, biết tính, biết đo lường v.v… ; lại thông-hiểu chút đỉnh tiếng Pháp để trực tiếp với các quan Đại-pháp trong khi có việc khiếu-nại mà phải đầu đơn lên quan sở-tại.

Tràng sơ-học yếu-lược ở làng Phương-trung tỉnh Hà-đông.
Tràng y-tế Hanoi.
Tràng y-tế Hanoi.

CHƯƠNG THỨ NĂM : NHỮNG CÔNG CUỘC TRỪ BỚT CÁI NẠN THỦY-LẠO CÙNG LÀ HẠN-HÁN

Ngay từ đời mà người Việt-nam ra khỏi cái thời-kỳ ăn lông ở lỗ, học được cách cầy cấy theo như người Trung-quốc thì đã hay gặp phải những cái nạn hạn-hán cùng là thủy-lạo.

Các đời vua ngày xưa đều khổ công giữ cho quốc-dân bớt được sự khổ-ải về những cái nạn này. Mỗi khi trong nước sẩy ra cái nạn hạn-hán hay là thủy-lạo thì nhà vua lấy thóc lấy gạo trong kho mà trần-cấp cho người nghèo khó, hoặc là miễn thuế cho dân chúng. Nhưng cái phương-pháp này có một điều tệ-lậu là giảm bớt công-ngân trong khi quốc-gia cần phải chi-tiêu nhiều về cuộc tiễu-trừ trộm cướp hoặc là để làm những công-cuộc lớn lao trong nước. Vua ta đời xưa đã có cái công đức tác-thành ra những đê-điều cùng là dựng nên cái công-cuộc giẫn-thủy nhập-điền. Nhất là đức Minh-mệnh đã thực-hành cái công-cuộc rất lớn lao này để vừa tháo nước ở những nơi đồng thấp trong khi ủng-tắc, cùng là giẫn nước vào ruộng trong khi hạn hán. Về những công-cuộc giẫn-thủy nhập-điền này thì có làm những con đường cống ngầm ở dưới chân đê ; cống thì có cửa để mở và đóng được. Trong những khi nước sông cạn thì mở cống cho nước ở đồng-bằng chẩy vào lòng sông. Trong khi nước sông lên to thì đóng cửa cống lại. Những khi nước sông lên tới cái trình-độ trung-bình thì mở cửa cống để giẫn nước sông vào nơi đồng-bằng.

Những công cuộc để trừ bớt cái nạn hạn-hán và thủy-lạo đó, vì không được hoàn-toàn cho nên thường khi không kết-quả. Vả lại khi cần phải giẫn nước vào ruộng thì nước sông hoặc là thấp hơn miệng cống, làm cho sự giẫn nước không công-hiệu, hoặc là nước sông cao-quá, khiến cho cuộc giẫn nước rất là nguy-hiểm.

Từ khi nước Nam thuộc quyền Bảo-hộ, nước Đại-pháp đem sang những chính-sách cai-trị rất công-bằng, lại tuyển sang đây các nhà kỹ-sư, các nhà bác-vật, có cái trách-nhiệm về đường khai-hóa. Lại đem sang các thứ cơ-khí rất là thần-diệu.

Cái công-cuộc trước tiên là việc họa bản-đồ bản-xứ rõ thực tinh-tế, trong bản-đồ thì một phân tây tức là 250 thước đất. Trong bản-đồ thì liệt-kê hết mọi điều mà người ta cần phải biết về bản-xứ, in bằng nhiều thứ mầu để người ta dễ nhận. Bề cao thì ghi-chép rất tinh-tường ; xem trong bản-đồ thì biết đủ mọi việc, nào là dòng nước này phát nguyên từ đâu, dòng nước kia chẩy vào miền nào ; nào là đất cao hơn mặt nước thuộc về những vụ nước lớn nhất là thế nào ? Lại có một cuộc biên chép về nước lên xuống ở các sông, cùng là những vụ nước lên, và cái độ-lượng nước chẩy trong lòng sông nữa v.v…

Nhờ về các việc đó mà ngày nay thực-hành được những công-cuộc giẫn thủy nhập điền một cách rất dễ dàng.

Về miền gần bể. – Tại miền duyên-hải thì Chính-phủ Đại-pháp cũng làm những công-cuộc như các đời vua cùng là quan ta ngày xưa, nhưng cái phương-pháp của nhà nước Bảo-hộ thực-hành ngày nay thì đích sác hơn, lại dùng toàn những cơ-khí rất mãnh-liệt. Trước hết thì đem chia địa-hạt bản-xứ làm nhiều khu, mà các khu thì không can-thiệp gì với nhau ; khu nào cũng có đê cao vòng kín. Như vậy thì nước mặn không tràn vào ruộng được ; còn nước ngọt thì cần đến chừng nào là cứ việc tháo vào, hễ nhiều nước quá thì lại tháo bớt đi

Việc giẫn thủy nhập điền ở miền bắc hạ-du. – Các nhà kỹ-sư Đại-pháp đã khảo nghiệm về hết các hạt có cái địa-thế để giẫn nước vào ruộng mà không phải cần đến máy bơm. Vậy cứ việc lấy nước ngay chỗ dòng sông phát-nguyên ở trong núi, lựa chỗ nào cao, mà giẫn nước vào con đường cống lớn đi lượn theo cái phần cao-nguyên ở bản-hạt. Nước từ con đường cống lớn chẩy qua những cái máng xuống khắp các làng ; mỗi làng lại có máng riêng để đưa nước ra ruộng. Cuộc giẫn thủy nhập điền theo cách này thì khởi công lần trước tiên ở một phần hạt Kep, đến năm 1907 thì hoàn công.

Ở hạt này thì lấy nước ở Sông-Thương, do một con đê chắn nước làm ở Càn-son. Có một con đường cống dài 26 ki-lô-mét, thông với các máng, những máng này dài tới 38 ki-lô-mét, đưa nước vào những 350 ki-lô-mét các máng nhỏ để giẫn nước đi khắp 7.500 hectares ruộng.

Những ruộng này khi xưa hay mất vụ mùa, ngày nay thì năm nào cũng được một vụ rất tốt. Dân bản-hạt nhờ về cái công-cuộc giẫn thủy nhập-điền mà nay đều được phong túc.

Mới đây hạt Vĩnh-yên cũng có cuộc giẫn-thủy nhập-điền rất lớn lao. Xưa kia hạt này nghèo khổ lắm. Nay thì lấy nước ở sông Phó-Đay. Có hai con đường cống lớn, một con dài 50 và một con dài 18 ki-lô-mét, và có 12 cái máng bề dài tổng-cộng là 82 ki-lô-mét để giẫn nước đi khắp trong bản-hạt. Các làng hiện đã làm kể có 800 ki-lo-mét những cống nhỏ để đưa nước vào các ruộng. Cái công-cuộc giẫn-thủy nhập-điền ở hạt Vĩnh-yên này làm cho 17.000 hectares đất từ nay có đủ nước để cấy cầy. Xưa kia thì toàn là những đất chẳng mấy năm là không mất mùa. Vậy từ nay, năm nào cũng chắc được mùa.

Lại những 13.000 hectares ruộng, xưa kia đều không cấy được vụ chiêm thì từ nay thành ra những ruộng chiêm rất tốt.

Nhờ về cái công-cuộc giẫn-thủy nhập-điền mà tỉnh Vĩnh-yên sẽ trở nên một hạt rất phong-túc, thế mà xưa nay thì kể là một hạt rất nghèo vậy. Mới 25 năm về trước, một mẫu ruộng đáng giá 1$50 thì nay đã thành giá những 100 đồng bạc.

Lại đã làm những công-cuộc để làm tiêu thoát nước ủng tắc ở những khu đất xưa kia là cõi đồng lầy, không cầy cấy gì được. Hiện đã làm cho 6.000 hectares tiêu thoát hết nước ủng tắc, cầy cấy được rất tốt rồi.

Về đầu năm 1923 thì nhà-nước khởi một công-cuộc lớn lao hơn hai công-cuộc đã kể ra trên này. Cuộc này đến khi hoàn-thành thì làm cho khắp hạt Bắc-giang thêm ra nhiều ruộng rất có giá-trị, nhất là hạt Yên-thế. Nguyên là về miền dưới hạt Thái-nguyên thì làm con đê chắn ngang Sông-cầu và có một con sông đào lớn bề dài là 55 ki-lô-mét để giẫn nước vào hạt Yên-thế. Từ con sông đào này thì có những con sông nhỏ, tức là những cái máng nước bề dài là 3, 6, 31, 21, 7 và 3 ki-lô-mét.

Những cái máng nước này thì giẫn nước vào 34.000 hectares đất. Muốn biết rõ cái công-cuộc giẫn-thủy nhập-điền là hệ trọng thế nào thì cứ tính đổ đồng là 4 người có thể sinh-hoạt trong cái chu-vi một hectare. Như vậy thì sau này kể gần tới cái số 14 vạn người có thể sinh-hoạt một cách rất phong-túc trong một hạt, sau này năm nào cũng chắc được mùa, thế mà xưa nay thì không cầy cấy gì được.

Cuộc giẫn-thủy nhập-điền bằng cách bơm nước. – Bắc-kỳ này là một xứ rất kỳ-lạ. Thường có làng cùng một năm mà vừa bị cái nạn hồng-thủy lại tiếp theo ngay cái nạn hạn-hán. Hai cái nạn này thường hay sẩy ra ở những miền thuộc cõi trung-ương hạt hạ-du, về những nơi thấp hơn mặt nước ở lòng sông trong vụ nước lên, nhưng cao hơn lòng sông trong cái thời-kỳ nước xuống. Bởi thế trong những khi cần đến nước để cầy cấy thì không thể nào giẫn được nước ở lòng sông vào ruộng.

(Bởi thế phải bơm nước ở sông lên những con sông đào cao hơn lòng sông mà giẫn nước vào những ruộng cao. Về cái công cuộc bơm nước này thì phải cần đến những máy bơm rất mạnh).

Chính-phủ đã trù-tính năm đạo giẫn-thủy nhập-điền bằng máy bơm. Mỗi đạo có một hay hai con đường cống cái, lớn bằng những con sông tự nhiên : mỗi đường cống cái lại có những cống phụ, thông với những cái máng nước như là Kép, Vĩnh-yên và Bắc-giang. Thuộc về cái thời-kỳ mà sông Nhị-hà và sông Luộc hạ nhất, thì cái cống cái, chỗ phát-nguyên phải cao hơn mặt nước sông là 5 hay 6 thước. Ở chỗ đó thì đặt những máy bơm rất mạnh chạy bằng sức hơi-nước, để những khi nước thấp nhất thì cũng có thể bơm được rất nhiều nước mà giẫn đi các làng. Cái công-cuộc bơm nước này khiến cho 20 vạn hectares ruộng có đủ nước để cầy cấy. Thế là sau này, 86 vạn dân-cư ở miền hạ-du, năm nào cũng chắc được mùa, có dư thóc gạo để bán lấy lợi. Cái phần thứ nhất về cuộc bơm nước thì sẽ thực-hành ở hạt Sơn-tây.

Dân bản-xứ sau này có nhiều thóc-gạo xuất cảng thì có thể mua ở ngoại-quốc về các thứ chế-hóa-hạng để dùng như là : các hàng vải, đèn dầu-hỏa và đèn điện, máy khâu, xe đạp, máy bơm, các thứ cơ-khí thông thường, các vị thuốc cùng là biết bao nhiêu hóa-hạng khác nữa, rất cần cho việc vệ-sinh, làm cho cuộc sinh-hoạt của người ta được thêm phần lạc-thú.

Công-cuộc giẫn thủy nhập điền ở Kép.
Công-cuộc giẫn thủy nhập điền ở Kép.
Cống ngầm giẫn nước ở Vũ-di (Thân cống đã xây xong, đang lấp đất cho tới đáy sông cũ đã bớt tạm đi trước).
Cống ngầm giẫn nước ở Vũ-di (Thân cống đã xây xong, đang lấp đất cho tới đáy sông cũ đã bớt tạm đi trước).
Chỗ chân-thủy để giữ nước ở máng.
Cống lấy nước ở Liên-sơn (Trông mặt hậu).

CHƯƠNG THỨ SÁU : VỀ NHỮNG CÁCH VẬN-TẢI

Một nước ruộng đất sinh-sản rất nhiều hoa-lợi, lại có những rừng lắm gỗ quí, dưới đất thì nhiều mỏ than, mỏ sắt, mỏ thiếc, mỏ kẽm… thế nhưng không có đường xá giao-thông, không có những cách vận-tải thuận tiện thì những sản-vật kia, cũng là vô-ích vậy. Người trong nước nhờ về những sản-vật đó mà sinh-tồn, nhưng dùng không hết, còn dư ra chút nào thì không thể đem đi nơi xa mà bán được.

Giả sử đem hàng đi bán ở ngoài cõi, mà khiêng vác trên lưng người ta, hay là trở bằng lừa ngựa thì sự phí tổn về việc vận-tải nhiều lắm. Vả muốn đem hàng ở ngoại-quốc vào nước nhà thì cũng mất nhiều tiền vận-tải. Cuộc vận-tải khó khăn, sở tốn nhiều thì tất là hàng bán rất đắt đỏ.

Thế là công lao nhiều, mà sự kết-quả thì rất ít, thành ra người ta không muốn lao-động nhiều, đành chịu kham khổ để khỏi mất nhiều công-phu.

Vậy nước nào có nhiều đường xá giao thông, cách vận-tải lại tinh xảo thì việc vận-tải không phí-tổn lắm. Các nhà xuất-sản trong nước, thức gì mà không tiêu-thụ hết, còn thừa ra bao nhiêu, chỉ việc đem ra thương-cảng ở bản-hạt để bán đi. Nhờ về cách vận-tải dễ dàng mà bán hàng được hời giá, mua thức gì để dùng cũng được dẻ tiền. Như vậy ai mà chẳng hởi dạ, cố sức lao-động để xuất sản được nhiều hơn sự nhu-yếu của mình. Người nào cũng muốn xuất-sản được nhiều như thế là để có thể mua được đủ các thứ vật-liệu có ích, hay là những thứ hàng xa-xỉ mà ở hạt nhà không có bán. Như là dân miền hạ-du xứ Bắc-kỳ, ở suốt các dọc sông, mỗi năm được hai vụ thóc, ăn không hết, thì đem bán cái phần thóc dư đi ngoại quốc. Ngoại-quốc giả tiền thóc gạo mua ở bản-xứ bằng các thứ : vải, dầu-hỏa, các món khí-cụ bằng thép và bằng sắt, đanh ốc, đanh thường, các thứ máy hơi ; ô-tô, se-đạp ; máy khâu, đồng hồ ; sữa hộp ; bột mì và bột lúa mạch.

Vậy thì cái vấn-đề vận-tải rất là quan trọng.

Xưa kia ở xứ Bắc-kỳ thì cuộc vận-tải chỉ nhờ về các đường sông. Tại miền hạ-du, nhờ về nước thủy-triều, cho nên cuộc vận-tải bằng các đường sông là tiện-lợi lắm ; vả có rất nhiều những con sông tạo-hóa cùng là những con sông đào. Còn như cuộc vận-tải về các hạt thượng-du, là các miền núi, nước sông chảy siết lắm, ở lòng sông lại có nhiều tảng đá nổi lên mặt nước, thành ra những con thác dữ dội ; khi mùa đông thì nước cạn, khiến cho cuộc vận-tải, nhất là khi ngược nước thì rất chậm trạp và rất phí-tổn, mà khi xuôi thì lại rất là hiểm-trở. Bởi thế, xưa kia miền đồng-bằng đối với miền thượng-du thì cuộc thông-thương hiếm hoi lắm. Vả ngay ở miền hạ-du, cách vận-tải bằng các đường sông cũng rất chậm trễ. Ngày xưa tàu thủy chạy con đường Hanoi – Hải-phòng mỗi chuyến những 30 giờ, thường khi lại mất nhiều thì giờ hơn nữa.

Nhà-nước Đại-pháp bèn đặt ra đường xe-lửa. Có hai đường sắt chính, gặp nhau ở Hanoi, đi suốt cõi Bắc-kỳ theo hình chữ thập. Ngày nay đi đường Hanoi – Hải-phòng chỉ trong ba giờ đồng-hồ mà thôi, chứ không mất những ba mươi giờ đồng-hồ như trước nữa. Còn đường Hanoi – Lạng-sơn thì mỗi chuyến là 5 giờ, chứ không như xưa, mất hàng bảy tám ngày, mà cách vận-tải lại rất khó-khăn, rất phí-tổn và rất nguy-hiểm nữa. Từ Hanoi đi Lao-kay thì 9 giờ đồng hồ, chứ không mất ba tuần lễ như cách đi thuyền vậy.

Xứ nào mà có xe-lửa đi qua thì dần dần khai phá hết những rừng rậm và những đồng cỏ hoang, làm cho đồn điền ngày càng nhiều ra, dân-cư ngày càng đông đúc, người nhà-quê đi một nửa giờ đã tới chợ, mua bán xong, đến trưa lại giở về nhà được. Xưa kia đi chợ thì phải đi những con đường ruộng, rất là khó khăn, trên vai thì gánh nặng, thường đi ròng rã năm giờ đồng hồ, mệt nhọc dường bao !

Nay nhờ có xe-lửa, người Bắc-kỳ có thể đi buôn bán tại những xứ Thổ Mán, và mạn Vân-nam cùng là miền bắc Trung-kỳ.

Qua sông thì xe-lửa đi trên những cái cầu rất lớn, như là cầu sắt Hanoi dài tới 1700 thước, dù nước sông Nhị-hà lên to đến đâu, cũng không trở ngại gì. Ở sông Thái-bình, gần tỉnh-lỵ Hải-dương, và tại Vật-trì cũng đều có cầu sắt bắc qua sông, cùng là biết bao nhiêu nơi khác có cầu nữa ; hành-khách và xe-ngựa đều đi trên những cầu này để qua sông. Đường xe-lửa Vân-nam thì nhiều nơi xe-lửa đi qua những cái loại-đạo, là những con đường đi xuyên qua núi.

Đường-sá. – Trước khi Đại-pháp lập nền bảo-hộ thì ở bản-xứ, những khi tốt-giời mới có thể đi xe được ở trên các đường đê hoặc là ở những con đường đất mà thôi ; vả những con đường đủ rộng cho xe đi này cũng rất hiếm. Khi xưa ta chỉ có một cách vận-tải, là khiêng vác ; hàng hóa thì gánh, còn người thì đi cáng hay đi võng, ngoài những đường đê thì chỉ có những con đường ruộng rất nhỏ hẹp, thường trơn lầy, quanh-co khuất khúc.

Kỳ thủy người Quí-quốc tưởng là người bản-xứ vốn ưa những cách vận-tải hủ lậu cổ-thời ấy, nghĩ bụng rằng người Nam ta ưa đi chân không, giả sử làm đường đá thì đau chân. Vì thế khi bấy giờ chỉ làm một ít đường đi mà thôi : một vài con đường có lát đá, rộng hơn những con đường ruộng đôi chút để cho quân lính đi cho tiện.

Đến ngày làm ra những con đường rộng thứ nhất, có lát đá thì có người nói rằng : đường làm như thế, chỉ cốt để cho những người tây giàu có, đi ô-tô mà thôi. Sau người bản-xứ đều hiểu rằng những công việc làm đường ích lợi là thế nào, từ đó xe tay ngày càng nhiều mãi ra, rồi lại dùng đến xe bò, xe ngựa. Một cái xe bò ba người vừa kéo vừa đẩy thì trở được bằng sức mười người. Chính phủ bảo-hộ nghiệm ngay ra rằng công-việc làm đường là có ích cho dân bản-xứ. Từ đó giở đi công việc làm đường bành-trướng mãi ra. Việc làm đường, sở tốn rất nhiều, vì phải đắp mặt đất cho cao và phải làm biết bao nhiêu cái cầu nhỏ, cùng là tải đá cứng ở nơi xa đến, đập nhỏ ra mà lát đường. Thắm thoát trong mười lăm năm trời mà làm xong được lắm đường rất đẹp, lát đá phẳng lì. Trong mươi năm nữa thì các chợ lớn trong nước đều có những con đường rộng rãi để cho người ta đi lại mua bán một cách thực dễ dàng. Ngày nay đã có nhiều người bản-xứ dùng ô-tô. Người nghèo cũng có cái thú được đi ô-tô, vì có những ô-tô thuê để trở hành-khách. Xưa kia, người An-nam không hay đi ra khỏi làng nhà. Những người buôn bán thì chỉ đi đến những chợ ở làng bên láng giềng mà thôi. Ngày nay thì người nhà-quê ta, trong một ngày mà có thể đi buôn bán ở những hạt thực xa, bán xong, đến tối lại trở về nhà, chẳng lo nỗi trộm cướp. Nay nhờ có xe-lửa, ô-tô, người ta có thể đi một ngày từ Hanoi tới Huế. Dần dần thì các hạt thượng-du nhờ về những con đường tốt đẹp, được gần gụi miền hạ-du. Nay đã có đường đi lên Cao-bằng, Bắc-kạn rất dễ dàng ; chẳng bao lâu lại có đường thông suốt tới Hà-giang. Người Bắc-kỳ đi buôn-bán, có thể đem hàng lên bán ở các chợ thuộc về những hạt xa chốn quê nhà ấy, mà cách đi thì rất chóng, không mệt nhọc gì, lộ-phí cũng chẳng là bao, buôn bán ở những hạt này thực là phát tài. Những người nghèo thì có thể đi làm ở các mỏ, đều được cao công. Những người ưa cuộc khai-hoang thì có cơ tậu được những đất rất tốt để khai-phá thành ruộng mà chẳng phí tổn là bao đồng tiền.

Đường xá thì có ích là như thế.

Những sông đào. – Xưa nay ta chỉ biết lợi dụng những con sông thiên-tạo. Về miền cao-nguyên, ở hạt thượng-du, thì nước sông chảy xiết lại nông lòng, đá mọc ngổn ngang ở giữa dòng nước. Như là đi qua hạt Tuyên-quang, ngược lên thì chỉ có những thuyền nhỏ mới có thể đi trên con sông Thanh-giang được mà thôi. Ở miền hạ-du, bốn người có thể trở được cái thuyền tải những 50 tấn. Từ Đáp-cầu lên Thái-nguyên thì phải bốn người mới đủ sức để trở được cái thuyền nhỏ mà chỉ tải được tới 10 tấn là cùng ; vậy năm cái thuyền, thì phải những 20 người. Từ Tuyên-quang mà đi ngược con sông Thanh-giang lên tới Hà-giang thì phải dùng những cái thuyền nho nhỏ, mỗi thuyền trở được một tấn là cùng, thế mà cũng phải bốn người mới trở được một cái thuyền, chẳng khác gì những thuyền lớn vậy. Giả sử một chuyến thuyền tải 50 chiếc thì phải có hai trăm người mới đủ sức để trở thuyền được. Thế là ở hạ-du chỉ phải bốn người để vận tải 50 tấn hàng thì ở thượng-du cũng bấy nhiêu hàng phải dùng những 200 thủy-thủ. Vậy thì buôn bán sao được. Ở miền trung-châu, dân-cư đông đúc, việc tuyển mộ nhân-công, vì thế mà rất dễ dàng ; còn như ở thượng-du thì dân-cư rất hiếm, cho nên không có đủ nhân-công để vận-tải được nhiều hàng hóa.

Chính-phủ bảo-hộ sở dĩ đào ra những con sông là vừa dùng về việc giẫn-thủy nhập điền vừa dùng về việc vận-tải nữa.

Hiện nay đương có cuộc đào một con sông từ Thái-nguyên (do sông-Cầu) đến sông Thương gần hạt Bắc-giang. Con sông này thì những thuyền tải 300 tấn có thể đi lại được. Suốt dọc bờ sông lại có con đường để dùng trâu bò kéo thuyền được. Nhờ về con sông này thì có thể trở than cùng là quặng sắt ở Thái-nguyên về miền hạ-du. Xưa nay không có thuyền tải những thức ấy, vì không đủ nhân-công. Khi nào cuộc đào sông mà hoàn-thành rồi thì mỏ Phan-mễ có thể xuất-sản hằng năm tới 30 vạn tấn, chứ không như bây giờ chỉ được có 3 vạn tấn mà thôi. Lại có cuộc khai khẩn các mỏ sắt ở hạt Thái-nguyên nữa. Cuộc khai mỏ chắc sẽ dùng tới mấy mười nghìn phu nữa, mà dùng toàn những hạng phu cao công. Vậy hạt Thái-nguyên và Yên-thế sẽ được phong túc dường bao mà tiệt hẳn những quân trộm cướp.

Hiện nay tại hạt Thanh-hóa cũng đương có cuộc đào sông như nói trên này.

Cầu sắt ở Việt-trì, trên sông Thanh-giang để cho xe-lửa và hành-khách đi lại.
Cầu sắt ở Việt-trì, trên sông Thanh-giang để cho xe-lửa và hành-khách đi lại.
Cầu sắt để cho xe-lửa và hành-khách đi lại.
Cầu sắt để cho xe-lửa và hành-khách đi lại.

Leave a Reply