Sinh con, ai cũng muốn con nên người, và bổn phận của cha mẹ là phải gây dựng cho con cái. Trong công việc gây dựng con cái phải kể từ lúc bắt đầu cho đến khi con đã lớn khôn, qua thời kỳ trứng nước đến khi dựng vợ gả chồng cho con, bố mẹ mới tự coi là bổn phận của mình đã đầy đủ. Theo luật pháp ngày nay, con cái đến 18 tuổi là coi như thành nhân và phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình, nhưng đối với bố mẹ, người con dù bao nhiêu tuổi cũng vẫn như còn bé nhỏ, và bố mẹ lúc nào cũng theo dõi các con để giúp đỡ hoặc chỉ bảo, tuy rằng có nhiều người con tự cho là khôn ngoan hơn bố mẹ. Tìm hiểu thêm: Truyền thống dạy con của người Việt
Áo chẳng qua đầu, các cụ thường nói vậy để chứng tỏ rằng con cái dù sao cũng không qua khỏi sự khôn ngoan của bố mẹ, và trứng có bao giờ khôn hơn vịt.
Nuôi con, con bắt đầu khôn lớn, bố mẹ đã nghĩ đến tương lai của con và phải lo cho con ngay từ tấm bé. Sự lo lắng tương lai cho các con tùy theo hoàn cảnh của cha mẹ, và chính hoàn cảnh và địa vị của cha mẹ đã hướng dẫn cha mẹ trong việc gây dựng cho các con.
Bố mẹ giàu có, con cái có thể được theo đuổi bút nghiên cho đến lúc thành tài; bố mẹ kém sung túc hơn con cái cũng được đi học, ăn mày dăm ba chữ của thánh hiền rồi hoặc ở nhà lo việc nhà, hoặc phá ngang đi kiếm ăn bằng chữ nghĩa, hoặc bỏ học chữ đi học nghề; bố mẹ nghèo quá không lo được giấy bút cho con đi học, con cái đành chịu cảnh dốt nát, nhưng không phải vì vậy mà bố mẹ không tính đến ngày mai của các con, bố mẹ hướng dẫn cho con đi học nghề hoặc tìm chỗ gửi gấm cho con tập làm ăn, hoặc cùng lắm thì con cái mới phải đi chăn trâu ở đợ, nhưng trong hoàn cảnh này bố mẹ không khỏi đau lòng. Nội dung liên quan: Tục lệ đặt tên của người Việt
Việc học hành
Dân ta trọng chữ nghĩa nên bậc làm bố mẹ ai cũng muốn cho con được cắp sách đi học, may ra thì mai sau được võng tía võng đào, dù không may kém cỏi thì khỏi mang tiếng là đồ dốt đặc cán mai. Ta thường nói đi học để thông văn tự và viết ba chữ ký để chỉ những người học hành dở dang, không đỗ đạt gì cũng không đủ giỏi giang để làm thầy đồ thầy đạc, nhưng cũng đọc thông được những bức văn tự bán nhà bán ruộng, tậu trâu tậu bò, biết ký tên mình khi cần đến.
Nhân sinh bách nghệ, Văn học vi tiên;
Nho sĩ thị trân, Thi thư thị bảo.
Nghĩa là:
Người ta trăm nghề tùy thân,
Nhưng mà văn học phải cần đầu tiên; Thi thư lá báu dõi truyền,
Học trò là kẻ sĩ hiền trọng thay!
Mấy câu trên mở đầu sách MINH ĐẠO GIA HUẤN của Trình Tử đủ nói lên việc học hành ở xứ ta rất được coi trọng, và do đó kẻ sĩ nước ta được xếp đầu trong tứ dân: Sĩ, Nông, Công, Thương.
Những buổi học đầu tiên
Tuổi đi học ở nước ta ngày xưa không hạn định ở mức nào. Tùy theo đứa trẻ khỏe mạnh hay ốm yếu, bố mẹ cho con đi học vào khoảng từ lên sáu, lên bảy đến lên tám.
Xưa chỉ có con trai được đi học, con gái phải ở nhà học làm học ăn, trừ những gia đình phú quý mới cho con gái đi học, do đó phụ nữ ngày xưa phần lớn bị thất học.
Việc đi học ngày xưa hầu như không tốn kém gì ngoại trừ tiền giấy bút chẳng đáng bao nhiêu. Tại các làng xã, thôn xóm đều có các ông đồ dạy học, và học trò đi học cũng chẳng phải trả tiền. Hàng năm, bố mẹ học trò chỉ cần mang tết ông đồ thúng gạo và quà bánh vào những dịp Tết, tháng năm, tháng mười hoặc giỗ chạp. Ai muốn cho con đi học chỉ cần sửa lễ đến xin ông đồ nhận dạy con mình, và cái lễ này cũng không đắt đỏ gì, chỉ gồm cơi trầu, bao chè là đủ.
Đi học cũng không cần phải mua sách vở như ngày nay.
Các bài học thường do các ông đồ viết tay vào sách cho học trò, và khi nào học trò đã có thể tự viết lấy được thì học trò sẽ tự chép lấy bài học. Chỉ những con nhà giàu có mới mua được sách in.
Lễ khai tâm
Buổi học đầu tiên đánh dấu quãng đời mới của đứa trẻ, bởi vậy dân ta rất chú trọng, và có lễ khai tâm để đứa trẻ học vỡ lòng.
Lễ khai tâm mở đầu cho cuộc đời mới của đứa trẻ, lễ mở đầu có tốt đẹp thì cuộc đời của đứa trẻ mới tốt đẹp tới lúc tuổi già. Người ta chọn ngày lành tháng tốt. Đứa bé được tắm rửa, cạo đầu sạch sẽ và ăn mặc bộ quần áo đẹp nhất. Người ta làm lễ cáo gia tiên, rồi dẫn đứa bé với đồ lễ tới lớp học của ông đồ để xin nhập môn.
Ông đồ làm lễ thánh, là lễ trước bàn thờ đức Khổng Tử để xin nhận đứa trẻ làm học trò. Đạo Thánh là đạo rộng, không bao giờ ông từ chối việc dạy học một đứa trẻ nào.
Làm lễ Thánh xong, đứa trẻ cũng phải lễ trước bàn thờ Thánh.
Ông đồ lại làm lễ cáo gia tiên việc nhận thêm một môn sinh mới, sau đó ông mới bắt đầu dạy đứa trẻ bài học đầu tiên.
Có nhiều ông đồ cẩn thận, trong buổi khai tâm đứa trẻ, các ông đã dẫn trẻ ra văn chỉ, tức là miếu thờ đức Khổng Tử ở trong làng để làm lễ rồi mới nhận cho đứa trẻ nhập môn.
Bài học đầu tiên
Thường bài học đầu tiên của đứa trẻ là mấy dòng đầu của sách Tam Tự Kinh. Và những buổi đầu tập viết, đứa trẻ dùng bút tre chấm vào nước lã tô lên những khuôn chữ đã đục sẵn trên một mảnh ván cho đến khi quen tay mới dùng bút mực tô lên những son ông đồ đã viết sẵn trên giấy.
Kể từ đó, cậu học trò nhỏ dần dần ngày một ngày hai, học hết sách Tam Tự Kinh tới sách khác, cho đến khi học tới Tứ Thư, Ngũ Kinh.
Ngày nay việc học hành của trẻ nhỏ khác xa với học vỡ lòng ngày xưa.
Học hành ngày nay
Con trai con gái ngày nay đều được đi học. Vẫn còn gia đình kén ngày cho con đi học vỡ lòng, còn phần đông cho con tới học tại các trường đều đi học theo ngày khai trường. Nhiều gia đình cho con đi học các lớp mẫu giáo từ khi con mới lên bốn tuổi. Tới lớp mẫu giáo, đứa bé vừa học vừa chơi để dần dần mở trí khôn tiếp nhận những bài học của chương trình tiểu học sau một vài năm.
Trẻ học ngày nay có sách in sẵn, và khi tập viết lúc đầu chúng dùng bút chì. Chúng cũng tô lên những nét gạch có in sẵn trong sách hoặc do các thầy giáo, cô giáo viết mờ mờ cho chúng theo đó tô cho đậm.
Việc học hành có giờ, có chương trình. Học trò đi học trường công được miễn trả tiền, còn các em theo học trường tư tháng tháng phải đóng một số học phí. Các em phải mua sách vở, giấy bút, việc học xét ra tốn kém hơn xưa. Các gia đình nghèo chỉ cho con theo học tới một trình độ nào, vì càng học lên cao việc học càng đắt đỏ. Chính phủ có đặt ra học bổng để giúp đỡ các trẻ em nghèo, nhưng con nhà nghèo vẫn còn chịu nhiều sự thiệt thòi trên đường học vấn so với các trẻ sinh trong các gia đình sung túc.
Việc học ngày nay chia ra từng bậc, và bậc tiểu học hầu như cưỡng bách, nhưng trên thực tế, nhiều trẻ em nghèo chỉ đi học cho đến khi biết đọc biết viết là nghỉ để giúp đỡ cha mẹ, trông nom việc nhà.
Cũng may lối chữ quốc ngữ ngày nay dễ học nên tuy đi học không bao lâu em nào cũng đọc và viết thông tiếng Việt. Việc học ngày xưa chỉ học kinh sách, và luyện văn chương, nhưng trong chương trình học ngày nay có đủ các môn sử ký, địa lý, toán pháp, vệ sinh, hóa học, sinh vật v.v… để giúp kiến thức của các em thêm toàn diện.
Ông đồ và cậu giáo
Như trên đã nói, các em vỡ lòng học tại lớp học của các ông đồ. Vậy ông đồ là người thế nào?
Ông đồ chính là những bậc văn tự, học vấn uyên bác, nghĩa là những người hay chữ, nói theo lối ta xưa, mở lớp học để dạy học trò, các trẻ em và học trò lớn có thể sau một khoa thi là trở nên ông Cử, ông Tú và được vào thi Hội thi Đình để lấy thêm bằng Tiến sĩ, Bảng Nhỡn, Thám Hoa.
Ông đồ có thể là một vị hưu quan, hoặc là một bậc khoa cử không ham muốn công danh, từ chối sự xuất chính, lấy việc dạy học làm lẽ sống.
Lại có những người tuy không đỗ đạt gì và đã từng nhiều phen lảo đảo trường ốc, nhưng vì hay chữ được dân làng ép mời mở lớp dạy học. Học trò các ông đồ hay chữ thường rất đông, và dù làm nên danh vọng cao xa bao giờ cũng kính trọng thầy, và chính các ông đồ cũng luôn luôn giữ địa vị mình, chẳng may nếu gặp phải học trò vong ân, làm nên coi rẻ thầy, các ông lập tức cấm cửa không bao giờ thèm nhìn nhận là học trò. Ta cứ đọc truyện ông Chu Văn An đời nhà Trần đủ biết uy tín của một ông đồ đối với học trò ra sao.
Các ông đồ trước đây mở trường dạy học dễ dàng không bị luật lệ nào ràng buộc. Các ông đồ được hoàn toàn tự do mở lớp dạy học trò. Điều kiện cần thiết là phải hay chữ, có hay chữ mới có học trò.
Ngoài các ông đồ mở lớp dạy học, nhiều gia đình khá giả cũng rước ông đồ về dạy bảo con cái ở trong nhà. Trong trường hợp này các ông đồ biến thành những gia sư. Đối với các vị gia sư, học trò kính trọng đã đành, các phụ huynh học sinh cũng kính trọng, vì các vị gia sư này đều là những người văn hay chữ tốt đem đạo thánh hiền dạy cho con cái mình. Các ông đồ thường nhận thêm học trò nếu có người khẩn khoản xin cho con học.
Ngày nay nhiều gia đình cũng mướn gia sư: đây là các cậu giáo hoặc cô giáo kèm trẻ em học thêm ở trong nhà. Các cậu giáo, cô giáo này không cần phải học vấn uyên bác, chỉ cần có trình độ học cao hơn mấy đứa trẻ mình dạy là đủ.
Học sinh ngày xưa đối với các cậu giáo, cô giáo thường hay nhờn vì chính cho là bố mẹ chúng thuê những người này đến để dạy bảo chúng, chúng có một vài cử chỉ kém lễ độ cũng không sao, các cậu giáo, cô giáo cần tiền không thể bỏ chúng được. Học sinh đã vậy, ngay cả đến phụ huynh học sinh cũng coi thường các gia sư, các vị này ỷ tiền cậy của coi các gia sư chỉ như những người làm công lãnh lương của họ. Nói chi đến gia sư, ngay tại các trường học, có nhiều học trò cũng coi khinh thầy giáo, chúng cho rằng đi học thì chúng phải đóng tiền, các thầy giáo ăn lương của nhà trường thì có bổn phận phải dạy cho chúng. Đấy là nói trường tư, ở các trường công sự kính trọng của học trò đối với thầy giáo cũng không hơn bao nhiêu.
Người xưa trên mọi lĩnh vực đều lấy lễ nghi làm căn bản trong sự giao tế; Nói đến lễ nghi là nói đến đạo đức, mà đạo đức thì không kể đến tiền tài, chỉ kể đến sự cư xử sao cho thuận lẽ, cho hợp với ân tình. Bởi vậy thầy thì ra thầy, thầy không phải là người thiếu giáo dục, thiếu luân thường.
- 1
- 2